Vào rạng sáng ngày hôm nay, phiên điều trần đầu tiên về chất độc da cam trên phương diện của nạn nhân VN đã kết thúc tại phòng 2172 của ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ. Với chủ đề “Trách nhiệm bị lãng quên của chúng ta: chúng ta có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam?", nghị sĩ Eni Faleomavaega, chủ tịch tiểu ban châu Á, Thái Bình Dương, khẳng định vấn đề này đã bị lãng quên quá lâu, đặc biệt 30 năm sau khi cuộc chiến đã kết thúc.
>> Bắt đầu phiên điều trần về chất độc da cam tại Quốc hội Mỹ
>> Điều trần về chất độc da cam tại Quốc hội Mỹ
“Da cam là vấn đề nhân đạo” - nghị sĩ Faleomavaega nhấn mạnh và kêu gọi tìm cách để “hai chính phủ và các công ty cùng chung nguồn lực để giúp đỡ các nạn nhân da cam thay vì chỉ để hàng triệu các nạn nhân da cam nghèo khó của VN tự gánh chịu lấy hậu quả thảm khốc này.”
Ông tiếp tục khẳng định “nước Mỹ là cường quốc chính bởi khả năng dám nhận lỗi và sửa chữa sai lầm của mình…Đó không phải là kẻ thù của chúng ta mà đó là những con người.” Ông chỉ ra thực tế chính những cựu binh Mỹ chịu chất độc da cam đã phải phải đấu tranh mới có được những đền bù về mặt tài chính. “Không thể giả vờ rằng chuyện đó không xảy ra và chúng ta nên có trách nhiệm đối với vấn đề này.” - ông nói.
Phát biểu tại phiên điều trần, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Scot Marciel thay mặt chính phủ Mỹ tiếp tục phủ nhận bất cứ trách nhiệm pháp lý nào liên quan đến chất độc da cam mà cho rằng các trao đổi về vấn đề này cần dựa trên những nghiên cứu khoa học đáng tin cậy. Điều này đã bị phó chủ tịch tiểu ban, ông Donald Manzullo, chỉ trích là “có 2 tiêu chuẩn về y tế đối với cựu binh Mỹ và người dân VN.”
GSBS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, với tư cách là nhà khoa học đã đưa ra những bằng chứng và chứng kiến của mình trong hơn 40 năm công tác tại bệnh viện Từ Dũ ở TP HCM. Bà kể lại câu chuyện lần đầu bà đỡ một quái thai không đầu không tay khi còn là một bác sĩ thực tập năm 1965, cùng nỗi sợ hãi của người mẹ với ý nghĩ rằng mình đã mắc tội và đang bị trời phạt. Đồng thời, bà cũng cung cấp những bằng chứng khoa học mà bà và các đồng nghiệp đã nghiên cứu được trong nhiều năm qua liên quan đến chất độc da cam dioxin.
Những người điều trần khác như bà Catharin E. Dalpino của ĐH Georgetown, Rich Weiman từ hội cựu chiến binh Mỹ, Vaughan C.Turekian của nhóm đối thoại Việt Mỹ về chất độc da cam Dioxin đều có các bài điều trần kêu gọi chính phủ Mỹ nên quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.
Ông Walter Isaacson, Chủ tịch viện ASPEN không tham dự nhưng cũng gửi bài trình bày mang tên “Hợp tác để hàn gắn vết thương chiến tranh” trong đó khẳng định “không thể lượng hóa hết được những thiệt hại đối với sức khỏe con người và môi trường tại VN” và kêu gọi tiến hành hỗ trợ nhân đạo cho những người bị tàn tật.
Kết luận phiên điều trần, nghị sĩ Eni cho rằng đây là khởi đầu để các bước tiếp theo có thể được tiến hành nhằm hỗ trợ hơn nữa cho các nạn nhân da cam VN. Rất tiếc rằng dù có nhiều người tới để nghe tại phiên điều trần nhưng tiểu ban châu Á, Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ chỉ có 2 nghị sĩ là ông chủ tịch và phó chủ tịch tham dự phiên điều trần lần này.
