Nguyễn Ái Quốc - nhà yêu nước
Các Website khác - 30/08/2005
Từ Moscow, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh 2-9 và Cách mạng Tháng Tám, nhà báo, nhà  Việt Nam học E.Kobelev gửi đến báo Nhân Dân bài viết về những kỷ niệm gắn bó  ông với đất nước Việt Nam. Xin giới thiệu cùng bạn đọc phần thứ nhất- "Nguyễn Ái Quốc - người yêu nước nói tiếng Nga", trong đó E.Kobelev kể về những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động ở Nga và Quảng Châu, Trung Quốc.
Ngày 2-9-2005, nước Việt Nam kỷ niệm lần thứ 60 ngày độc lập. Việc cái mối quan trọng trong đó trong lịch sử Việt Nam trùng hợp về mặt thời gian với dịp kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai- điều đó hoàn toàn không phải là trò chơi ngẫu nhiên của lịch sử. Vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập Hồ Chí Minh đã viết: "Nhân dân Việt Nam mãi mãi biết ơn Liên Xô đã đập tan bọn phát-xít ở châu Âu và châu Á, đóng góp phần quyết định vào sự nghiệp cứu loài người thoát khỏi ách nô dịch của bọn phát-xít. Thắng lợi của Liên Xô đã tạo điều kiện cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở đất nước Việt Nam".

Ðây là một đánh giá chính xác về mặt lịch sử. Một trong những thành tựu quốc tế quan trọng của Cách mạng Tháng Mười ở nước Nga và hoạt động của Quốc tế cộng sản do Lenin sáng lập chính là ở chỗ hai nhân tố trên đây đã tạo điều kiện quyết định thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và lệ thuộc và cuối cùng đã làm tan rã hoàn toàn hệ thống thuộc địa thế giới. Ðiều đó đặc biệt thấy rõ qua lăng kính Việt Nam.

Từ thời trẻ, Hồ Chí Minh đã luôn "có một nguyện vọng duy nhất và cháy bỏng" được nhìn thấy Tổ quốc của mình, từ giữa thế kỷ 19 trở thành thuộc địa của Pháp, Tự do và Ðộc lập. Ðể tham gia hoạt động chính trị tích cực hơn, Người đã rời Việt Nam và vào năm 1918 đã tham gia Ðảng Xã hội Pháp dưới cái tên Nguyễn Ái Quốc - có nghĩa là Nguyễn Yêu Nước. Tuy nhiên, Người đã cảm thấy thất vọng, Ðảng Xã hội Pháp không đề ra nhiệm vụ giải phóng thuộc địa.

Theo hồi ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời của Người đã có bước ngoặt lớn vào một ngày tháng 6-1920, khi Người có trong tay tờ báo L’Humanite (Nhân Ðạo), trong đó công bố Cương lĩnh của Quốc tế cộng sản về vấn đề thuộc địa. Sau khi đọc kỹ Cương lĩnh, Người đã thầm kêu lên "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Hoàn toàn logic là vào tháng 12 năm đó, tại Ðại hội Ðảng Xã hội Pháp ở thành phố Tour, Người đã biểu quyết ủng hộ Ðảng tham gia Quốc tế CS và trở thành người cộng sản đầu tiên ở nước Việt Nam thuộc địa. Tháng 6-1923, với tư cách là đại diện của các dân tộc thuộc của Pháp ở Ðông Dương, Nguyễn Ái Quốc đến Moscow. Chính từ thời điểm đó hoạt động hết sức phong phú của nhà lãnh đạo tương lai của nhân dân Việt Nam và các cộng sự gần gũi của ông, lịch sử phát triển phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam, cuộc đấu tranh lâu dài của những người yêu nước Việt Nam để giành độc lập và thống nhất đất nước trở thành những mối liên hệ vững chắc và đa dạng kết nối với Liên Xô, với Moscow, với nhân dân Nga.

Năm 1976, nhà xuất bản "Ðội cận vệ thanh niên" của Moscow đề nghị tôi viết cuốn tiểu sử khoa học - nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi tôi bắt đầu nghiên cứu những tư liệu cần thiết, việc đầu tiên là tôi mong tìm được càng nhiều chi tiết thú vị càng tốt về cuộc sống và hoạt động của Chủ tịch ở Liên Xô, nơi người đã sống tất cả là gần sáu năm. Và tôi đã thật ngạc nhiên khi bỗng nhiên phát hiện rằng ngay từ lần đầu tiên Người đến nước Nga đã có nhiều sự kiện và những cuộc gặp gỡ lạ lùng và bí mật.

Xin hãy tưởng tượng: một thanh niên trai trẻ, đại diện cho một đất nước còn xa lạ và bí ẩn đối với nước Nga, và người đó lại còn có một lối sống thầm lặng. Và bỗng nhiên có thêm nhiều thông tin được lưu giữ một cách bất ngờ về thời gian lưu lại ngắn ngủi đầu tiên của Người tại nước Nga.

Trước hết, người ta biết được thời điểm chính xác Chủ tịch Hồ Chí Minh qua biên giới Xô-viết. Theo tư liệu còn giữ được,"giấy thông hành" mang tên người thợ ảnh "Chén Vàng" "người đi du lịch", được cơ quan đại diện Nga tại Ðức trao cho anh thay cho hộ chiếu. "Nhà nhiếp ảnh Chén Vàng" đến Petrograd trên chiếc tàu thủy Gamburg của Ðức ngày 30-6-1923. Về việc này, tấm ảnh người thanh niên Hồ Chí Minh với những con dấu cửa khẩu cảng Petrograd với ngày tháng rõ ràng về sự nhập cảnh của vị khách nước ngoài là bằng chứng xác đáng rõ nhất.

