Mở rộng Hà Nội: Chưa lấy ý kiến dân vì Quốc hội chưa thông
Các Website khác - 15/05/2008

 

Thứ trưởng Trần Ngọc Chính trao đổi tại buổi họp báo. (Ảnh: Lan Hương)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính giải trình các vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, trong buổi họp báo chiều qua 14/5 do Bộ Xây dựng tổ chức

Theo thứ trưởng: Thực chất việc mở rộng Hà Nội đã có từ năm 2000, lúc đó Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ về việc cần phải nghiên cứu mở rộng thủ đô, đáp ứng tầm vóc quốc tế và khu vực; vì với diện tích như hiện nay thì không thể đáp ứng yêu cầu đô thị hoá. Đồng thời Hà Nội phải chiếm khoảng 10% dân số của cả nước đến năm 2020 (dự kiến dân số của cả nước đến thời điểm đó là trên 100 triệu dân).

Trong quá trình soạn thảo, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo nhóm nghiên cứu đưa ra 5 phương án về việc mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội trước khi Chính phủ lựa chọn lấy 1 để trình ra Quốc hội lần này. Nhưng tại sao việc này chưa được được nói ngay lúc đó? Ông Chính cho biết: "Tôi nhớ cách đây 2 năm có môt bài báo cũng đưa thông tin việc sắp mở rộng Hà Nội. Ngay lập tức, UBND các tỉnh quanh Hà Nội đã có phản ứng là 'tại sao anh đang ở Hà Nội, tôi đang ở đây mà lại lấy đất ở đây?'

Đối với vấn đề quy hoạch, nhiều quan điểm cho rằng, Quốc Hội chưa nhất trí phương án mở rộng thủ đô Hà Nội thì ai có quyền làm quy hoạch mở rộng thủ đô Hà Nội và đưa ra triển lãm".

Theo ông thời điểm nào sẽ lấy ý kiến nhân dân về việc mở rộng Hà Nội giống như đối với dự án hai bên bờ sông Hồng?

Quy hoạch nào thì cũng phải lấy ý kiến của nhân dân cả. Nhưng vấn đề mở rộng thủ đô đang trong quá trình nghiên cứu. Có ý kiến cho rằng tại sao không đưa quy hoạch mở rộng vùng thủ đô ra để xin ý kiến nhân dân như quy hoạch 2 bờ sông Hồng. Vì dự án hai bên bờ sông Hồng nằm trong Hà Nội còn quy hoạch mở rộng thì có cả Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hoà Bình. Khi quy hoạch chưa được Quốc hội thông qua thì có nghĩa là chúng ta chưa có một tư cách pháp lý hành chính cụ thể. Do đó, không thể vẽ quy hoạch một cách cụ thể theo đúng quy hoạch để xin ý kiến.

Nếu như quy hoạch đó được Quốc hội thông qua thì chúng tôi sẽ mời các chuyên gia nước ngoài tiến hành làm các đồ án trong khoảng thời gian hơn 1 năm. Chúng ta sẽ hoàn thành tốt quy hoạch này để có điều kiện lấy ý kiến một cách tốt nhất.

Nhiều đại biểu cho rằng, họ không hề biết quy trình làm đề án này như thế nào. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đây là một quy trình chặt chẽ có sự chỉ đạo của Chính phủ. Chúng ta phải có một quy hoạch vùng cho 100 năm tới. Trong quá trình đó chúng tôi đã lập ra một tổ công tác và đưa ra 5 phương án để lựa chọn 3 phương án trình Bộ Chính trị, sau đó Chính phủ sẽ lựa chọn một phương án để trình Quốc hội. Trong quá trình lựa chọn các phương án đó, nếu Quốc hội thông qua thì ta sẽ tập trung chuyên gia trong nước và quốc tế tiến hành làm quy hoạch. Trên cơ sở pháp lý đó chúng ta sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Dư luận lo ngại rằng do làm gấp rút nên đề án này dễ sẽ không được thông qua tại kỳ họp này. Điều đó dẫn đến việc quy hoạch sẽ bị "treo" và không biết sẽ "treo" đến bao giờ?

Đại biểu phải có trách nhiệm của mình đối với việc bấm nút. Nếu đề án được thông qua, Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ, ban ngành lập quy hoạch theo quy định. Khi nào quy hoạch được thông qua thì mới là một quy hoạch hoàn chỉnh. Dó đó, nếu chưa thông qua thì không thể gọi là "treo" được.

Lan Hương