Bản Tuyên ngôn độc lập đã kế thừa và nâng cao các giá trị truyền thống của dân tộc được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử, mà điểm chói sáng là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; là trí tuệ và bản lĩnh văn hóa Việt Nam với khát vọng, hoài bão lớn lao vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Những giá trị văn hóa đó vẫn là nguồn lực nội sinh, tạo động lực to lớn trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.
2. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước. Với Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới về sự khai sinh của Nhà nước Việt Nam mới, biểu dương lực lượng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của mình.
Như vậy, Tuyên ngôn đã đặt hòn đá tảng đầu tiên xây dựng một Nhà nước kiểu mới. Nhờ đó, Chính phủ lâm thời do cuộc cách mạng của ý Ðảng, lòng dân lập nên, có được địa vị hợp pháp và Việt Nam có vinh dự là một trong rất ít quốc gia, sau cách mạng, có được một bản Tuyên ngôn nổi tiếng về quyền của các dân tộc, có giá trị đóng góp vào sự phát triển nền pháp lý tiến bộ của loài người.
Giờ đây đọc lại Tuyên ngôn độc lập (mà trước đó là Chương trình Việt Minh) và đối chiếu với Tuyên ngôn về quyền con người của Liên hợp quốc ra đời sau đó hơn ba năm (10-12-1948), ta thấy tất cả các quyền và tất cả tự do được tuyên bố trong Tuyên ngôn của Liên hợp quốc vẫn không vượt ra ngoài khuôn khổ những nội dung cơ bản mà Hồ Chí Minh đã nêu lên. Tư tưởng thấu suốt trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là "không có gì quý hơn độc lập tự do". Người đã gắn độc lập - quyền dân tộc thiêng liêng với tự do - quyền cơ bản của con người. Ðây không chỉ là những "lẽ phải không ai chối cãi được", mà còn trở thành một nguyên tắc pháp lý về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do của tất cả các dân tộc trên thế giới.
Ðặt Tuyên ngôn độc lập trong bối cảnh quốc tế sau thế chiến thứ hai mới thấy hết giá trị to lớn, trường tồn của Tuyên ngôn, cũng chính là trí tuệ và bản lĩnh Hồ Chí Minh. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mỹ thắng trận, tự cho mình có quyền lực tối cao mọi nơi trên thế giới. Nước Pháp thuộc phe Ðồng Minh, rắp tâm thiết lập lại hệ thống thuộc địa mà Việt Nam là một điểm nhấn. Ðặc biệt, các nước tham gia Hội nghị thành lập Liên hợp quốc còn muốn đặt các nước châu Á dưới chế độ ủy trị quốc tế trực thuộc Mỹ, hoặc tiếp tục thừa nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp. Thế nhưng, với Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã lên án chế độ thuộc địa, lên án những kẻ tự cho mình có quyền thống trị các dân tộc khác và duy trì nền "pháp luật thuộc địa". Tuyên ngôn đã khẳng định nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, cũng như cuộc đấu tranh giai cấp tất yếu của nhân dân các nước chống chế độ phong kiến giành các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của con người. Ðiều lẽ phải và hiển nhiên đó không ai có thể bác bỏ và chối cãi được, nó vượt mọi học thuyết, mọi tranh cãi và lý thuyết suông.
Và như vậy, chúng ta lại có thêm một cách tiếp cận về Tuyên ngôn độc lập như đánh giá của Ðây-vít Han-bớc-xtơn: "Ông Hồ Chí Minh không những đã giải phóng đất nước của ông, thay đổi chiều hướng thuộc địa ở cả châu Phi lẫn châu Á, mà ông còn làm được một điều đáng chú ý hơn: Ông đã dùng tới nền văn hóa và tâm hồn của kẻ địch của ông" (2). Rõ ràng là Tuyên ngôn độc lập đã cho thấy một sợi dây liên kết giữa tư tưởng chính trị và văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn không chỉ là một văn bản mang tính cách mạng và khoa học, tính lịch sử và hiện đại, tính dân tộc và quốc tế, mà còn đậm đà tính nhân văn, nhân đạo hiện thực.
Từ lúc Liên hợp quốc ra Tuyên ngôn nhân quyền (12-1948) đến Tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa (12-1960) và cuối cùng là Nghị quyết về Chương trình hành động nhằm thi hành toàn diện bản tuyên ngôn trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa (12-1970) mất 22 năm. Trong khi đó, trong ngày đầu tiên của nước Việt Nam mới, với Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã thông báo và khẳng định với nhân dân Việt Nam và thế giới về quyền dân tộc cơ bản, một khái niệm khoa học thuộc phạm trù luật pháp quốc tế hiện đại mà từ đó đến nay luôn được thế giới thừa nhận.
3. Sáu mươi năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Ðình, Hà Nội, trịnh trọng tuyên bố với thế giới "nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập". Từ đó đến nay, hạt ngọc lung linh trong bản Tuyên ngôn là quyền cơ bản của con người và quyền của các dân tộc vẫn tiếp tục tỏa sáng trong lòng nhân loại tiến bộ. Ðến nay, nếu so sánh với Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 và nội dung hai bản Công ước Quốc tế về nhân quyền năm 1966 có thể khẳng định rằng, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ các quyền cơ bản và phổ biến của con người, đạt được những thành tựu và cống hiến lớn trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ quyền con người. Ðảng ta đang tiếp tục phát huy tư tưởng nhân quyền của Hồ Chí Minh trong tiến trình đổi mới đất nước bằng nhiều biện pháp cụ thể, chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, coi đó là mục tiêu và động lực phát triển đất nước.
PGS.TS BÙI ÐÌNH PHONG
-----------------
1. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật,
H, 1972, tr. 106-107.
2 . Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, NXB Lao động,
H, 1993, tr.36.
|