Thách thức lớn nhất là thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế và công nghệ.
Các Website khác - 30/08/2005
Tạp chí "Các vấn đề đối ngoại" (Mỹ) đã phối hợp với hãng Truyền thông chiến lược ra chuyên mục đặc biệt về Việt Nam số tháng 9-10 năm 2005. Chuyên mục đã in trang trọng bài viết của Thủ tướng Phan Văn Khải (nguyên là bài trả lời phỏng vấn) về quá trình phát triển và đổi mới của Việt Nam trong thập kỷ vừa qua. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài trả lời phỏng vấn.
Hỏi: Xin Ngài cho biết quan điểm của mình về vị trí và vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập WTO vào cuối năm nay?

Trả lời: Kinh tế Việt Nam tuy trình độ phát triển còn thấp, song không thể tách rời nền kinh tế toàn cầu. Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở ra với thế giới. Trong những năm gần đây, giá trị xuất khẩu của Việt Nam bằng hơn 1/2 giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP); kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm tăng với tốc độ trung bình hơn 20%/năm. Việt Nam nằm trong danh sách 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới và được công nhận quốc gia có nền ngoại thương đang phát triển mạnh mẽ. Nguồn vốn nước ngoài chiếm khoảng 40% tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đóng góp 13-14% GDP, khoảng 30% sản lượng công nghiệp.

Việt Nam đang cố gắng đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong thời gian sớm nhất, đưa nền kinh tế hội nhập mạnh mẽ hơn nữa vào kinh tế toàn cầu, vừa tạo điều kiện, vừa thúc đẩy Việt Nam mở cửa rộng hơn cho đầu tư, thương mại hàng hóa và dịch vụ với bên ngoài và cũng sẽ thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khi năng lực cạnh tranh còn nhiều mặt yếu.

Hỏi: Ngài đánh giá như thế nào về sự thành công của Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ cho tới nay? Theo Ngài, quan hệ thương mại giữa hai nước còn được mở rộng sang lĩnh vực nào?

Trả lời: Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký ngày 13-7-2000 và có hiệu lực từ 10-12-2001 đã đem lại những thành quả trong nhiều lĩnh vực.

Nét nổi bật qua ba năm thực hiện BTA là trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2001 lên 6,4 tỷ năm 2004, đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của cả hai nước. Hiện nay, Mỹ là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ðầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam cũng tăng, nhưng còn ở mức rất khiêm tốn với tổng số vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD (chiếm 2,8% tổng số FDI), đứng thứ 13 trong số các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Một số nguồn vốn khác cũng đã được khai thông như chương trình bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ (EXIMBANK).

Cùng với hợp tác mạnh mẽ về kinh tế và thương mại, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục, chống khủng bố, chống ma túy. Hai nước đã tích cực hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ chết trận. Giới chức quân sự của hai nước cũng bước đầu tiếp xúc với nhau... Những diễn biến tích cực này giúp nhân dân hai nước ngày càng hiểu và gần nhau hơn. Tôi vui mừng nhận thấy ngày càng nhiều kiều bào ở Mỹ cũng như ở các nước khác trở về Việt Nam thăm quê hương, đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Tôi hoan nghênh và cảm kích trước tấm lòng của nhân dân Mỹ, trong đó có những cựu chiến binh đến thăm Việt Nam ngày càng nhiều, họ đều ghi nhận thái độ hữu nghị, chân thành của nhân dân Việt Nam. Họ đã bày tỏ sự đồng cảm và có những hành động thiết thực giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Qua 10 năm hai nước bình thường hóa quan hệ, có thể thấy rõ tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai đã được thể hiện trong quan hệ của nhân dân, Chính phủ hai nước sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trong thời gian tới.

Hỏi: Theo Ngài, việc Việt Nam gia nhập WTO có tác động thế nào đến đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hoa Kỳ?

Trả lời: Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 1995 và hiện đang tích cực đàm phán để có thể trở thành thành viên của Tổ chức này trong thời gian sớm nhất. Tôi tin rằng, với các cam kết gia nhập WTO, đi đôi với sự phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ ngày càng hấp dẫn, ổn định, minh bạch hơn và do đó sẽ thu hút nhiều hơn FDI từ các nước, trong đó có Mỹ.

Tôi hy vọng rằng, đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ phát triển ngang tầm với tiềm lực to lớn của Mỹ. Việt Nam cũng mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ tích cực và thiết thực hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư Mỹ đối với quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đang trong giai đoạn quyết định, cũng như đối với công cuộc cải cách và phát triển kinh tế trên đất nước chúng tôi.

Hỏi: Theo Ngài, Việt Nam sẽ phải đối phó với những thách thức gì trong thời kỳ phát triển sắp tới khi Việt Nam ngày càng hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu?

Trả lời: Trong gần 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và được đông đảo bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trên con đường đổi mới và phát triển, chúng tôi còn phải vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Thách thức lớn nhất là phải thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới về trình độ phát triển kinh tế và công nghệ. Mặc dù Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong những năm vừa qua, nhưng còn thấp so với tiềm năng, chất lượng tăng trưởng và tính bền vững chưa cao. Vì vậy để có thể thu hẹp được khoảng cách với các nước, chúng tôi phải phát triển nhanh và vững chắc hơn nữa.

Hội nhập kinh tế quốc tế có nghĩa là chấp nhận cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn là nước nông nghiệp, công nghệ và kết cấu hạ tầng yếu kém. Ðại bộ phận người dân Việt Nam sống ở nông thôn. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp và nông thôn, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và công nghệ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế thành công, cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn. Ðây cũng là một thách thức không nhỏ.

