Cổ vũ cho một thế giới tin tưởng lẫn nhau
Các Website khác - 17/05/2008

Tuyên bố Hà Nội tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) 2008, thúc giục cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực cho một thế giới bền vững, bằng cách đề cao đối thoại, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau trong việc bảo hộ phẩm giá con người tại các quốc gia và các tôn giáo khác nhau. 
 

Mô tả ảnh.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chiều 16/5, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2008 diễn ra lần đầu tiên tại Việt Nam đã bế mạc với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội. 16 điểm của Tuyên bố nhấn mạnh đến những khía cạnh đa dạng mà Phật giáo có thể đóng góp, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh cho nhân loại. 
 
Tuyên bố Hà Nội thừa nhận “sự phát triển kinh tế và xã hội không thể được đảm bảo một cách bền vững khi thiếu vắng hòa bình và sự tôn trọng các quyền con người và tự do căn bản.

Ủng hộ công bằng xã hội, dân chủ và quản trị tốt trong mọi thành phần của xã hội nhằm mang lại hòa bình và an ninh trong và giữa các quốc gia”.
 
Tuyên bố cũng có điểm ủng hộ việc thúc đẩy giải trừ quân bị, ngăn ngừa chiến tranh xung đột mà đặc biệt là cấm thử vũ khí hạt nhân, cấm chế tạo các loại vũ khí hóa học và sinh học.

Đoàn kết bền chặt, hành động thiết thực 

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói: Đại lễ Vesak ở Việt Nam là ngày hội văn hóa đoàn kết trong nước và quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật. Đại lễ không chỉ là lễ hội văn hóa tôn giáo quốc tế mà còn là cơ hội để thế giới biết đến Phật giáo, văn hóa Việt Nam, về chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách đại đoàn kết dân tộc của một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, công lý. 

Phó Thủ tướng hy vọng qua Đại lễ, "tinh thần đoàn kết gắn bó của nhân loại thêm bền chặt, hành động ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội".

Mô tả ảnh.

Tuyên bố Hà Nội thúc giục tăng cường các nỗ lực cho một thế giới bền vững,  bảo hộ phẩm giá con người. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các chủ đề hội thảo trong khuôn khổ Đại lễ và Tuyên bố Hà Nội là sự đóng góp của Phật giáo thế giới vào kho tàng tri thức của nhân loại và các giải pháp về vấn đề đời sống xã hội toàn cầu. "Phật giáo kêu gọi hành động vì sự tôn trọng và hòa hợp giữa các dân tộc cho dù có sự khác biệt về truyền thống và văn hóa. Chúng ta hy vọng về một tương lai tươi sáng của nhân loại".
 
GS.TS Lê Mạnh Thát, Chủ tịch Uỷ ban tổ chức quốc tế IOC cũng nhấn mạnh chủ đề của Đại lễ Vesak 2008 "Sự đóng góp của Phật giáo về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", đã giúp nhìn nhận lại các vấn đề còn tồn đọng, khám phá điều mới lạ, góp phần giải quyết những thách thức không chỉ của tín đồ Phật giáo mà của cả nhân loại quan tâm.

Biểu diễn hợp xướng tại lễ bế mạc Đại lễ Vesak. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế cũng khẳng định, những trao đổi sâu sắc trong khuôn khổ Đại lễ góp phần làm cho cuộc sống tâm linh hàng ngày phong phú, ý nghĩa. "Qua đây, nhân loại có thể tìm ra giải pháp khắc phục những thách thức to lớn đang phải đối diện đồng thời tôn vinh các giá trị hòa bình, yêu thương, sâu sắc, hướng đến sự thăng hoa của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà Đức Phật mang đến cho nhân loại".

Sau lễ bế mạc, tối 16/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình diễn ra Lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình và sự yên nghỉ cho các nạn nhân thiệt mạng do cơn bão Nagris ở Myanmar và các nạn nhân trong vụ động đất ở Trung Quốc vừa qua.

  • Xuân Linh