Trả lời: Theo Nghị định số 81/2000/NĐ-CP ngày 29-12-2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích, người đi lao động thực hiện nghĩa vụ lao động công ích, nếu bị tai nạn trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ về tai nạn lao động:
- Bị tai nạn khi đang thực hiện những công việc do người có thẩm quyền quản lý, sử dụng lao động công ích giao. Các công việc gồm: xây dựng, tu bổ đường giao thông, các công trình thủy lợi; xây dựng trạm y tế, nhà trẻ, trường, lớp mẫu giáo, trường phổ thông và công trình vui chơi, giải trí không vì mục đích kinh doanh; xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ; xây dựng các công trình công ích có tính chất xã hội khác hoặc trong trường hợp cấp thiết khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh được phân công tham gia lao động để kịp thời phòng, chống hoặc khắc phục hậu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
- Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc để thực hiện nghĩa vụ lao động công ích.
Người bị tai nạn lao động trong khi thực hiện nghĩa vụ lao động công ích được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện. Sau khi điều trị được cơ quan lao động giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp người chưa tham gia Bảo hiểm xã hội bị suy giảm khả năng lao động từ 10% trở lên thì được trợ cấp một lần. Mức trợ cấp đối với người bị suy giảm 10% khả năng lao động bằng hai tháng lương tối thiểu. Nếu bị suy giảm khả năng lao động trên 10%, thì cứ 1% tăng lên được cộng thêm 0,5 tháng lương tối thiểu. Nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, ngoài chế độ trợ cấp một lần, còn được hưởng chế độ cứu trợ thường xuyên.
Trường hợp người có tham gia Bảo hiểm xã hội thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hằng tháng theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội.
Người bị tai nạn lao động bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với người tàn tật.
Trường hợp bị chết, kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu, nếu người bị chết chưa tham gia Bảo hiểm xã hội, thì người trực tiếp lo mai táng được nhận tiền mai táng bằng 8 tháng lương tối thiểu và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 5 tháng lương tối thiểu. Nếu người bị chết có tham gia Bảo hiểm xã hội, thì thực hiện theo quy định của Điều lệ Bảo hiểm xã hội.
------------------------
Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam
Hỏi: Chồng sắp cưới của tôi ở Mỹ, muốn làm giấy đăng ký kết hôn với tôi tại Việt Nam. Xin hỏi hồ sơ thủ tục thế nào? Chồng tôi đi khám sức khỏe tâm thần ở Mỹ rồi nộp vào hồ sơ này được không? Nếu giấy này được chấp nhận, sau khi được kết hôn chồng tôi có phải viết giấy cam kết tiếp tục khám sức khỏe tâm thần ở TP Hồ Chí Minh nữa hay không?
Trả lời: Trường hợp của chị sẽ làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh. Theo hướng dẫn của Sở Tư pháp, hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài của các bên gồm:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu của Bộ Tư pháp, có xác nhận chưa quá sáu tháng tính đến ngày nhận hồ sơ của cơ quan thẩm quyền (đối với bên Việt Nam là UBND cấp phường) về việc hiện tại người đó không có vợ hoặc chồng. Đối với bên nước ngoài, nếu pháp luật nước họ không quy định việc xác nhận vào tờ khai thì thay thế bằng xác nhận lời tuyên thệ của đương sự về việc không có vợ/chồng phù hợp pháp luật nước đó;
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam (Trung tâm Sức khỏe tâm thần TP Hồ Chí Minh) hoặc nước ngoài (đối với bên nước ngoài) cấp chưa quá sáu tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh tâm thần nhưng chưa đến mức không có khả năng nhận thức được hành vi. Lưu ý là nếu bên nước ngoài làm tại nước của họ thì phải khám ở bệnh viện công và khám tâm thần (nhiều trường hợp đã bị trả hồ sơ vì nộp giấy khám sức khỏe thông thường);
- Bản sao CMND và hộ khẩu (bên Việt Nam), hộ chiếu (bên nước ngoài);
- Lý lịch cá nhân theo mẫu.