THANH TUẤN (từ Washington DC)
Bắt đầu phiên điều trần về chất độc da cam tại Quốc hội Mỹ
Nghị sĩ Eni F. H. Faleomavaega: "Chúng ta nên chịu trách nhiệm"
Nghị sĩ Eni F. H. Faleomavaega - Ảnh: Thanh Tuấn |
TT (Washington DC) - Lúc 10g sáng 15-5 theo giờ Washington (khoảng 23g ngày 14-5 theo giờ VN), phiên điều trần về chất độc da cam đã bắt đầu. Đầu phiên điều trần, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á, Thái Bình Dương Scot Marciel trình bày quan điểm của phía chính phủ.
Đã có 20 năm phục vụ tại Quốc hội Mỹ, nghị sĩ Eni F.H.Faleomavaega - chủ tịch tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu của Hạ viện Mỹ - là người đề xuất và điều hành phiên điều trần đầu tiên về chất độc da cam tại Quốc hội Mỹ trong ngày 15-5.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn ông tại văn phòng ở tòa nhà Rayburn, thủ đô Washington DC ngay trước phiên điều trần.
* Đâu là lý do khiến ông quyết định đưa vấn đề chất độc da cam ra điều trần, trong khi vấn đề này vẫn còn rất nhạy cảm trên chính trường Mỹ?
- Từ sau chuyến thăm gần đây của tôi tới VN sau gần 40 năm từng phục vụ trong cuộc chiến (giai đoạn 1967-1968), tôi nhận ra có rất nhiều người VN bị phơi nhiễm chất độc da cam, giống như những người Mỹ từng chiến đấu trong cuộc chiến đó. Trong khi chính phủ chúng tôi mới chỉ làm và giúp đỡ những cựu binh. Tôi gửi nhóm trợ lý của mình quay trở lại VN để điều tra, có thêm thông tin và chi tiết về vấn đề này một lần nữa vào tháng 2-2008. Bản báo cáo của họ cho thấy vấn đề này rất nghiêm trọng khiến tôi thấy cần thúc đẩy phiên điều trần. Tôi không biết vấn đề lại nghiêm trọng đến thế.
* Tất cả chúng ta đều biết rằng chất độc da cam là vấn đề nhạy cảm ở chính trường Mỹ, vậy ông có gặp cản trở gì không khi thúc đẩy cuộc điều trần này?
- Đúng là chuyện này nhạy cảm nhưng nếu chính phủ chúng tôi có trách nhiệm gây ra việc này thì giờ cũng nên đối mặt với thực tế đó. Đối mặt với thực tế chính là điều đã giúp nước Mỹ trở thành một cường quốc lớn. Nếu chúng tôi có gây ra lỗi lầm thì cũng nên sửa chữa lỗi lầm đó.
* Đã 33 năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc, dường như là quá muộn để vấn đề chất độc da cam và các hậu quả của nó được Quốc hội Mỹ thật sự nghiêm túc xem xét?
- Tôi không thể nói thay cho người khác được. Tôi chỉ nghĩ rằng với tư cách là chủ tịch của tiểu ban có quyền thực thi pháp lý và giám sát các chính sách đối với VN nên tôi đề xuất xem xét vấn đề quan trọng này. Chuyện này nhạy cảm nhưng tôi nghĩ là cần thiết để dư luận Mỹ biết và hiểu về những gì đã xảy ra. Và tôi hi vọng buổi điều trần là một phần cho diễn đàn nhằm giải thích với dư luận Mỹ rằng điều gì đã xảy ra ở VN.
* Ông có biết lý do vì sao 3 triệu USD Quốc hội Mỹ quyết định dành cho giải quyết vấn đề chất độc da cam ở VN đưa ra từ đầu năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết?
- Tôi không biết rõ ủy ban phân bổ ngân sách và những người có liên quan đã tiến hành như thế nào. Thật sự nếu có tiền giúp được cho các nạn nhân thì chính là tiếp sức thêm cho họ. Tôi chỉ biết rằng đây là lần đầu tiên có phiên điều trần kiểu này diễn ra sau bao năm dài. Tôi chỉ muốn đi đến tận cùng của vấn đề và muốn mọi người biết thực tế đã diễn ra như thế nào mà thôi.
* Ông hi vọng gì từ phiên điều trần lần này?
