Chưa hết “cảm lạnh”, đã lo tái lạm phát
Các Website khác - 16/01/2009

Lạm phát mới tạm ổn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới âm trong ba tháng, Chính phủ còn đang lo triển khai các giải pháp chống suy giảm kinh tế, nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu kinh tế gần đây đưa ra dự báo, lạm phát có thể lại quay trở lại một khi kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, khi các gói kích thích phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia phát huy tác dụng

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nói rằng, sau thực hiện các gói kích cầu, bao giờ cũng xảy ra nguy cơ lạm phát tăng nhanh. Nguy cơ tái lạm phát có thể phân tích trên hai yếu tố. Thứ nhất, sau thời kỳ giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư trên thị trường thế giới đã xuống đáy, sự phục hồi, tăng giá trở lại của các sản phẩm sẽ tác động rất nhanh đến các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam (xuất khẩu chiếm khoảng 60 – 70% GDP). Thứ hai, để kích cầu đầu tư, Chính phủ lại đưa ra các gói kích cầu, kích thích tăng trưởng kinh tế hàng trăm ngàn tỉ đồng, nhưng các nguồn vốn đó nếu không được quản lý tốt, tiếp tục để đầu tư kém hiệu quả, thì chính nó cũng là một nguy cơ rất lớn cho lạm phát tăng cao trở lại. “Hệ số ICOR tăng cao, nhiều cơ quan tính là 5 – 5,5%, thậm chí có thể lên tới trên 11% nếu tính theo giá so sánh như phân tích của nhiều chuyên gia về đầu tư hiện nay là có cơ sở. Tỷ lệ đó là quá cao, cho thấy hiệu quả đầu tư đã không được cải thiện, mà ngày càng kém đi. Đây điều rất đáng báo động”, tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền cảnh báo.

Hệ số ICOR tăng cao, nhiều cơ quan tính là 5 – 5,5%, thậm chí có thể lên tới trên 11% nếu tính theo giá so sánh như phân tích của nhiều chuyên gia về đầu tư hiện nay là có cơ sở. Tỷ lệ đó là quá cao, cho thấy hiệu quả đầu tư đã không được cải thiện, mà ngày càng kém đi

Cùng quan điểm với tiến sĩ Hiền, ông Lê Hải Mơ, phó viện trưởng viện Khoa học tài chính cho rằng, lạm phát có thể trở lại vào cuối năm nay, hoặc đầu năm 2010 do các nguồn vốn kích cầu hiện nay đưa ra là rất lớn. Ở trong nước, theo ông, tổng nguồn vốn dành cho đầu tư có thể lên tới một triệu tỉ đồng. Trong đó, riêng các gói kích cầu đầu tư của Chính phủ đưa ra đã là khoảng 420.000 tỉ đồng. Nguồn vốn còn lại, theo ông, là vốn tự có ở các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các khoản vay thương mại… Tất cả những nguồn vốn này, nếu được triển khai nhanh vào thời điểm hiện nay, đúng địa chỉ sẽ chặn đà suy giảm kinh tế. Nhưng nếu tràn lan, kéo dài, nó lại là nguy cơ gây ra những bất ổn mới.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói rằng, sở dĩ có mối lo ngại lạm phát tăng lại vì hiện nay, do nhiều nền kinh tế lớn suy thoái kéo theo giá giảm, sản lượng giảm, vòng quay đồng tiền chậm lại. Nhưng nếu cung tiền đưa ra mạnh hơn, nền kinh tế thế giới ấm lại, giá cả và sản lượng trên thế giới cân bằng trở lại, vòng quay đồng tiền nhanh hơn, sẽ dẫn đến giá cả lại tăng. Và điều này sẽ ảnh hưởng nhanh đến các nước có độ mở nền kinh tế lớn như Việt Nam. Theo ông Thành, hiện nay, ở Việt Nam, tuy xu hướng thiểu phát đã rõ, và những dự báo mới nhất cho thấy lạm phát cả năm 2009 sẽ chỉ ở mức 7 – 8%, nhưng rủi ro về lạm phát vẫn còn do việc liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ, và đẩy mạnh các giải pháp kích cầu. “Bội chi ngân sách tăng, việc rục rịch tăng lương, tăng giá một số sản phẩm Nhà nước còn giữ độc quyền như điện, than… sắp tới sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến giá cả”, tiến sĩ Võ Trí Thành nói. Theo ông Thành, chống nguy cơ tái lạm phát là một vấn đề quan trọng, nhưng Chính phủ vẫn phải chú ý đến các vấn đề khác có thể làm mất ổn định kinh tế vĩ mô như: tình trạng thâm hụt thương mại, nhập siêu…

Nói đến nguy cơ lạm phát tăng trở lại vào thời điểm này có vẻ như hơi sớm. Nhưng nếu để con “quái vật” lạm phát có cơ hội “nhe nanh, múa vuốt” trở lại, thì nền kinh tế sẽ lại đứng trước những thách thức lớn. Những doanh nghiệp nào còn đứng vững qua những đợt sốt nóng, sốt lạnh vừa qua có thể bị quật ngã, và đời sống người dân sẽ ngày một khó khăn. Cho nên, vừa để chống suy thoái, đồng thời ngăn ngừa khả năng tái lạm phát, theo các chuyên gia, các gói kích cầu đầu tư, kích thích tăng trưởng vẫn phải thực hiện, nhưng phải đi đôi với những cải cách mạnh mẽ về thể chế, hành chính, bộ máy, cơ cấu lại nền kinh tế để các dòng vốn đầu tư chảy đúng chỗ, phát huy hiệu quả cao.

Theo SGTT