Lưu ý: các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải nộp bản chính, được hợp pháp hóa lãnh sự bởi cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó, hoặc được thị thực bởi cơ quan ngoại giao của nước đó tại TP Hồ Chí Minh, sau đó Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh ủy nhiệm hợp pháp hóa giấy tờ này. Nộp kèm bản dịch tiếng Việt có xác nhận của Phòng Công chứng nhà nước. Hồ sơ lập thành hai bộ, nộp tại phòng hộ tịch - lý lịch tư pháp - quốc tịch (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh) 141-143 Pasteur, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Riêng về câu hỏi sau khi được cấp giấy đăng ký kết hôn bên nước ngoài có phải làm cam kết tiếp tục khám sức khỏe tại Việt Nam hay không, xin trả lời hiện tại không có quy định này.
------------------------
Xem xét kháng cáo quá hạn
Hỏi: Trường hợp nào thì kháng cáo quá hạn của người đại diện hợp pháp cho bị cáo là người chưa thành niên có thể được cơ quan Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận?
Trả lời: Khoản 1 Điều 235 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định "Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng".
Theo quy định tại tiểu mục 5.1 Mục 5 Phần II của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 8-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư "Xét xử phúc thẩm" của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì "Lý do chính đáng" là những trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn luật định, thí dụ: Do thiên tai, lũ lụt, do ốm đau, tai nạn phải nằm viện điều trị...".
Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật này thì kháng cáo quá hạn của người đại diện hợp pháp cho bị cáo là người chưa thành niên có thể được cơ quan Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận khi có lý do chính đáng như: Do thiên tai, lũ lụt... Việc xét lý do kháng cáo quá hạn được thực hiện trước khi mở phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn trên cơ sở giấy tờ, tài liệu gửi kèm theo đơn kháng cáo. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng xét xử có quyền triệu tập người kháng cáo quá hạn đến phiên họp trình bày bổ sung về lý do kháng cáo quá hạn hoặc yêu cầu người kháng cáo cung cấp giấy tờ, tài liệu bổ sung chứng minh cho việc kháng cáo quá hạn là có lý do chính đáng.
------------------------
Ðiều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng
Hỏi: Ðề nghị cho biết quy định mới về điều kiện an toàn phòng cháy đối với khu rừng?
Trả lời: Nghị định số 09/2006/NÐ-CP ngày 16-1-2006 của Chính phủ quy định về điều kiện an toàn phòng cháy đối với khu rừng như sau:
- Ðiều kiện chung: Có quy định, nội quy, biển báo, biển cấm lửa được bố trí tại các vị trí quy định, phù hợp đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng;
+ Có các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, phù hợp đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng;
+ Có các quy trình, giải pháp phòng chống cháy lan phù hợp điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy của từng loại rừng;
+ Có trang bị các phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo quy định;
+ Có lực lượng phòng cháy, chữa cháy được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ;
+ Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
- Ðối với các khu rừng dễ cháy, ngoài việc thực hiện các quy định nói trên, còn phải áp dụng biện pháp tu bổ công trình phòng cháy, chữa cháy rừng và tổ chức các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng xong trước mùa khô hằng năm, có tổ chức tuần tra canh gác vào thời gian cao điểm có nguy cơ cháy cao.
Ðối với các khu rừng tràm, ở những nơi có điều kiện, thì cần duy trì nguồn nước để bảo đảm độ ẩm cho nguồn vật liệu cháy và tầng than bùn.
- Ðối với các khu rừng có đường sắt, đường dây điện cao thế, đường ống dẫn khí đốt, dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ đi qua phải có đường băng cản lửa, hành lang an toàn phù hợp từng loại công trình theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa.
Nguyễn Huấn (Bộ NN và PTNT)
|