Chuyện về người dự thảo điếu văn truy điệu Bác Hồ
Các Website khác - 30/08/2005
Chỉ còn hai ngày nữa đến lễ Quốc tang 9-9-1969 mà hai điếu văn ai đó dự thảo chưa đạt, Bộ Chính trị không thông qua. Tổng Bí thư Lê Duẩn yêu cầu thư ký riêng của mình nội trong đêm 6-9 phải viết xong bản khác. Vậy mà 1 giờ sáng ngày 7, ông Ðống Ngạc vẫn ngồi đó... cắn bút, đầu óc rối bời, chưa viết được chữ nào...
Có thật Bác đã đi xa?

Ông sinh năm Sửu - Ất Sửu (1925). Ngoài tuổi tám mươi mà trông dáng vẻ ông vẫn mạnh khỏe, cương nghị, rất điềm tĩnh, chân tình. Chữa bài tôi viết ông cân nhắc từng câu chữ. Mỗi khi cần minh chứng, trích dẫn, ông lại đứng lên mở tủ, lấy "vật chứng" chỉ tôi xem tư liệu gì, ở trang mấy, dòng nào...

Ðáng quý biết bao! Thật đáng quý biết bao, một chứng nhân hết sức trân trọng sự thật lịch sử.

Ông kể, anh em ở Văn phòng Trung ương từ năm 1965 ít nhiều đã biết sức khỏe Bác Hồ bắt đầu giảm sút. Năm 1969 Người nhiều lần ốm nặng. Tới những ngày cuối tháng 8 bệnh tình càng nguy kịch. Vậy mà tin đau thương Bác mất ai cũng cảm thấy quá đột ngột, quá sức chịu đựng, chưa ai dám tin đó là sự thật...

... Tối ngày 6-9, khoảng 21 giờ rưỡi, Tổng Bí thư (TBT) vừa họp Bộ Chính trị (BCT) về tới nhà, đã cho gọi ngay ông Ðậu Ngọc Xuân và ông lên phòng làm việc trên gác hai. TBT thông báo nhanh quyết định của BCT về việc công bố ngày 9 làm lễ truy điệu và trao cho ông hai bản Di chúc của Bác Hồ kèm hai dự thảo điếu văn đã được soạn thảo, rồi nói: Hai dự thảo này không đạt yêu cầu, không được BCT thông qua. Bây giờ hai chú chuẩn bị giúp tôi một bản điếu văn khác. Ngoài việc tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp và công ơn trời biển của Bác, điếu văn cần nêu bật những nội dung lớn trong tư tưởng của Người để cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta thấu suốt hơn nữa, lấy đó làm hướng phấn đấu biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết thực hiện thắng lợi sự nghiệp vẻ vang mà Bác Hồ để lại.

TBT nói cụ thể hơn về năm nội dung lớn cần nêu bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh như độc lập và thống nhất cho Tổ quốc gắn liền với CNXH, chính sách đại đoàn kết dân tộc, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với tinh thần đoàn kết quốc tế, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng của Người... và nhấn mạnh đến văn phong, lời điếu phải trang trọng, sâu sắc, cô đọng, tránh dài dòng, sáo mòn, văn cần có hồn đi được vào lòng người... Giải thích cặn kẽ xong, TBT còn dặn đi dặn lại: Các chú cố gắng viết xong trong đêm nay, mai còn kịp xin ý kiến BCT, Ban Bí thư... Chúng ta không còn thời gian.

Hai ông cùng nhận thức rất rõ rằng công việc được giao là một vinh dự rất lớn, nhưng hết sức khó khăn, vượt quá sức mình; song, phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, quyết không phụ lòng tin cậy của TBT.

Việc trước tiên là bàn, thống nhất cách làm: đọc kỹ Di chúc của Bác, hai bản thảo trước, nghiền ngẫm những điều TBT vừa chỉ dẫn, và tranh thủ đọc ba điếu văn kinh điển để học cách viết: Stalin điếu Lê-nin, Engen điếu Các Mác và Bác Hồ điếu cụ Hồ Tùng Mậu. Hai anh em cùng nhau vạch một dàn bài chung, mỗi người tự viết một bản thảo, viết xong sẽ đối chiếu chọn bài đạt hơn, hoặc chọn những đoạn viết tốt hơn... để lắp ghép, chỉnh sửa thành một bản.

Ý định là vậy nhưng khi bắt đầu viết thì thật lạ, đầu óc nặng trĩu, tư tưởng không thể tập trung, suy nghĩ miên man. Viết rồi xóa, xóa rồi viết lại... Thời gian cứ lặng lẽ trôi nhanh. Hình ảnh Bác hiện ra cứ như không phải Bác đã đi xa. Có thể cũng như mọi lần Người đi công tác rồi lại về... Nhưng, tĩnh tâm lại, ruột gan ông rối bời... Tại sao tâm trạng bị ức chế đến vậy? Nhìn sang bàn ông Xuân, ông giật mình thấy ông Xuân gục đầu xuống bàn, áp mặt trên những trang giấy viết nham nhở. Ông như bị kiệt sức...

