Hẻm 818, phường 3, Q. Gò Vấp (TP.HCM), nhà dân xen mộ. Nhiều nơi, hai "thế giới" chỉ cách nhau một bức vách, thậm chí vách mộ được tận dụng làm vách nhà! Đường hẻm vừa hẹp, vừa quanh co; có đoạn, chiều ngang mặt đường chỉ vài tấc vì vướng mộ.
Giành chỗ với người chết
Bà T., ngụ ở đây đã lâu, cho biết, khu vực này vốn là nghĩa trang. Đến khi nhu cầu về nhà ở tăng, thân nhân một số người chết bèn cải táng mộ để lấy đất bán. Một số khác lấn chiếm đất quanh các ngôi mộ vô thừa nhận. Thiên hạ thi nhau dựng nhà cho thuê. Nghĩa trang cũ biến thành khu dân cư mới.
Những khu dân cư vừa mới, vừa… kinh dị như vừa kể không chỉ có ở Gò Vấp. Đến Bình Thạnh, muốn vào quán cà phê T.N. trên đường Trần Bình Trọng, khách phải băng qua một nghĩa trang. Đêm, thưởng thức cà phê tại đây đồng nghĩa với việc tìm cảm giác mạnh khi băng qua nghĩa trang này. Tương tự, ở khu vực xã Tân Xuân, Hóc Môn, người sống cũng đang ở chung với người chết.
Phần lớn cư dân của những khu dân cư dạng này đều từ các tỉnh trôi giạt về TP.HCM. Không ít người như bà N.T.S. mua đất dựng nhà ở một nghĩa trang gia tộc thuộc khu vực Vườn Lài, quận Tân Phú, vì ít tiền. Nghĩa trang gia tộc mà bà S. mua đất do ông N. trông coi. Khi nào có người hỏi mua đất, ông N. mới gọi thân thích của người nằm dưới mộ đến cải táng hoặc trực tiếp cải táng nếu người đã khuất không còn ai trông nom phần mộ. Bà S. thở dài, kể: "Chỉ những chỗ như thế này mới có đất vừa túi tiền của mình. Đi chỗ khác làm sao kiếm nổi một căn nhà”.
Dọc đường Địa Đạo, gần nhà bà S., hàng trăm gia đình cũng đang sống trên đất nghĩa trang, bên cạnh những ngôi mộ an táng người chết… chưa quá 10 năm!
Một cư dân trong một nghĩa trang gia tộc ở Tân Bình, ông N.V.K. tâm sự: "Tôi đưa vợ con từ khu kinh tế mới Sống Bé về TP.HCM sinh sống, dựng nhà ở đây đã 10 năm. Biết là không ổn, nhưng không thể không có chỗ trú thân, liều cũng vì nghèo thôi…".
Quen với âm khí
Ở những khu dân cư này, nước thải chảy thẳng ra đường. Đáng ngại hơn là nước sinh hoạt được lấy từ giếng khoan. Một số giếng khoan cách các ngôi mộ không tới 5 mét. Thậm chí, có giếng khoan ngay ở vị trí có phần mộ vừa cải táng.
Trong một quán cà phê không biển hiệu, ở phường 10, Q.Tân Bình, thấy tôi ngần ngại vì cả giếng lẫn nơi pha chế, rửa ly tách đều nằm sát với một ngôi mộ, chủ quán trấn an: "Xưa nay tụi tôi vẫn sống như vầy, đâu có ai bị gì mà chú lo". N.A.D., một thanh niên thuê nhà ở đây cho biết anh chỉ dám tắm giặt bằng nước giếng, còn khát nước thì ra quán cà phê.
Một chuyên viên của Trung tâm Y tế dự phòng khẳng định, phải mất 10 năm, các vi sinh vật từ xác người chết mới bị tiêu huỷ hết. Do vậy, việc sinh sống trong các nghĩa trang sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khoẻ. Đặc biệt là việc sử dụng nước giếng khoan. Vi sinh vật từ xác bị phân huỷ vẫn có thể theo đường ống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Theo một cán bộ quận Tân Bình, quận đang khuyến khích cải táng, di dời các nghĩa trang gia tộc để đảm bảo sự trong lành cho môi trường sống, nhưng có lẽ còn lâu mới hoàn tất. Nếu không có những biện pháp quản lý chặt chẽ, chắc chắn TP.HCM sẽ có thêm không ít khu dân cư… kinh dị như trên.
(Theo SGTT)
▪ Chuyển hướng sang Việt Nam (20/08/2005)
▪ Cháy khu tập thể (20/08/2005)
▪ Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Xuân Áng: "Tự hào là đại diện của Việt Nam" (20/08/2005)
▪ Nhập khẩu... muỗi (20/08/2005)
▪ Cháy bảng hiệu gây tắc đường gần 1 giờ (20/08/2005)
▪ TP HCM chuẩn bị xong 95% quỹ nhà tái định cư (20/08/2005)
▪ Dự án sử dụng đất ở Hà Nội để kinh doanh sẽ phải đấu thầu (20/08/2005)
▪ Bà Rịa-Vũng Tàu "im lặng" với khiếu kiện đất? (20/08/2005)
▪ Thước đo chất lượng chính quyền cơ sở (12/08/2005)
▪ Tinh thần 19.8 (19/08/2005)