Chống nóng mùa hè
Các Website khác - 07/06/2006
Chống nóng mùa hè
Phi Long

Những ngày nóng, nhiệt độ cao nhất tại Hà Nội đã lên tới 38 độ C. Ngoài việc đi mua những thiết bị điện như điều hoà, quạt hơi nước, quạt sạc pin..., nhiều gia đình cũng bắt đầu sử dụng các vật liệu chống nóng để ngôi nhà của mình trở nên thoáng mát hơn, để hạn chế tối đa sử dụng các thiết bị chống nóng bằng điện.

Có rất nhiều loại vật liệu chống
nóng được bán trên thị trường.
Phong phú chất liệu
Trên thị trường, vật liệu chống nóng thông dụng hiện nay chính là tôn. Với giá thành rẻ, tôn được rất nhiều người lựa chọn để làm mát ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, tôn lại có nhược điểm là tự thân hấp thụ nhiệt cao, có khả năng giữ nhiệt, gây nóng.

Để khắc phục nhược điểm này, trên thị trường đã xuất hiện một số loại tôn được ép dính lớp PU (polyurethane) có độ dày khoảng 1,5cm dưới tôn để cách nhiệt và loại tôn này có giá từ 85.000 - 100.000đ/m (tôn mạ màu, khổ ngang 1m), 80.000 - 90.000đ/m2 (tôn mạ kẽm, khổ ngang 1m).

Anh Tiến Dũng - chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Trường Chinh cho biết: Loại tôn này sẽ giảm được nhiệt độ trong phòng, cũng như giảm mức điện năng dùng cho các thiết bị chống nóng một cách đáng kể.

Theo cách tính của anh Dũng, một căn phòng có diện tích 30m2 thì cần phải dùng hai quạt mới mát được, nhưng nếu sử dụng tôn cách nhiệt thì chỉ một cái là đủ. Ngoài ra, loại tôn này còn có khả năng cách âm, làm giảm tối thiểu những âm thanh tác động vào như tiếng mưa rơi. Người sử dụng có thể để nguyên trần tôn PU mà không cần trang trí, bởi vì dưới lớp tôn có một lớp PU phẳng, màu trắng đục có thể làm đẹp luôn trần nhà.

Ngoài ra, trên thị trường còn có những tấm nhựa mút mỏng 3 - 5mm, bề mặt "giả" như lớp nhôm, thường gọi là tấm OPP hay PE bạc. Tuy nhiên, nhiều người bán vật liệu xây dựng khuyên không nên mua loại nhựa này, bởi vì tác dụng chống nhiệt không cao.

Một loại vật liệu chống nóng cũng rất được ưa chuộng là xốp chống nóng, ốp trần nhựa chống nóng. Loại vật liệu này chủ yếu được sử dụng trong những ngôi nhà cấp 4 hay những căn hộ chung cư, sửa chữa nâng cấp lại nhà. Đây là loại vật liệu chống nóng phù hợp với túi tiền của đại đa số người tiêu dùng; thêm vào đó, thời gian thi công của loại vật liệu này rất nhanh, chỉ khoảng một ngày cho căn phòng có diện tích khoảng 30m2 với giá thành từ 45.000 - 55.000 đ/m2.

Ngoài những vật liệu nêu trên, để hạn chế sức nóng của trần bêtông, cũng có thể lát trực tiếp trên trần các loại gạch bọng chống nóng 8 lỗ hay gạch chữ U, gạch hourdis... với giá từ 2.000 - 5.500đ/viên.

Nhiều loại vật liệu mới
Ngoài một số loại vật liệu nói trên, hiện nay trên thị trường xuất hiện loại vật liệu chống nóng cao cấp như quả cầu hút nhiệt, kính nước chống nóng, kính phản quang... Với cấu trúc tròn, có nhiều lá nhôm bẻ cong gắn úp xếp với nhau và có khe hở hút nhiệt trong nhà tạt ra ngoài trời, quả cầu hút nhiệt luôn được sự "quan tâm" đặc biệt của chủ nhân những ngôi nhà ống, bởi đặc thù của những ngôi nhà này chỉ có một hoặc hai mặt thoáng, cho nên việc sử dụng quả cầu hút nhiệt này là rất cần thiết.

Giá của quả cầu hút nhiệt này từ 250.000 đồng trở lên, tuỳ kích cỡ. Kính phản quang hiện nay cũng đang được nhiều ngôi nhà sử dụng. Loại kính này sẽ làm giảm "hiệu ứng nhà kính", xua bớt ánh nắng hắt vào nhà và làm giảm nhiệt độ bên trong phòng. Màng nước chống nóng là loại vật liệu khá đắt tiền và được sử dụng khá nhiều ở nhà hàng càphê, quán ăn hay trong những căn hộ cao cấp. Chỉ là hai tấm dày đặt dựng đứng song song, phía trên có một máng nước nhỏ đựng nước, phía dưới chân kính có một bể ngầm hay nồi chứa nước, được một máy bơm nhỏ đưa nước từ phía dưới bể lên máng và nước cứ chảy liên hoàn như thế, sẽ làm dịu không khí và đem lại cảm giác không gian mát mẻ. Giá thành của loại kính này khoảng 1 triệu đồng/m2, máy bơm 1,5 triệu đồng/cái, bộ hẹn giờ tắt mở 1,5 triệu đồng.

Và một cách rất đơn giản để cho ngôi nhà dịu mát hơn trong cái nắng oi bức của mùa hè chính là trồng cây xanh trong nhà. Có thể đặt các chậu cây nhỏ, hoặc treo trên lối đi hành lang, cầu thang, hay trong phòng để ngôi nhà tươi mát hơn, gần gũi hơn với thiên nhiên.