Hơn nửa thời gian cuộc hội thảo "Nâng cao tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ doanh nghiệp" diễn ra tại Hà Nội ngày 16/5 đề cập đến công cuộc phòng chống tham nhũng nói chung ở Việt Nam, trong đó tâm điểm là quyền tiếp cận thông tin liên quan đến tham nhũng và bảo vệ các cá nhân chống tham nhũng.
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Diễn đàn Lãnh đạo các Doanh nghiệp thế giới, Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Đại sứ quán Thụy Điển đồng tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình thừa nhận, tham nhũng diễn ra ở nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Hội thảo tại VCCI. Ảnh: XL |
Theo ông Bình, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, yêu cầu quan trọng nhất là hoàn thiện thể chế pháp lý đủ mạnh, thiết lập hệ thống kiểm soát quyền lực và xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, có tính cạnh tranh. Hơn cả là quyết tâm thực hiện phòng, chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, xã hội.
Đảm bảo thông tin căn bản
Tại Hội thảo, đại diện Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng để chống tham nhũng hiệu quả cần đảm bảo việc tiếp cận thông tin liên quan đến tham nhũng.
Ông Chong San Lee, đại diện của tổ chức này cho rằng "thông tin phải được sẵn sàng cung cấp" bởi nếu không có thông tin đầy đủ sẽ không thể đề ra các giải pháp chống tham nhũng.
Ở mức độ tiếp cận, ông Lee cho rằng, phải đảm bảo được những thông tin căn bản nhất cho dù trong lĩnh vực này có những thông tin mật, nhạy cảm.
Và để đảm bảo sự tiếp cận thông tin, sẽ cần phải có những công cụ pháp luật thực thi quyền được biết này. Theo ông Lee, để biến thành hành động, ý chí sẵn sàng về mặt chính trị trong việc phòng, chống tham nhũng, cần phải đảm bảo việc cung cấp thông tin liên quan đến tham nhũng đầy đủ.
Ông Lee dẫn ra ví dụ ở Malaysia, nơi ông đang sống và làm việc. Tại đây, cơ quan có chức năng thực thi chống tham nhũng đã thiết lập một website cung cấp đầy đủ thông tin về các vụ việc tham nhũng cho những người quan tâm. Ông Lee gợi ý sáng kiến thiết lập một cơ chế phối hợp giữa cơ quan báo chí, công chúng với Chính phủ trong việc thiết lập kênh thông tin liên quan tới tham nhũng.
Đề cập đến việc tiếp cận thông tin liên quan đến tham nhũng, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình cho biết, chủ trương của Thanh tra Chính phủ Việt Nam là công khai, "không bưng bít, không giấu" thông tin.
Để thực hiện chủ trương này, Thanh tra Chính phủ thường có các cuộc họp báo để thông báo việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh, với những thông tin chưa được xử lý, về nguyên tắc, sẽ chưa thể công bố rộng rãi.
Đến bảo vệ cá nhân
"Bà già chống tiêu cực" Lê Hiền Đức tại Hội thảo. Ảnh: XL |
"Bà già chống tiêu cực" nổi tiếng, 78 tuổi, Lê Hiền Đức, người vừa nhận giải thưởng Liêm chính 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa qua, khiến hội thảo sôi nổi khi kể về việc tố giác tham nhũng của mình.
Do sự "lắm chuyện" nên bà Đức có thông tin tố giác tham nhũng gửi về từ 64 tỉnh, thành. Nhưng khi thực hiện tố giác tham nhũng, "bà già chống tiêu cực" đã gặp phải không ít sự đe dọa tính mạng mà đến nay vẫn không có cách nào đảm bảo sự an toàn cho mình.
Thậm chí, khi tố giác tham nhũng, bà còn gặp không ít chuyện tréo ngoe, mệt mỏi khi thông tin tố giác không nhận được phản hồi xác đáng.
"Tôi chỉ là một công dân yêu nước. Nhưng tôi bị đá như một quả bóng", bà Đức bức xúc miêu tả trạng thái không nhận được sự hợp tác từ một số cơ quan chức năng.
Trước câu chuyện của bà Đức, ông Peter Brew, Giám đốc Giải pháp kinh doanh có trách nhiệm của Công ty IKEA cho rằng, cần phải lưu tâm đến rủi ro của những cá nhân tham gia chống tham nhũng.
"Đây là thách thức toàn cầu. Cần có khuôn khổ pháp lý đảm bảo sự an toàn cho những người có hành động chống tham nhũng tích cực. Có như vậy mới đảm bảo cho việc điều tra nhanh chóng".
Trong một ý kiến liên quan, ông Peter Brew cũng lưu ý đến trách nhiệm của những người thực hiện các báo cáo về chống tham nhũng, phải đảm bảo sự trung thực khi thực hiện các báo cáo để đảm bảo cuộc chiến chống tham nhũng có cơ sở tin cậy.
"Qua đó, mọi cá nhân có thể tham gia tích cực hơn vào công cuộc chống tham nhũng, bất luận cá nhân đó đại diện cho bản thân, hay cho các tổ chức của riêng họ".
▪ Cổ vũ cho một thế giới tin tưởng lẫn nhau (17/05/2008)
▪ QH còn tranh luận việc bỏ tội danh sử dụng ma túy (17/05/2008)
▪ Hà Nội rộn rã ngày Giao thông xanh (17/05/2008)
▪ Kết thúc điều trần chất độc da cam VN (16/05/2008)
▪ Áp lực lạm phát có thể nghiêm trọng hơn (16/05/2008)
▪ Chất lượng dân số Việt Nam ở mức thấp (16/05/2008)
▪ Mở rộng Hà Nội: Chưa lấy ý kiến dân vì Quốc hội chưa thông (15/05/2008)
▪ Người dân có quyền được biết các bản án (15/05/2008)
▪ Các cơ quan hành chính, sự nghiệp lãng phí điện (14/05/2008)
▪ Gần 1 tỷ USD nâng cấp Cảng hàng không Đà Nẵng và Chu Lai (14/05/2008)