Chọn tinh hoa chính trị của đất nước
Các Website khác - 20/04/2006

Chọn tinh hoa chính trị của đất nước

Hà Văn Thịnh
Tại hội Đảng lần thứ X đang họp và sẽ quyết định bầu BCHTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư - tức là chọn nhân tài lãnh đạo Đảng. Người xưa dạy rằng, lựa chọn nhân tài để giao trọng trách là việc vô cùng hệ trọng. Vì thế phải có những tiêu chí chính xác, chẳng hạn như: Giao cho giữ tiền bạc để xem lòng nhân; giao cho nhiều việc để xem tài; hỏi lúc vội vàng để xem trí; giao việc hiểm nguy để xem tiết; cho vào chỗ phiếm tạp để xem thần sắc...

Nhắc chuyện xưa để thấy, dù là thời nào đi nữa thì dụng nhân cũng phải như dụng mộc. Có những tiêu chí bất biến và cũng có những đòi hỏi mới từ những biến đổi của thực tiễn xã hội.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng là nơi kết tụ những tinh hoa chính trị của đất nước. Do đó tiêu chuẩn thứ nhất của người lãnh đạo là phải biết dùng người dưới mình đúng việc, đúng chỗ. Muốn như thế phải có tầm khái quát, tầm phát hiện, tầm quy tụ; để cho người dưới tâm phục khẩu phục. Có như thế công việc mới hoàn thành, bộ máy mới vận hành trôi chảy. Tiêu chuẩn thứ hai là nhất thiết phải có tâm, có đức hơn người. Tất nhiên ai cũng có tâm, nhưng cái tâm của người lãnh đạo phải là luôn thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối trước cuộc sống của người dân, vận mệnh của xã tắc.

Tiêu chuẩn thứ ba là phải dũng cảm. Không nên nghĩ rằng dũng của thời bình không quan trọng bằng thời chiến. Biết bao lỗi lầm, sai phạm đều nảy sinh, phát tác nguy hại bắt đầu từ chỗ thiếu dũng. Thấy sai không dám nói, góp ý với lãnh đạo sợ bị trù dập thì thế nào cũng bị tê liệt hoá, thành nhà chính trị gật. Tiêu chuẩn thứ tư là phải liêm khiết. Bác Hồ luôn nhắc nhở về mối nguy từ những viên đạn bọc đường. Quả thật, đúng là giữ tiền bạc mới biết rõ lòng nhân.

Thời đại của kinh tế phát triển, đồng tiền có những ma lực khó lường. K.Marx đã từng nhấn mạnh, mọi sự giàu có bất bình thường đều bất hợp pháp. Tiêu chuẩn thứ năm là nhất thiết phải có thực tài. Giao cho nhiều việc cũng không khác gì nhà lãnh đạo phải biết quán xuyến nhiều việc. Không thể có chuyện làm lãnh đạo mà tiền bạc thất thoát không biết, cấp dưới thao túng không hay, người dân than phiền không thấy, cấp trên sai lầm không nhận ra. Tiêu chuẩn thứ sáu là phải năng động. Tiêu chí này đòi hỏi người lãnh đạo không thể quá "già". Tuổi già đi liền với mỏi mệt. Một khi tư tưởng cũng mỏi thì sẽ không dám thay đổi, luôn sợ cái mới, luôn cố gắng làm sao để không sai!

Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Lê Duẩn thường nhắc câu nói của Napoléon Bonaparte: On s'engage et on verra (Cứ làm đi rồi thực tế sẽ chỉ cho biết cách để làm tiếp). Rõ ràng không dám nghĩ, dám làm là điều không thể chấp nhận ở một người lãnh đạo. Tại sao chúng ta không thấy một sự thực là tất cả các nhà lãnh đạo của Đảng ta trước năm 1945 đều chỉ mới trên dưới 40 tuổi? Chẳng hạn, năm 1939, khi quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chưa đầy 35 tuổi! Ơ nước ngoài có chuyện, cứ hai năm lại thay một phần ba số nghị sĩ. Làm thế nên bao giờ cũng có sự kế tục giữa già và trẻ, mới và cũ. Thế hệ U.40, U.50 của ta bây giờ nhiều người tài giỏi lắm. Ta không muốn tin chẳng qua vì ta quá tin vào "cái ghế" mà thôi.

Đại hội Đảng lần thứ X là đại hội của đột phá, của cách mạng, của một bước ngoặt mới lịch sử và trọng đại. Chính vì thế, nếu không có những nhân tố mới, cách nhìn mới trong việc lựa chọn "bộ óc" của đất nước - tức Ban Chấp hành Trung ương Đảng - thì không thể thực hiện thành công khát vọng đổi mới của toàn Đảng, toàn dân.