Chàng trai mang bún Việt đi xa
Các Website khác - 04/03/2006
Huy Cận, chàng trai 36 tuổi đã cùng bạn bè mở nhà hàng Bún Ta tại TP Hồ Chí Minh. Quán của anh có hơn 50 món bún khác nhau, hấp dẫn rất nhiều du khách.
Bún ta, "Tây" khoái

Huy Cận khoe rằng, từ nhỏ anh đã thích ăn, ăn để biết và suy ngẫm. Không dám tự cho mình là người sành ăn nhưng anh tự nhận là ngươi có năng khiếu trong ẩm thực và tự tin có thể biết được "gu" ăn uống của nhiều người.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Mở năm 1995, anh qua Mỹ du học. Anh kể: "Tôi thích khám phá nhiều nơi bằng cách du lịch. Người ta mất ba ngày để đi du lịch đến một nơi nào đó thì tôi phải mất cả tuần. Tôi từng lang thang qua 19 tiểu bang của Mỹ trong vòng ba tháng, rồi tranh thủ du lịch qua mười mấy nước châu Âu, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của nhiều thành phố lớn cũng chỉ để... ăn". Về nước, sau một thời gian điều nghiên thị trường, anh quyết định mở quán Bún Ta (hùn với hai người bạn thân). Sở dĩ anh chọn bún để kinh doanh bởi bún phù hợp với xứ nhiệt đới, sáng - trưa - chiều - tối - nắng - mưa đều ăn được nhưng chưa được tôn vinh. TP Hồ Chí Minh chưa có quán bún nào thật sự chuyên nghiệp, độc đáo cả.

Cận tự hào Bún Ta là nơi ban nhiều loại bún nhất Việt Nam. Hơn 50 loại bún được chia thành bốn nhóm: bún nước, bún khô, bún xào, bún cuốn. Tất cả đều làm từ bún tươi. Tuy quán chỉ bán bún ta nhưng Tây rất thích, khách nước ngoài chiếm đến 70%. Lúc mở quán, anh dự kiến 6 tháng đầu mỗi ngày đón chừng 150 khách, không ngờ con số thực tế gấp hai, ba lần. Hiện nay bình quân Bún Ta đón 400 lượt khách/ngày. "Với giá 38.000 đồng/tô chưa kể 5% phí phục vụ, liệu có đắt?". Anh giải thích ngay: "Có nhiều lý do để Bún Ta đắt như sử dụng rau sạch, nước tinh khiết để nấu nước lèo... Đặc biệt khách vừa ăn vừa nghe nhạc Jazz trong một không gian thanh lịch, ấm cúng, trang trí đẹp".

Đưa thời trang vào bún

"Để tạo sự khác biệt, tôi quyết định nâng món bún dân dã thành đặc sản sang trọng và đưa cả thời trang vào, Huy Cận bộc bạch. Cầm đôi đũa bọc giấy xinh xắn trên tay, anh chỉ cho tôi thấy logo chữ Bún Ta được thể hiện bằng kiểu chữ rất điệu đàng. Chữ "b" được cách điệu hình cái môi (vá), chữ "u" mang hình cái tô, dấu sắc là đôi đũa. Rồi loại bún khô phải chứa trong tô mầu xanh; bún nước loại cọng lớn nằm trong to mầu cam; loại cọng nhỏ đựng trong tô mầu vàng... nhằm tạo phong cách riêng cho mỗi loại bún.

Vật dụng, thức ăn cũng rất tinh tế. Thực khách có thể phát hiện ra những logo bé tí tẹo nằm trên mí của bao bọc đôi đũa hay miếng chả lụa kẹp trứng cột bằng cọng hành khá công phu. Từ đĩa, chén, muỗng, ly... mỗi thứ đều có kiểu dáng riêng đầy tính mỹ thuật nhưng không chỏi nhau. Được biết, phần lớn đồ dùng ở quán được đặt hàng chứ không mua loại có sẵn trên thị trường.

Nói đến ẩm thực Việt Nam, khách quốc tế thường nghĩ đến phở và chả giò nhưng ít người biết Việt Nam có loại bún tươi làm từ gạo khá ngon. Huy Cận mơ ước bún Việt Nam cũng sẽ nổi tiếng. Muốn vậy phải chế biến thật chuẩn. "Cái chuẩn đó phải dựa vào khẩu vị của số đông. Đến Bún Ta để ăn bún bò ngon chứ không phải bún bò Huế, bún sứa ngon chứ không phải bún sứa Nha Trang. Đó là những tiêu chuẩn tôi áp dụng trong tương lai, đồng thời cho hệ thống nhà hàng Bún Ta sẽ xuất hiện ở Hội An, Hà Nội và sau đó đến Mỹ, Nhật...", anh bật mí.

"Trong kinh doanh, thường bạn phải chọn khách hàng nhưng có lúc khách hàng chọn bạn - đó là dấu hiệu của thành công và bạn phải phát huy nó. Nhiều người "phảl lòng" Bún Ta bởi lẽ mỗi lần đến đây, họ chỉ nhận thêm chứ không mất đi". Lời nói mang tính trải nghiệm pha lẫn chút tự hào về sự thành công bước đầu của người khai sinh Bún Ta cho thấy khát vọng làm giàu bằng con đường ẩm thực của một chàng trai trẻ thế hệ 7X Việt Nam.

Theo Sài Gòn giải phóng