Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, được tin vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới thành lập là Cụ Hồ Chí Minh, chúng tôi những người dân ở tỉnh Phú Yên xa xôi, rất ao ước được nhìn thấy Người. Hồi ấy chưa có sách báo nào nói rõ thân thế, sự nghiệp cũng như hình dáng Cụ Chủ tịch nước. Mỗi người tự hình dung vị lãnh tụ của nước Việt Nam mới theo trí tưởng tượng của mình. Trong các buổi hội họp, gặp mặt của cán bộ Việt Minh tỉnh, huyện, xã và các đoàn thể cứu quốc như công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ... Nhiều người phát biểu ý kiến cho rằng Cụ Chủ tịch nước ắt có cốt cách oai phong, nói năng dõng dạc, hùng hồn, nảy lửa, theo mẫu các Anh hùng dân tộc thuở trước mà mình đã được đọc trong sử sách.
Khi được đọc bài thơ "Hồ Chí Minh" của Tố Hữu đăng trên báo Quyết Thắng, cơ quan của Mặt trận Việt Minh Trung Bộ cuối tháng 8-1945, chúng tôi rất thích thú được biết những nét sống động về Cụ Hồ Chí Minh mà nhà thơ đã viết:
Hồ Chí Minh Người lính già Ðã quyết chiến hy sinh Cho Việt Nam độc lập Cho thế giới hòa bình! ... Hồ Chí Minh Người đã quyết Mặc phong ba giá tuyết Mặc gươm súng xiềng gông Làm tên quân cảm tử đi tiên phong Ðánh trăm trận thề trăm phen quyết thắng Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến Cờ đã phất phải giương cao quyết tiến! ...
Những vần thơ trên đã củng cố thêm suy nghĩ của chúng tôi về một Cụ Hồ có khẩu khí của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng..." và của Lê Lợi, Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo: "Ta đây, núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình. Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống..."
Cho đến tháng 3-1946, được nghe các vị đại biểu QH tỉnh Phú Yên đi dự kỳ họp QH lần thứ nhất ở Hà Nội về, kể chuyện về Cụ Hồ, chúng tôi mới biết Cụ Hồ rất giản dị, nói năng từ tốn, đi đứng khoan thai, rất gần gũi nhân dân, ai thấy cũng mến, cũng phục, khác xa những điều chúng tôi tưởng tượng trước đây. Chúng tôi nghĩ khi sáng tác bài thơ "Hồ Chí Minh", chắc Tố Hữu chưa được gặp Bác Hồ, chưa biết gì nhiều về Bác. Quả vậy, sau này Tố Hữu đã có lần viết trên báo Văn Nghệ là có những câu chữ trong bài "Hồ Chí Minh" không hợp với phong cách của Bác. Và nhà thơ đã sửa lại một số câu thơ.
Sau này, khi Tố Hữu được gặp Bác, nghe Bác nói chuyện trực tiếp làm việc với Bác, nhà thơ đã viết về Bác, đúng với phong cách của Bác hơn như trong bài "Sáng tháng năm" viết năm 1951 ở chiến khu Việt Bắc.
"Ôi người cha tôi mắt mẹ hiền sao Giọng của Người không phải sấm trên cao Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau.
Càng ngày, Tố Hữu càng hiểu kỹ Bác hơn, sâu sắc hơn. Và nhà thơ cũng giúp chúng tôi hiểu Bác hơn, một lãnh tụ có quả tim "đỏ như sao hỏa, sáng sao kim", có bộ óc sáng suốt, kiên cường, biết "trông gió bỏ buồm chọn lúc, nước cờ hay xoay vạn kiêu binh", nhẫn nhục mà không khuất phục, yêu hòa bình, không sợ chiến chinh. Người là cha, là bác, là anh, là đồng chí thân thương gần gũi xiết bao.
Ðược tham gia cách mạng và kháng chiến, giành độc lập thống nhất Tổ quốc, nhân dân Phú Yên nhớ đến công ơn trời biển của Bác, càng kính yêu Bác, luôn luôn đi theo con đường mà Bác đã vạch ra, nguyện đem hết sức mình xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng đàng hoàng to đẹp hơn.
|