Công trình của trí tuệ tập thể

- Điều gì giúp anh sau đó viết một mạch bốn giờ xong bài điếu văn? - Tôi hỏi ông.

- Có nhiều điều. Còn lại một mình, trách nhiệm càng nặng nề hơn: không còn chỗ để... nhìn vào nhau, chờ đợi nhau. Mà, bây giờ là trách nhiệm cả với bạn. Nhưng, bao quát trên hết là đấu tranh tư tưởng tự xác định lại với mình rằng Bác đã đi xa thật rồi, phải biến đau thương thành hành động cụ thể, vượt lên chính mình, tự tin và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ. Ông lấy lại bình tĩnh, làm chủ được mình và hạ bút viết câu đầu tiên: "Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa. Tổn thất lớn lao này không gì bù đắp nổi.” (Câu này về sau sửa lại thành hai câu: "Tổn thất này vô cùng lớn lao! Ðau thương này thật là vô hạn!"). Câu này như một nguồn lực đánh thông tư tưởng cho mình. Ông bỗng thấy đầu óc như trút được gánh nặng. Sức nghĩ sáng, ngòi bút trong tay bỗng như có trớn, ông viết liền một mạch xong đoạn mở đầu nói về nỗi đau Bác mất và cả phần hai nói về cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của Bác Hồ, kết thúc bằng câu: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” (từ "dân tộc" đến lần sửa cuối mới thêm vào).

Sang phần ba, phần ruột dài nhất và cũng khó viết nhất, phải viết sao cho đạt hai yêu cầu: một là: nêu cao những quan điểm lớn trong tư tưởng Bác Hồ. Hai là, từ những quan điểm đó vạch ra nhiệm vụ cho những người còn sống quyết giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiếp tục vững bước tiến lên. Cái khó là trình bày những vấn đề lớn ấy bằng những ngôn từ nhỏ, giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Và khó hơn nữa là phải tìm ra cách diễn đạt hay cùng lúc chuyển tải được cả hai yêu cầu nói trên, một công thức biểu cảm có khả năng hòa quyện những nội dung lớn về tư tưởng với những hoạt động thực tiễn mà những người còn sống cần biểu thị trước anh linh của Người. Trước khó khăn đó, ông Ðống Ngạc tâm sự, bài điếu văn J.Stalin truy điệu V.Lenin năm 1924 đã gợi mở cho ông hướng giải quyết, suy nghĩ sâu thêm về những điều chỉ dẫn của TBT. Ông đã trình bày tư tưởng Bác Hồ thành năm quan điểm lớn gắn liền với năm nhiệm vụ được thể hiện thành năm lời thề danh dự mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân giơ cao nắm tay thề trong giờ phút thiêng liêng tiễn đưa vị cha già dân tộc. Câu “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề…” được lặp lại năm lần như một điệp khúc làm tăng thêm sức truyền cảm của lời điếu.

Ðoạn cuối nêu bật hai di sản quý báu do Bác Hồ để lại: “Di sản thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc, và kỷ nguyên Ðộc lập - Tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên CNXH ở nước ta. Ðó là thành quả vĩ đại nhất nhân dân Việt Nam ta đã giành được dưới sự lãnh đạo thiên tài của Người, đồng thời là công ơn trời biển của Bác Hồ mà mọi người Việt Nam đều có quyền tự hào và có nghĩa vụ phải kế tục, gìn giữ và phát huy mãi mãi.”

5 giờ sáng ngày 7, ông mở cửa ra sân thì dường như TBT cũng thức suốt đêm để chờ đợi kết quả, TBT mừng lắm, nghe đọc xong liền nói: Bài viết như thế này về cơ bản là đạt yêu cầu...

8 giờ sáng BCT và BBT họp chung, góp ý, 11 giờ trưa, hai ông Tố Hữu, Hoàng Tùng từ phòng họp bước ra thông báo là BCT "nhất trí chấp nhận dự thảo này" và đề nghị cùng lên gác hai chỉnh sửa theo góp ý của cuộc họp. Tới 13 giờ sửa xong, văn bản được đánh máy rồi báo cáo thông qua TBT gửi tới các ông Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Tố Hữu, Hoàng Tùng để tiếp tục hoàn chỉnh thêm và đưa qua Ban đối ngoại dịch ra năm ngoại ngữ: Nga, Trung, Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Mỗi lần kể lại sự kiện lịch sử này, dù với ai ông đều hết sức trân trọng, xúc động, và lại nghẹn ngào ứa nước mắt hồi ức về nỗi đau Bác mất. Tới khi chốt lại chuyện kể bao giờ ông cũng nhấn mạnh rằng ông rất vinh dự được tham gia viết điếu văn, nhưng đây là sản phẩm trí tuệ và công sức tập thể.