- Tôi hi vọng kết quả của phiên điều trần này sẽ là những phiên điều trần khác về chất độc da cam. Chúng tôi muốn thiết lập những bằng chứng và thông tin vững chắc về điều gì thật sự đã xảy ra. Cho đến giờ đã có nhiều thông tin thiếu chính xác, những chối bỏ như chất độc da cam không có hậu quả gì, các nhà khoa học thì nói chất này có dioxin - những chất độc, các công ty đã biết điều này khi cung cấp chúng làm chất diệt cỏ... Tôi chẳng làm vấn đề này vì vinh quang hay để được chú ý..., tôi chỉ muốn đi tới tận cùng của vấn đề để tôi và mọi người đều biết rõ chuyện gì đã xảy ra.
* Như vậy sau phiên điều trần này ông có thể đề xuất nhiều phiên điều trần khác nữa?
- Nếu cần thiết tôi sẽ làm. Nếu thấy rằng cần có thêm điều tra, xem xét tôi sẽ thực hiện.
* Ông có nghĩ rằng sẽ có những phiên điều trần ở cấp cao hơn, ở thượng viện hay khả năng về một dự luật về vấn đề này được không?
- Việc phát triển thành dự luật là một khả năng. Một dự luật dựa trên những thực tế được trình bày ngày mai sẽ được nêu ra. Cá nhân tôi rất muốn có một dự luật về vấn đề này nhưng tôi muốn phiên điều trần diễn ra đã rồi sẽ tính tiếp.
* Ông có muốn nói gì với độc giả ở VN hay không?
- Tôi chỉ muốn nói rằng trái tim tôi hướng về các nạn nhân và những người VN đã bị phơi nhiễm chất độc da cam và phải chịu những vấn đề sức khỏe hết sức nghiêm trọng. Ai đó phải chịu trách nhiệm về những vấn đề này. Nếu đã chứng minh được rằng dioxin là nguyên nhân gây ra đủ thứ bệnh tật cho con người thì chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật và chịu trách nhiệm. Tôi hi vọng phiên điều trần sẽ là một động thái tích cực để chúng ta có thêm thông tin và bằng chứng cụ thể thêm về vấn đề này.
Bắt đầu phiên điều trần về chất độc da cam tại Quốc hội Mỹ Sau đó, những người điều trần, trong đó có nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ Nguyễn Thị Ngọc Phượng với tư cách là nhà khoa học, ông Rich Weidman - giám đốc điều hành về chính sách và các vấn đề chính phủ của Hội Cựu chiến binh Mỹ tại VN, bà Jeanne Mirer của Hiệp hội Luật sư dân chủ quốc tế, TS Vaughan C. Turekian và GS Catharin Dalpino của ĐH Georgetown lần lượt có các bài trình bày trong khoảng 10 phút. Trao đổi với Tuổi Trẻ trước phiên điều trần, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng khẳng định: "Tôi sẽ phát biểu với tư cách là người đã có nhiều năm nghiên cứu cũng như là người mẹ từng chứng kiến nỗi khổ của những người mẹ khác đã sinh con quái thai hay dị tật trong nhiều năm. Tôi muốn chứng minh cho họ biết rằng đã có những bằng chứng khoa học cho thấy chất độc da cam/dioxin có tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân VN, mong sớm đến một ngày các công ty hóa chất đã sản xuất chất da cam có chứa dioxin phải chịu trách nhiệm về hậu quả của chúng đối với sức khỏe và sự sinh sản của con người". T.Tuấn |
THANH TUẤN thực hiện (từ Washington DC)
▪ Áp lực lạm phát có thể nghiêm trọng hơn (16/05/2008)
▪ Chất lượng dân số Việt Nam ở mức thấp (16/05/2008)
▪ Mở rộng Hà Nội: Chưa lấy ý kiến dân vì Quốc hội chưa thông (15/05/2008)
▪ Người dân có quyền được biết các bản án (15/05/2008)
▪ Các cơ quan hành chính, sự nghiệp lãng phí điện (14/05/2008)
▪ Gần 1 tỷ USD nâng cấp Cảng hàng không Đà Nẵng và Chu Lai (14/05/2008)
▪ 20 trận bão từ ảnh hưởng tới Việt Nam trong năm nay (14/05/2008)
▪ Loạn xét nghiệm y tế (14/05/2008)
▪ Chính thức đề nghị lùi thời điểm mở rộng Thủ đô (14/05/2008)
▪ Khởi tố thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng C14 (13/05/2008)