Tiếp theo, trong kho của Cục lưu trữ phim ảnh Nga, kể cả hiện nay chúng ta cũng có thể tiếp cận với các thước phim thời sự tuyệt diệu. Vào một ngày tháng 7 năm 1924, những người tham gia cuộc dạ hội trên đồi Lê-nin ở Moscow đã cùng nhau tung lên trời một người châu Á trẻ tuổi. Ðó là đại diện các dân tộc Ðông Dương Nguyễn Ái Quốc. Ngày 29-7, trên tờ "Báo Công nhân" bạn đọc có thể làm quen với bức chân dung nhà cách mạng trẻ tuổi người Việt Nam là tác phẩm tuyệt vời của họa sĩ A.M.Rotchenko, lúc đó còn là họa sĩ đồ họa mới bắt đầu, nhưng về sau trở thành một người rất nổi tiếng ở Liên Xô, là một bậc thầy về nghệ thuật nhiếp ảnh, họa sĩ của nhà hát và điện ảnh.

Tuy nhiên, sự giao hòa lạ lùng nhất của số phận con người là việc tháng 12-1923, trên tạp chí "Ngọn lửa nhỏ" xuất hiện bài bút ký của nhà thơ Osiv Mendenstan với tựa đề: "Nguyễn Ái Quốc. Cuộc gặp gỡ một người quốc tế cộng sản". Những năm đó nhà thơ là phóng viên của tạp chí và ông là nhà báo đầu tiên đã gặp một người xứ An-nam xa lạ và thực hiện một cuộc phỏng vấn lớn, nội dung trong đó có những đoạn mang tính chất tiên đoán.

"Người dân An-nam, những nông dân, sống trong đêm dài tăm tối, không có báo chí, không được biết chút gì về những việc xảy ra trên thế giới, đó là đêm đen... Chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã kể như vậy với tác giả bút ký. Khi được khoảng 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe cái từ bằng tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bằng hữu và tôi muốn được làm quen với nền văn minh Pháp, được cảm nhận những gì đằng sau các ngôn từ ấy". Mendenstan kể "Nguyễn Ái Quốc đã đi hầu khắp thế giới, đã đến Bắc và Trung Phi và đã thấy khá nhiều. Nhà thơ Nga nổi tiếng tương lai kết thúc câu chuyện về vị Chủ tịch tương lai của Việt Nam bằng những lời lẽ tuyệt vời. Qua hình ảnh của mình Nguyễn Ái Quốc nêu tấm gương về cách cư xử tế nhị, hòa nhã. Từ Người tỏa ra nét văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có thể là văn hóa của tương lai".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở Moscow hầu như hai năm trong lần đầu đến Liên Xô. Nơi làm việc chủ yếu của Người - Ban phương Ðông của Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Minh chứng về điều đó hiện nay vẫn còn tấm bảng đá gra-nít gắn trên tường tòa nhà cổ ở phố Mokhova, cách tường Ðiện Kremli khoảng 50 mét.

Năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời nước Nga và đến Quảng Châu (Trung Quốc) nơi lúc đó có nhiều người Việt Nam sang đó, những người buộc phải rời khỏi đất nước vì bị cảnh sát thực dân săn đuổi. Ở thời điểm đó, chính quyền ở phía nam Trung Quốc nằm trong tay Quốc dân đảng, đứng đầu là lãnh tụ bộ phận cách mạng trong xã hội Trung Quốc Tôn Trung Sơn. Hai năm trước, Tôn Trung Sơn đã định hướng "đường lối chính trị mới" của mình là liên minh với những người cộng sản, với nước Nga Xô-viết, ủng hộ phong trào công-nông.

Ðể thực hiện đường lối đó, nhiều cố vấn chính trị và quân sự Liên Xô đã được mời đến Quảng Ðông. Nhà hoạt động Bôn-sê-vích nổi tiếng M.M.Borodin trở thành cố vấn chính trị chính của Trung ương Quốc dân đảng và chính phủ Nam Trung Hoa, còn các nhà quân sự nổi tiếng Xô-viết V.K.Bljukhe (sau này là nguyên soái Hồng quân), P.A.Pavlov, M.V.Kybushev, V.M.Primakov trở thành giảng viên ở Học viện Vampu, theo sáng kiến của Tôn Trung Sơn để đào tạo cán bộ chính trị và quân sự cho cách mạng Trung Quốc.

Các giảng viên Nga này trong nhiều năm đã là đồng nghiệp của Nguyễn Ái Quốc. Với sự giúp đỡ của các đồng chí Nga, Nguyễn Ái Quốc đã mở các khóa học chính trị cho cán bộ cách mạng Việt Nam, xuất bản tờ báo cách mạng "Thanh niên", sau đó thành lập tổ chức "Thanh niên cách mạng đồng chí hội", Thanh niên cách mạng đồng chí hội và Báo Thanh niên đã đào tạo được một đội quân chiến sĩ đấu tranh vì giải phóng dân tộc, trong số họ có những nhà lãnh đạo tương lai của nước CHXHCN Việt Nam, những nhà hoạt động giải phóng dân tộc nổi tiếng đã hy sinh cuộc đời mình cho thắng lợi của cách mạng: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập và nhiều người khác.

Chính những người này trở thành hạt nhân của Ðảng CS Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập năm 1930. Ngay từ những văn kiện cương lĩnh đầu tiên, đảng đã xác định rõ những mục tiêu chiến lược lật đổ chế độ thực dân thuộc địa và giải phóng dân tộc. Ðó chính là sức mạnh làm cho Ðảng CS được toàn thể các tầng lớp nhân dân yêu nước yêu mến và ủng hộ.