Viết tốt cần ở cái tâm

Giữa những năm 1960 còn bên Ngoại giao, qua người thân và các chuyến đi của TBT, tôi đã biết ông, nhưng chưa tiện dịp làm quen. Tới khi hay tin ông là người thứ ba được chọn, có bản thảo được BCT chấp nhận, thì thú thực, trong tâm tưởng, tôi rất phục nên nghĩ hẳn ông đỗ đạt cao và uyên thâm lắm lắm về đường chữ nghĩa, ngoài độ tin cậy - khỏi nói.

Hóa ra, cái sự... tưởng của tôi không hoàn toàn như thế. Con đường học vấn của ông không dài, ông dừng lại ở bậc thành chung, cỡ lớp 10 trước đây. Sau này có được dự một khóa kinh tế - chính trị ở Trường Nguyễn Ái Quốc, thế thôi. Có thể nói, trường hợp ông là khá phổ biến của lớp cha ông đi theo cách mạng, ít được học hành bài bản, trường lớp - mà tự học, tự rèn mình là chính thành thói quen, nếp sống tự học suốt đời thành người thực tài. (Chứ đâu may mắn khá đủ trường lớp, điều kiện học hành như con cháu ta ngày nay!)...

Ông người Tam Kỳ, Quảng Nam. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, thời thế thúc giục. Lớp trí thức yêu nước sớm giác ngộ như ông khao khát cách mạng lắm. Ông rủ bạn Ðinh Uynh, Nguyễn ZDu... ra Huế tìm... Việt Minh, được gặp cả cụ Huỳnh Thúc Kháng (năm 1955 hai ông ở lại hoạt động bí mật, đã bị địch giết hại). Tháng 8 sau đó ông tham gia khởi nghĩa ở Huế, rồi vào Giải phóng quân, Nam tiến, đánh Pháp tại Nha Trang. Bị thương cánh tay trái, nay cử động vẫn khó khăn. Ông liên tục làm công tác thanh vận, từng giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn TNCQ, rồi Bí thư khu đoàn khu V.

Ðầu năm 1962, đang trong Thường vụ Trung ương Ðoàn, bên Ðảng điều sang để ông chọn: làm thư ký cho TBT hoặc qua bên Ngoại giao. Do quen thời gian phụ trách nông thôn bên thanh niên, ông xin về Ban nông nghiệp Trung ương là hợp nguyện vọng nhất, nhưng không có con đường thứ ba. Vậy là ông giúp việc TBT Lê Duẩn cho đến ngày TBT qua đời (10-7-1986), gần trọn 25 năm.

Nhiều nhà báo hỏi ông có nghề gì, khả năng gì đặc biệt, tiêu chuẩn gì khác thường mà được chọn giúp việc TBT. Ông khẳng định: Hoàn toàn không. Có thể chỉ là do qua công tác văn phòng, biết chút ít về việc nắm bắt, phân tích tổng hợp tình hình, biết ghi chép, biên tập bài vở, những công việc bình thường...

Ông Ðống Ngạc cũng như nhiều vị thư ký giúp việc các nhà lãnh đạo cấp cao, cả cố thư ký Vũ Kỳ giúp việc Bác Hồ, chúng ta đều biết, điều kiện học tập thực tế hết sức thuận lợi, do đó vốn có càng được trau dồi, phát huy nhanh. Song, ông Ðống Ngạc rất ít khi "lộ danh" dưới các bài viết trên các trang báo. Mãi gần đây chúng ta đọc thấy tên ông trong 3 bộ sách lớn tổng kết hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ; đặc biệt là tác phẩm Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và Bài học. Hoặc ở sách: Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo lỗi lạc. Một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.

Bác sĩ Phan Thị Mãn, nguyên Trưởng phòng Y tế quận Ba Ðình, Hà Nội - vợ ông phàn nàn riêng với tôi: "Ông ấy đã phải sang Ðức mổ tiền liệt tuyến, nằm viện cả năm trời rồi mà vợ con khuyên can ít chịu nghe. Hiện nay vẫn đọc, viết, đọc, viết không dưới 6, 7 tiếng một ngày...". Tôi mách lại điều bà kêu, có ý khuyên ông giữ sức. Ông gật gật đầu: Bà ấy thật tội! Bạo bệnh 4, 5 năm nay. Lương hai vợ chồng chỉ đủ cho bả mua thuốc... Chuyện viết, anh biết rồi đó. Ở người tuổi cao còn khả năng điều kiện, ai cũng muốn cố gắng có thêm đóng góp hữu ích cho gia đình, xã hội, cho sức khỏe, thêm niềm vui...

Tôi hỏi, xin ông truyền cho chút kinh nghiệm hay để viết tốt. Ông cười, bảo: "Hay thì làm gì có. Tùy ở mỗi người. Nhưng, gì thì gì, có lẽ là viết tốt trước hết cần ở cái tâm.”

TRỊNH TỐ LONG