Đã có lúc, mọi người coi ý tưởng biến rác thành dầu của anh là hoang đường; thậm chí có lúc anh bị xem là “kẻ lừa đảo”. Còn giờ đây, khi cái xưởng nhỏ của anh đã cho ra những lít dầu thực sự từ rác, mọi người lại gọi anh là “kỹ sư hóa dầu”, cho dù anh mới chỉ học hết... lớp 6!
Thiếu tất cả, thừa ý chí!
Tiếp chúng tôi tại văn phòng tuềnh toàng của HTX Thương mại Đông Hải (Kiến An, Hải Phòng, nơi đặt dây chuyền hóa dầu), ngoài “ông chủ” Vũ Đức Hòa, năm nay 38 tuổi, còn có anh Phạm Hồng Điệp, bạn anh Hòa. “Chuyện ông Hòa thì dài lắm. Ông ấy đã mất rất nhiều bạn bè trong cái chuyện biến rác thành dầu này. Khi đó ai cũng gọi ông ấy là đồ khùng! Khó khăn, vất vả lắm ông ấy mới có được thành công như hôm nay. Tôi cũng như nhiều người không thể có được nghị lực như ông ấy.”
Còn anh Hòa, với gương mặt từng trải, chỉ nhỏ nhẹ: “Kết quả hôm nay, ít nhiều đã được mọi người thừa nhận. Nhưng hồi trước, tôi cùng gia đình khổ lắm. Ai cũng bảo mình lừa đảo. Làm gì có chuyện ép rác thành dầu được? Nhiều người nhìn tôi như một kẻ điên khùng…” .
Năm 1999, được bố mình là ông Vũ Hồng Khánh ủng hộ, anh Hòa bắt tay vào nghiên cứu việc tái chế lốp ô tô và cao su phế thải, từ suy nghĩ: nhựa và cao su vốn có nguồn gốc từ dầu mỏ, mình phải tìm cách để biến những chất phế thải này ngược trở lại với nguồn gốc của nó. Gần 3 năm nghiên cứu với 7 lần thử nghiệm về thiết bị, đến đầu năm 2002, dây chuyền máy móc phục vụ cho ý tưởng của anh Hòa được hoàn thiện.
Song song với việc đó là nghiên cứu chất phụ gia, một vấn đề mang tính cốt yếu cho việc chuyển đổi các thứ rác có nguồn gốc polymer thành dầu. Bởi phải có phụ gia để hóa lỏng và giữ ổn định độ bay hơi, đông đặc cho nhiên liệu.
Hơn 30 lần thí nghiệm, với khoảng10 lần bị bỏng hóa chất, cuối cùng hợp chất phụ gia cũng đã được anh Hòa chế ra. “Tôi nghĩ sao làm vậy. Cách đây khoảng 10 ngày, bố tôi đem về mấy cuốn sách nói về công nghệ hóa - lọc dầu và bảo tôi đọc, nhưng khó đọc lắm! Có lẽ trình độ lớp 6 của tôi không thể hiểu hết được, mà nhiều chuyện trong sách so với thực tế mình làm khác nhau nhiều lắm…” - anh Hòa nói.
Giữa năm 2002, khi đã thí nghiệm thành công về thiết bị cũng như chất phụ gia, anh cùng một người bạn chung vốn xây dựng một xưởng xử lý nhựa và cao su phế thải thành dầu đốt lò ở Đông Anh (Hà Nội). Dây chuyền này có công suất xử lý 2 tấn chất phế thải/ngày với tổng số vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ mới hoạt động một thời gian, xưởng bị cháy, anh Hòa “trắng tay” và quay về Hải Phòng… “Sau chuyện đó, tôi động viên Hòa rất nhiều. Nhờ sự giúp đỡ của các cụ cựu chiến binh trong HTX Thương mại Đông Hải, Hòa về dựng lại xưởng trong khuôn viên của HTX” - ông Khánh kể.
Mấy năm qua, để có tiền mua vật tư, thiết bị cho dây chuyền tái chế dầu, anh cùng xưởng cơ khí của gia đình bươn chải khắp nơi để gia công, lắp đặt máy móc thuê cho các phân xưởng, nhà máy lớn. “Kẹt tiền quá, hỏi vay mấy người bạn, họ cười và nhất định không cho vay khi biết mình sẽ dùng tiền đầu tư vào dây chuyền sản xuất dầu từ rác thải.” - Anh Hòa kể. Không vay được ai, anh bèn đem đồ đạc nhà mình đi cầm để lấy tiền cho công trình nghiên cứu.
Xưởng mới mua được chiếc Huyndai “bán tải” gần 200 triệu đồng, cần tiền quá, anh cùng đem cầm! “Chiếc Huyndai đó, tôi cầm đi cầm lại tới 8 lần. Đến tận bây giờ vẫn chưa lấy về được. Chắc phải để vài bữa nữa mới đủ tiền!” - anh Hòa nói. Chúng tôi hỏi: vì sao anh không đi vay tiền ngân hàng? Anh Hòa trả lời: “Từ sau khi hỏi vay bạn bè không được, tôi quyết tâm tự mình lo liệu tất cả. Nhất định không vay mượn gì ai. Nếu có tiền thì cái phân xưởng này đã có thể hoạt động vào cuối năm 2003 rồi…”.
Ròng rã hơn 2 năm, dây chuyền với công suất xử lý 5 tấn rác/ngày mới hoàn thiện được vào giữa năm 2005 này. Từ những túi nilông, bã nhựa đường, nhựa và cao su phế thải, dầu nhờn quá hạn sử dụng..., anh Hòa “xử lý” thành những lít dầu DO. Với 5 tấn rác mỗi ngày, dây chuyền của anh Hòa cho ra 4 tấn dầu và hầu hết lượng khí gas sinh ra trong quá trình hóa nhiệt nhiên liệu được tận dụng trở lại để đốt lò nung.
