Công chứng tư “kén” hợp đồng?
Các Website khác - 16/09/2008

Đến nay, cả nước có hơn 30 Văn phòng công chứng tư (VPCC) đi vào hoạt động. Đây là bước đột phá trong việc xã hội hoá các hoạt động hành chính tư pháp, tạo thuận lợi cho nhân dân. Tuy nhiên, bước đầu cũng đã có những phàn nàn về hoạt động này.

Người dân đang yêu cầu công chứng tại VPCC Hà Nội, địa chỉ A38 phố Hoàng Ngân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Lê Quang)

Vẫn còn tâm lý “Nhà nước”

Theo quy định của Luật Công chứng thi hành từ 1/7/2007, không có sự khác nhau về giá trị pháp lý của Văn phòng công chứng và Phòng công chứng. Khác biệt duy nhất là Phòng công chứng được sự “bảo trợ” về tài chính của Nhà nước, còn Văn phòng công chứng thì cá nhân phải tự chủ tài chính. Tuy nhiên, với tâm lý vẫn mang nặng “cái gì thuộc về Nhà nước thì yên tâm hơn”, nên người dân vẫn còn e ngại khi đến với các VPCC.

Trao đổi với PV, TS. Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp (Bộ Tư pháp), Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động công chứng cho rằng, luật đã quy định quyền và nghĩa vụ của các công chứng viên như nhau nên họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các văn bản pháp lý mà mình đã “chứng”. Giá trị pháp lý của các văn bản trên trước cơ quan tố tụng là như nhau. “Không có điều gì phải lo ngại. Người dân phải thay đổi nếp nghĩ, thói quen đó. Bởi tới đây, mô hình Văn phòng công chứng sẽ là mô hình thay thế cho các Phòng công chứng hiện nay”, ông Thất cho biết.

Ông Phan Tự Phương, ngõ 12 Tông Đản (Hà Nội), cán bộ của một công ty nhà đất bày tỏ quan điểm: “Tôi vẫn thích đến Phòng công chứng hơn, dù cũng rất mệt mỏi. Trước ngày 1/8, dấu của Phòng công chứng có hình quốc huy còn VPCC thì không, nhìn bề ngoài đã thấy có vẻ yên tâm. Bây giờ, tuy các Phòng công chứng mới đổi dấu giống VPCC, nhưng tôi vẫn công chứng văn bản tại các Phòng công chứng”.

Ông Bùi Huy Văn, ngõ 44, phố Vũ Trọng Phụng (Quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho rằng, một số cán bộ VPCC mới ra trường được nhận ngay vào làm việc, nên kinh nghiệm thẩm định hồ sơ, giấy tờ chưa có nhiều, không cẩn thận là sơ hở để các đối tượng lừa đảo lợi dụng, đặc biệt với các giao dịch là động sản và bất động sản đang có tranh chấp, khiếu kiện. “Một lý do đơn giản là các VPCC vẫn chưa có hệ thống kết nối với các cơ quan tố tụng về những động sản và bất động sản bị hạn chế giao dịch hoặc cấm giao dịch”, ông Văn phân tích.

Phí ngoài hợp đồng quá cao

Trước sự phát triển nhanh chóng của các VPCC, Bộ Tư pháp sẽ xúc tiến thành lập Hiệp hội Công chứng Hà Nội vào năm 2009 và Hiệp hội Công chứng toàn quốc vào năm 2010.

Trao đổi với PV, công chứng viên Đào Anh Dũng - Trưởng Văn phòng công chứng Ba Đình, số 3C, đường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, khó khăn lớn của các VPCC là hệ thống thông tin về công chứng hiện nay với kho dữ liệu khá nghèo nàn, gây khó khăn cho việc nắm bắt thông tin, xử lý các giao dịch.

Ông Dũng chia sẻ: “Chúng tôi không được tiếp cận các thông tin mang tính chính thức về các tài sản là động sản, bất động sản bị hạn chế giao dịch  hoặc cấm giao dịch từ các cơ quan như toà án, viện kiểm sát, công an hay thi hành án dân sự. Do đó, nếu sơ suất thì việc bồi thường tiền tỉ là cái chắc. Rủi ro quá lớn”.

Ông Dũng hiến kế, Vụ Hành chính Tư pháp và các cơ quan như Sở Tư pháp các tỉnh và hệ thống công chứng cả nước (hoặc ít ra từng địa phương) cần có một hệ thống thông tin kết nối về các loại giao dịch đã được công chứng hoặc không đủ điều kiện công chứng, từ đó biết mà tránh. Cũng cùng luồng ý kiến trên, ông Trần Công Trục - Trưởng Văn phòng công chứng Thăng Long (54 Trần Nhân Tông, Hà Nội) - “bật mí”: “Có trường hợp đi công chứng nơi khác không được, quay về Văn phòng chúng tôi đề nghị công chứng, nhưng bị từ chối. Họ tưởng mình mới mở nên không nắm được thông tin về giao dịch đó. Rất may chúng tôi lại biết”.  

Giải toả những lo ngại này, ông Phạm Thanh Cao - Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết: Kho cơ sở dữ liệu này đang được Sở Tư pháp triển khai nhanh chóng trong thời gian tới, để tạo điều kiện tối đa cho các công chứng viên khi thực hiện công việc của mình.

Tuy mới đi vào hoạt động, bên cạnh sự thuận lợi mà các VPCC mang lại, đến nay cũng đã có những phàn nàn của nhân dân về một số VPCC. Chị Mai Thuý, phố Giảng Võ, Hà Nội, kể lại: “Nhà tôi ở nội thành, cách một VPCC khoảng 4km, tôi có đề nghị văn phòng đến nhà công chứng giúp một hợp đồng đơn giản, đã đầy đủ giấy tờ thủ tục. Nhưng khi đến làm việc, họ đòi giá là 1.200.000đ vì còn phải chi phí đi ôtô, làm ngoài giờ hành chính... Giá như vậy là quá cao, dù tôi biết đây là “thoả thuận ngoài hợp đồng” không nằm trong quy định tại thông tư 93 về lệ phí công chứng”.

Trường hợp khác là ông NĐT (đề nghị giấu tên), trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, khi mang sổ đỏ ra công chứng tại một Văn phòng công chứng thì nhận được thái độ khá thờ ơ của nhân viên. “Đáng lẽ ra, họ có thể từ tốn giải thích cho chúng tôi công chứng sổ đỏ thì về phường, chứ không nên có thái độ thờ ơ như thế”-  ông T góp ý.

Một hiện tượng mà không ít người dân kêu ca là với những hợp đồng, giao dịch có giá trị không cao, số phí thu thấp, nên có VPCC không muốn “chứng” bằng cách để cán bộ giải thích lằng nhằng, khó hiểu buộc khách hàng phải... ra về.

Được biết, trước những bất cập này, trong tuần tới, Bộ Tư pháp sẽ làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội và tiến hành kiểm tra hoạt động của một số VPCC nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, cũng như chấn chỉnh hoạt động nếu họ có biểu hiện chưa thực hiện đúng quy định.

Các Phòng công chứng và VPCC thực hiện công chứng các loại văn bản giấy tờ sau đây: Hợp đồng, giao dịch dân sự, thừa kế, di chúc, giấy tờ uỷ quyền các loại...

UBND cấp xã, phường thực hiện chứng thực các loại giấy tờ như: Thực hiện sao y bản chính các loại giấy tờ như văn bằng, chứng chỉ, lý lịch tư pháp, chứng minh thư nhân dân, sổ đỏ, sổ hồng, bản vẽ thiết kế...

Theo Hồng Sơn
gdvaxh