Việc Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới mang lại cho Việt Nam những cơ hội phát triển mới đi liền với thách thức lớn do tác động của những biến động bên ngoài trong khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp và sự ổn định có những yếu tố chưa vững chắc.

Chúng tôi phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Lối ra của chúng tôi là đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc hơn nữa, kết hợp cải cách kinh tế, xã hội với đổi mới chính trị, tăng cường đại đoàn kết dân tộc và phát huy dân chủ, tạo động lực và nguồn lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Hỏi: Thị trường Trung Quốc tạo ra mối đe dọa cho tương lai của Việt Nam ở mức độ nào hay đó là cơ hội thúc đẩy những thành quả hiện nay của Việt Nam?

Trả lời: Trung Quốc là một thị trường lớn, đông dân nhưng đồng thời cũng là công xưởng lớn của thế giới. Hàng hóa của Trung Quốc có chất lượng ngày càng tốt và giá cả cạnh tranh đang được tiêu thụ ở nhiều nơi trên thế giới.

Cũng như nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang đứng trước thách thức cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc ngay tại thị trường nội địa cũng như trên một số thị trường mà ở đó Việt Nam và Trung Quốc có chung một số loại sản phẩm xuất khẩu. Ðiều đó là một sự thúc đẩy lớn buộc các doanh nghiệp Việt Nam đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các mặt hàng đa dạng, phong phú.

Mặt khác, sự phát triển năng động của Trung Quốc cũng mang lại một cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam; kim ngạch hai chiều tăng nhanh, năm 2004 đạt 7,2 tỷ USD. Về FDI, hiện nay, Trung Quốc đứng thứ 15 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi coi trọng việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước tương xứng với tiềm năng và điều kiện thuận lợi của cả hai bên. Trong quan hệ với Trung Quốc, bên cạnh sự hợp tác song phương, Việt Nam cũng tích cực góp phần đẩy mạnh quan hệ đa phương trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do ASEAN + Trung Quốc hiện đang được xúc tiến mạnh mẽ. Với vị trí địa lý của mình, Việt Nam có thể phát huy vai trò cửa ngõ và cầu nối cho các hoạt động kinh doanh giữa ASEAN và Trung Quốc.

Song song với lĩnh vực kinh tế, quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam và Trung Quốc cũng phát triển trên các mặt khác cả ở cấp Chính phủ, cấp địa phương và đặc biệt là trong quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Hỏi: Xin Ngài cho biết quan điểm về việc Việt Nam gia nhập WTO và tác động của nó đối với thương mại và sức cạnh tranh? Những tiến bộ đã đạt được trong việc loại bỏ trợ cấp? Ngài định lượng thế nào về mức độ phát triển của Việt Nam sau khi trở thành thành viên của WTO và có cơ hội tiếp cận tốt hơn với thị trường toàn cầu trong khi một số ngành công nghiệp không có sức cạnh tranh không tránh khỏi bị loại trừ?

Trả lời: Quá trình đàm phán của Việt Nam để gia nhập WTO đã trải qua hơn 10 năm. Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán, cả đa phương và song phương.

Việt Nam chấp thuận hầu hết các cam kết đa phương trong WTO vào thời điểm gia nhập, như cam kết bỏ trợ cấp trong nông nghiệp (trừ những khoản WTO cho phép đối với một nền kinh tế đang phát triển), bỏ chế độ hai giá đối với nhiều sản phẩm như điện, nước, v.v. Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương với một số đối tác, trong đó có EU và hy vọng sẽ kết thúc đàm phán với các đối tác khác trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi mong muốn các đối tác sẽ thể hiện thiện chí, nhằm sớm kết thúc đàm phán với những cam kết phù hợp các quy định trong WTO và quan tâm tới hiện trạng của Việt Nam là một nền kinh tế đang chuyển đổi và trình độ phát triển còn thấp.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7 - 8% và tốc độ tăng trưởng thương mại từ 15 - 20% hằng năm. Chúng tôi hy vọng rằng, với việc gia nhập WTO trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm nguồn lực mới và cơ hội mới cho công cuộc đổi mới và phát triển nền kinh tế trong nước, nhằm nâng cao nhịp độ và chất lượng phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hiểu rằng cơ hội luôn luôn đi liền với thách thức, đặc biệt là sức ép cạnh tranh gay gắt, một số doanh nghiệp không đứng vững được, có thể dẫn tới gia tăng tình trạng thất nghiệp và phân hóa giàu nghèo, luồng di dân từ các vùng nông thôn ra thành thị có thể lớn hơn.

Vì vậy, song song với tiến trình đàm phán gia nhập WTO, chúng tôi đang nỗ lực cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế.

Ði đôi với việc tạo môi trường và điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài, chúng tôi đang đẩy mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đặt các doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Trong quá trình đổi mới, số doanh nghiệp nhà nước từ trên 12.000 nay còn 4.000; chương trình cổ phần hóa đang triển khai trong năm nay với 2.000 doanh nghiệp và sẽ tiếp tục thực hiện trong những năm sau.

Việt Nam đặc biệt coi trọng việc triển khai chương trình rà soát, sửa đổi hoặc loại bỏ những luật và quy định không phù hợp các cam kết quốc tế và xây dựng luật mới nhằm tạo một sân chơi chung, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong nước cũng như của nước ngoài.