Mỗi ca làm việc chỉ cần 3-4 công nhân điều khiển các thiết bị. Do đang trong thời gian hoàn thiện công nghệ và chờ các cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng dầu do mình làm ra, hiện tại, anh Hòa chỉ bán lượng dầu này cho những chủ đốt lò gạch, ngói với giá 6.000 đồng/kg. Một phần lượng dầu làm ra, anh dùng để chạy máy phát điện và xe nâng hàng trong xưởng mình.
“Các chủ đốt lò đặt hàng nhiều lắm. Làm ra đến đâu bán hết tới đó. Nhưng vì chưa được kiểm nghiệm nên mình cũng phải hạn chế đối tượng bán. Chỉ sợ người xấu đem pha với dầu diezen bán cho khách hàng thì chết mình!” - anh Hòa nói.
Sẽ có nhà máy công suất lớn?
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hòa cho biết, anh và một người bạn đã quyết định chung vốn (hơn 10 tỷ đồng) xây dựng một xưởng sản xuất dầu từ rác mới ở khu An Đồng (cũng ở Kiến An) với công suất xử lý 20 tấn rác mỗi ngày. Hiện nay, nhà xưởng đang được xây dựng, các thiết bị máy móc cũng đang được chế tạo và đầu năm 2006 có thể đi vào hoạt động được.
Được biết, công nghệ xử lý, chế biến rác thành dầu không phải là mới đối với thế giới, nhưng đây được xem là công nghệ cao và giá thành của công nghệ này khá đắt. Mới đây, một công ty của Đức đã tới gặp anh Hòa chào hàng một dây chuyền tương tự của anh chế tạo và chuẩn bị lắp ráp ở An Đồng với giá hơn 80 tỷ đồng Việt Nam! Thế nhưng, tổng chi phí cho dây chuyền đang hoạt động hiện nay của anh Hòa chưa đến 5 tỷ đồng.
Chất phụ gia do anh Hòa chế tạo có giá 500 đồng/kg. Xử lý một tấn rác chỉ mất khoảng 50.000 đồng. Rác thải nhựa, cao su, túi nilông, được anh Hòa thu mua với giá 1.000 đồng/kg; dầu thải là 3.000 đồng/lít. Anh Hòa cũng dự tính sau khi phân xưởng ở An Đồng đi vào hoạt động anh sẽ lập dự án xin đất tại thành phố Hải Phòng để xây dựng một nhà máy có công suất xử lý 500 tấn rác/ngày. “Lâu dài, nếu đủ vốn và điều kiện, tôi sẽ mở một phân xưởng ở Hà Nội với công suất 500 tấn rác/ngày. Hà Nội là nơi có rất nhiều rác thải mà chúng tôi có thể tận thu, chế biến thành dầu được.” - Anh Hòa tâm sự.
Thông tin mới nhất chúng tôi có được, ngày 16-9 vừa qua, Phòng thử nghiệm hóa chất và vật liệu (thuộc Trung tâm Phụ gia dầu mỏ - Viện Hóa học công nghiệp) đã thông báo kết quả về mẫu thử đầu tiên từ sản phẩm dầu DO của anh Hòa. Trong 11 chỉ tiêu thử nghiệm, dầu DO của anh Hòa có 8 chỉ tiêu đã đạt yêu cầu. 3 chỉ tiêu còn lại: hàm lượng lưu huỳnh, cặn các-bon, hàm lượng nước và cặn chưa đạt yêu cầu.
Nhưng theo ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN Hải Phòng), thì các thông số này so với tiêu chuẩn không quá chênh lệch, vì vậy Sở KH-CN Hải Phòng đang đề nghị anh Hòa điều chỉnh lại chất phụ gia và các bước của công nghệ, nhằm đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn còn lại. Sắp tới, những mẫu dầu tiếp theo sẽ được gửi lên Hà Nội để tiếp tục kiểm định.
Ngoài việc giúp đỡ anh Hòa làm thủ tục kiểm định mẫu dầu và đăng ký chất lượng và bảo hộ sản phẩm, Sở KH-CN Hải Phòng cũng đang động viên và hỗ trợ kinh phí cho anh Hòa tham gia chợ công nghệ Techmart Việt Nam lần thứ 2 tổ chức ở TPHCM vào giữa tháng 10 tới.
Đứng trong xưởng cơ khí, bên đống thiết bị ngổn ngang, anh Hòa nói với chúng tôi: “Mình đang cố gắng gấp rút hoàn thành mô hình công nghệ thu nhỏ với kích thước 1x1,5 m. Vào hội chợ, mình sẽ cho dây chuyền thu nhỏ này hoạt động và sản xuất ra dầu từ rác như dây chuyền ở Hải Phòng này!”.
(Theo SGGP)
▪ Bộ sưu tập ấn triện vô giá (24/09/2005)
▪ Điêu khắc Chăm tại Bảo tàng Guimet (Paris) (24/09/2005)
▪ Dùng laser cai nghiện ma túy (24/09/2005)
▪ Bọ rầy tấn công Hà Nội (24/09/2005)
▪ Xử lý nước máy bị nhiễm bẩn ở TP Hồ Chí Minh (24/09/2005)
▪ Kiên quyết ngăn chặn nạn lâm tặc hành hung người bảo vệ rừng (24/09/2005)
▪ Thầy giáo “đường phố” (24/09/2005)
▪ 30/9 sẽ khởi công nhà máy nước Thủ Đức (24/09/2005)
▪ Biển Đông gió xoáy mạnh cấp 10 vì bão số 7 (24/09/2005)
▪ Đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy của ông Lê Minh Hoàng (24/09/2005)