Triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Các Website khác - 09/03/2006
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 25/2006 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho biết việc triển khai thực hiện chương trình này.
- Chương trình hành động đã xác định 6 nhóm nội dung công việc cần phải thực hiện. Ngay từ năm 2006, công tác kiểm tra, thanh tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ tập trung vào 7 lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai; các dự án đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng; các chương trình quốc gia; quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc.

Bộ Tài chính được giao trách nhiệm tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Một là, xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật thực hành tiêt kiệm, chống lãng phí, bảo đảm thực hiện hiệu lực thi hành Luật theo đúng quy định của Luật (1-6-2006).

Hai là, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn tổ chức triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình hành động của Chính phủ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và mỗi công dân nắm vững pháp luật để nâng cao nhận thức, có những hành động, việc làm cụ thể trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ba là, hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở để thực hiện, kiểm tra, đánh giá và phục vụ giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cũng như các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính đang khẩn trương triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các định mức, tiêu chuẩn, chế độ thuộc chức năng, thẩm quyền quản lý, bảo đảm hết năm 2006 sẽ cơ bản hoàn thiện được hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ của ngành tài chính.

Bốn là, chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai trong các lĩnh vực từ tiêu chuẩn, định mức, chế độ đến kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, rà soát, bổ sung vào chương trình, kế hoạch thanh tra tài chính năm 2006, tăng cường thanh tra thực hành tiết kiệm trong 7 lĩnh vực trọng tâm nêu trong Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định.

Riêng việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước được xác định là lĩnh vực trọng tâm, theo đó trong Chương trình hành động của Chính phủ đã nêu một số biện pháp chủ yếu, Bộ Tài chính cần phải trình Chính phủ triển khai thực hiện ngay để có chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đó là: Thực hiện điều chỉnh, cắt giảm dự toán chi của các đơn vị thụ hưởng ngân sách đối với các khoản ngân sách quá thời hạn quy định chưa được phân bổ sau khi có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện Nghị định 130 của Chính phủ để chuyển tất cả các cơ quan hành chính sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính và thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện công khai trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và công khai kế hoạch mua sắm tài sản Nhà nước trong cơ quan, đơn vị, tổ chức Nhà nước.

* Công tác phân bổ vốn đầu tư sẽ được thực hiện ra sao để bảo đảm tập trung, tránh dàn trải và đúng thời gian quy định, thưa Thứ trưởng?

- Lĩnh vực đầu tư xây dựng hiện nay vẫn đang được xem là lĩnh vực có nhiều bức xúc nhất và được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Các quy định hiện hành trong lĩnh vực chuyên ngành này cũng như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định rất nhiều biện pháp chặt chẽ để quản lý, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là chú trọng đến các dự án, công trình có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Một số biện pháp cấp bách cần tập trung thực hiện đã được tiếp tục nhấn mạnh hoặc đề xuất mới để đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó có đưa ra biện pháp phân bổ kế hoạch vốn đầu tư ngay từ năm 2006 với nguyên tắc thứ tự ưu tiên để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh đầu tư dàn trải, phân tán không hiệu quả, không đúng thời gian quy định.

* Đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào?

- Trong Chương trình hành động của Chính phủ đã giao cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi quản lý của mình phải có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, rà soát.

Đối với đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, sẽ thực hiện rà soát diện tích đang sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức Nhà nước để xác định giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị tài sản của đơn vị, từ đó gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc bảo toàn quỹ đất được giao, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Riêng đối với đất giao cho tổng công ty, công ty Nhà nước sử dụng, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành, xây dựng trình Chính phủ nghị định về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của tổng công ty, công ty Nhà nước và thực hiện việc quản lý đất theo chế độ quản lý tài sản Nhà nước. Đối với nhà công vụ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương nghiên cứu và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2007 việc ban hành quy chế quản lý nhà công vụ để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam