TP.HCM: Hơn 10 năm nữa mới giảm kẹt xe?
Các Website khác - 16/09/2008
 Đề cập đến vấn nạn kẹt xe, hầu hết các cơ quan chức năng đều có cái nhìn lạc quan khi dựa vào quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, TP sẽ thoát khỏi nạn kẹt xe nhờ vào hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn.

Tương lai gần: Nhờ xe buýt?

Theo quy hoạch giao thông TP đã được Thủ tướng phê duyệt, trong giai đoạn ngắn hạn (2008-2010), xe buýt sẽ là phương tiện vận chuyển hành khách chủ lực. Toàn TP hiện có khoảng 3.200 xe buýt, mỗi ngày vận chuyển khoảng 1 triệu lượt hành khách với 151 luồng tuyến.

 

Người dân chưa thể biết đến bao giờ các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mới hết nạn kẹt xe? Ảnh nguồn tin247.com

Sở GTVT cho rằng, nếu khách tăng gấp 3 lần, xe buýt vẫn đủ sức đáp ứng nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nếu hoàn chỉnh hệ thống luồng tuyến, xe buýt cũng chỉ đáp ứng tối đa 30% nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện nay, tỉ lệ người đi xe buýt mới được từ 6% - 7% - con số này quá thấp so với chỉ tiêu 25% - 30% vào năm 2010. Những lỗ hổng mà xe buýt đang mắc phải, nhất là việc bố trí luồng tuyến không hợp lý và chất lượng phục vụ kém, khiến nhiều người ngại sử dụng phương tiện này.

Trong khi mức độ trùng lắp luồng tuyến xe buýt hiện nay tại TP đến 65% thì nhiều người muốn đi xe buýt lại không tìm thấy luồng tuyến phù hợp. Vì lẽ đó mà sinh ra sự chênh lệch quá lớn giữa xe buýt (4,5%) và xe gắn máy (79%) lưu thông trên đường phố. Với tình hình như vậy, người dân vẫn phải chấp nhận "làm bạn" với nạn kẹt xe hằng ngày.

Tương lai xa: Nhờ vận tải hành khách khối lượng lớn!

Tương lai gần nhờ vào xe buýt nhưng đến giai đoạn trung và dài hạn (2010-2015-2020), khi mạng lưới đường sắt đô thị bắt đầu hình thành, xe buýt sẽ chuyển dần từ vai trò “vận chuyển chủ lực” sang “vận chuyển thu gom”.

Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020, dự kiến TP có khoảng 48 tuyến xe buýt chính và 210 tuyến xe buýt thứ cấp phục vụ thu gom hoạt động trong ngày. Khả năng chuyên chở của toàn hệ thống xe buýt sẽ đạt khoảng 3 triệu lượt người/ngày với khoảng 6.530 xe.

Tại thời điểm đó, dân số TP đạt khoảng 10 triệu người với khoảng 6 triệu người sống ở nội đô. Trong ngày, sẽ có khoảng 17 triệu lượt người đi lại tính từ đường vành đai 2 trở vào. Như vậy, mạng lưới xe buýt chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu đi lại.

Vì thế, hệ thống xe buýt nội đô không thể và không phải là phương tiện vận chuyển khối lượng lớn để có thể đảm nhận vai trò chính trong vận tải hành khách công cộng, mà chỉ có vận tải hành khách khối lượng lớn như metro hoặc đường sắt nội - ngoại ô mới đảm nhận nổi vai trò này.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, quy hoạch phát triển GTVT của TP cũng đã đề ra mục tiêu xây dựng 6 tuyến metro, 3 tuyến xe điện mặt đất và 4 tuyến đường trên cao. Tuy nhiên, trong tất cả những dự án trên, hiện mới chỉ có dự án đường trên cao số 1, tuyến xe điện mặt đất số 1 (đi dọc theo đại lộ Đông Tây) và tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên là rục rịch khởi động.

Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, đến năm 2015, mới chỉ có tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên hoàn thành, chỉ giải quyết phần nào chuyện đi lại của người dân TP, còn nạn kẹt xe vẫn không thể giảm. Tuy quy hoạch TP đã có nhưng lộ trình để đạt được mục tiêu thì dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

Chính một vị lãnh đạo của ngành giao thông cũng băn khoăn: Trong vòng 10 năm nữa, cũng chưa thể biết là TP đã hết kẹt xe hay chưa?

Theo nguoilaodong