Chung quanh vấn đề đào tạo nhân lực của ngành du lịch
Các Website khác - 14/12/2005
Nhiều năm qua, công tác đào tạo nhân lực du lịch đã được đẩy mạnh cả về quy mô và chất lượng, đồng thời từng bước chuẩn hóa. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Cùng với sự phát triển và tăng trưởng liên tục của du lịch Việt Nam, trong những năm đổi mới vừa qua, công tác đào tạo nhân lực của ngành có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận. Ðã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực du lịch từ trung ương đến địa phương; các cơ sở đào tạo du lịch ngày càng mở rộng, đa dạng về cơ cấu, cấp đào tạo cùng ngành nghề đào tạo; quy mô tuyển sinh cũng tăng lên nhanh chóng.

Số lượng cơ sở đào tạo du lịch hiện tăng nhanh với 30 cơ sở đào tạo du lịch hệ dạy nghề và trung cấp, 38 cơ sở đào tạo du lịch hệ đại học và cao đẳng. Một số trường đại học bắt đầu triển khai đào tạo hệ sau đại học về du lịch. Hằng năm, có khoảng 13 nghìn học sinh, sinh viên du lịch tốt nghiệp, bổ sung vào lực lượng lao động ngành du lịch ở các địa phương. Nhiều cơ sở đào tạo được cải tạo, nâng cấp trường, lớp, nơi thực hành; bổ sung trang thiết bị giảng dạy, nghiên cứu. Trong đó, bốn trường trung học, cao đẳng du lịch được thụ hưởng dự án do Luxembourg tài trợ và các khoa, bộ môn đào tạo du lịch thuộc dự án phát triển của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, có cơ sở và điều kiện giảng dạy, thực hành tương đối hiện đại. Chương trình, giáo trình và các kỹ năng nghề từng bước được xây dựng và chuẩn hóa. Với sự giúp đỡ của Luých-xăm-bua, bộ chương trình, giáo trình dạy nghề về nghiệp vụ khách sạn và nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng giảng dạy ở bốn cơ sở đào tạo của Tổng cục Du lịch và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Ðội ngũ giáo viên của các cơ sở đào tạo du lịch thời gian qua tăng về số lượng và từng bước được chuẩn hóa với hơn 700 giáo viên ở các cấp học.

Cùng những cố gắng trong công tác đào tạo mới, việc đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ quản lý, sự nghiệp và kinh doanh du lịch từng bước được tiến hành. Nhiều doanh nghiệp du lịch, nhất là trong các liên doanh nước ngoài rất chú trọng đào tạo lại người lao động sau khi tuyển dụng. Mười năm qua, bằng con đường hợp tác quốc tế, toàn ngành còn thu hút được 40 triệu USD từ vốn ODA cho công tác đào tạo nhân lực, không kể số vốn ODA hỗ trợ dưới nhiều hình thức cho các cơ sở. Hoạt động liên kết các cơ sở đào tạo nước ngoài được đẩy mạnh trong khuôn khổ hợp tác đa phương hoặc song phương, dưới nhiều hình thức như đào tạo trong nước và học chuyển tiếp ở nước ngoài, đào tạo qua mạng, mời chuyên gia và giảng dạy, v.v.

Với tốc độ tăng trưởng của du lịch như hiện nay thì mỗi năm cần thêm ít nhất 25 nghìn lao động mới và phải đào tạo lại một lực lượng tương đương như vậy, nhất là ở các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là chất lượng đào tạo, bồi dưỡng còn thấp, chưa theo kịp yêu cầu phục vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và còn có khoảng cách khá xa so với trình độ của các nước du lịch phát triển trong khu vực. Nhu cầu về nhân lực của ngành rất lớn nhưng học sinh, sinh viên ra trường tìm việc làm không dễ do yếu về kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ và thiếu kiến thức văn hóa, khả năng ứng xử, hiểu biết xã hội và tâm lý khách hàng.

Tại hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam và hội nhập khu vực", Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng lưu ý ngành du lịch về những điểm yếu chuyên môn và ngoại ngữ của nhân lực du lịch Việt Nam. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay, nhân lực du lịch Việt Nam phải đạt được ba tiêu chuẩn về tính tri thức, tính chuyên nghiệp và văn hóa ứng xử để có thể phấn đấu hoàn thành mục tiêu đón sáu triệu lượt khách quốc tế vào năm 2010. Những yếu kém của nhân lực du lịch còn thể hiện qua những con số như: trong đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế rất thiếu của du lịch nước ta, hiện vẫn còn đến 30% số hướng dẫn viên chưa đủ tiêu chuẩn cấp thẻ hành nghề; mới có 32% số lao động trực tiếp trong ngành du lịch sử dụng thông thạo tiếng Anh, 3,6% số lao động biết tiếng Trung Quốc, tỷ lệ nhân viên biết tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp còn thấp hơn nữa, mặc dù đây đang là các thị trường hàng đầu của Việt Nam. Ngay cả ở các cơ sở đào tạo hiện cũng chỉ có 22% số giáo viên thông thạo một ngoại ngữ và 4% số giáo viên sử dụng được hai ngoại ngữ. Ðây là con số quá ít so với yêu cầu cần thiết của ngành.

Tại một số khu vực, số lao động của doanh nghiệp nhà nước chưa qua đào tạo chiếm tới 50%, trong khối tư nhân thì cứ 10 người mới có một người được đào tạo. Bên cạnh đó, quy mô cơ sở đào tạo của du lịch nước ta còn quá nhỏ, nội dung giảng dạy nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành và còn chắp vá, chưa thật sự đồng bộ; cơ cấu đào tạo không cân đối giữa đào tạo nghề và đại học, giữa các ngành nghề trong từng bậc học và giữa các vùng du lịch.

Quản lý đào tạo, bồi dưỡng thể hiện sự lúng túng trong định hướng, chậm chễ trong thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Ðội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đào tạo thiếu, một bộ phận không nhỏ yếu về trình độ và năng lực; công tác thống kê và nghiên cứu khoa học không được quan tâm đúng mức, cho nên khó đưa ra các dự báo và điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Nâng cao chất lượng nhân lực đang thật sự là một thách thức cần nhanh chóng vượt qua để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của du lịch Việt Nam.

Ðể khắc phục các hạn chế nêu trên, ngành du lịch cần khẩn trương có những giải pháp tăng cường quản lý nhà nước, định hướng tốt và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch; tiêu chuẩn hóa một bước nhân lực du lịch ở các lĩnh vực, ngành nghề theo yêu cầu thực tế trong nước, phù hợp các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện hội nhập quốc tế về lao động du lịch; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch, bảo đảm sự cân đối giữa các cấp, bậc, ngành nghề đào tạo và phân bổ hợp lý giữa các vùng; nâng cao điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ giáo viên, chuẩn hóa chương trình đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào đào tạo, bồi dưỡng. Tổng cục Du lịch cần phối hợp các ngành triển khai hiệu quả những dự án về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch từ nguồn vốn trong nước và ngoài nước; tạo môi trường thuận lợi thông qua đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch.

NGUYỄN CƯỜNG