Chỉ với vẻn vẹn 8m2, nơi đây vừa là chỗ ngủ, chỗ nấu ăn và nghỉ ngơi của hai chị em Bùi Thị Nga, quê Vĩnh Phúc. Khi có khách, đồ đạc phải chuyển tạm ra sân để lấy chỗ ngồi. Tuy nhiên, đó cũng không phải là điều khách trọ lo ngại nhất, nếu so với tình trạng trộm cắp thường xuyên diễn ra ở khu vực này.
Căn phòng của Nga chỉ là một trong số 7 phòng tương tự mà các công nhân khác thuê của gia đình chị Thảo thôn Bầu, huyện Đông Anh, Hà Nội. Mỗi phòng giá thuê 200.000-300.000 đồng, thường có 2 đến 4 người ở.
Làm việc tới 12 giờ một ngày, nhưng thu nhập mỗi tháng 900.000 của chị em Nga chỉ đủ để thuê căn phòng nhỏ với giá 200.000 đồng. Phòng nhỏ, việc ăn ngủ sinh hoạt đều diễn ra trên độc chiếc gường choán tới 1/2 diện tích căn phòng. Hằng ngày, hai chị em Nga không gặp mặt nhau vì họ làm khác ca. "Lúc nào mà hai chị em cùng ở nhà thì va nhau chan chát. Em cũng muốn ở phòng rộng hơn song thu nhập thấp, đành phải chấp nhận thế này", Nga bày tỏ.
![]() |
Mọi sinh hoạt diễn ra trong căn phòng gần 10 m2. Ảnh: Đ.L. |
Cạnh phòng Nga là vợ chồng Thắm (quê Thái Nguyên). Hai bạn trẻ cùng quê, gặp nhau trong khu công nghiệp và trở thành vợ chồng. Dù vậy mọi đồ đạc trong nhà cũng không khác gì phòng của chị em Nga. "Chỗ này chật chội, bẩn thỉu lắm không biết khi có con bọn em sẽ phải xoay sở thế nào?" Thắm lo lắng.
Sát hông nhà rác thải tràn lan, mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Nga cho hay, từ lâu các cô đã phải sống chung với rác. Thi thoảng mới có người đến thu gom nên rác thường chất thành từng đống. Thu Hiển, sinh năm 87, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên làm việc ở Công ty TNHH Hoya Glass gần 1 năm song đã phải chuyển nhà tới 4 lần. Cô cho hay, lần thì bị mất trộm, lần thì gặp phải nơi ồn ào. Cô đành lòng chấp nhận thuê căn phòng chỉ rộng 10m2 với 2 chị đồng hương. Theo Hiển, công nhân làm việc ở khu công nghiệp Thăng Long ngày càng nhiều nên giá nhà ở khu vực này tăng cao. Tìm được căn phòng có thể ở tạm cũng không phải là dễ dàng.
Dân cư đông, gánh nặng cơ sở hạ tầng đổ cả lên chính quyền xã. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Kim Chung, cho hay, những bãi rác quanh xã quá tải, mỗi ngày có thêm vài tấn rác thải mà không có nơi chứa. Tiêu thoát nước không đảm bảo nên đường làng luôn trong cảnh úng ngập. Ngành điện đã nâng công suất song giờ cao điểm vẫn quá tải.
"Ngân sách xã eo hẹp nên không thể xây dựng hạ tầng cơ sở, chỉ chờ đợi thành phố. Chúng tôi đang chờ đợi dự án xây nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp", ông Hải nói.
Tuy nhiên, dự án mà ông Hải nhắc tới vẫn nằm trên giấy sau 2 năm khởi động. Theo chủ đầu tư là Công ty Đầu tư xây dựng Hà Nội, doanh nghiệp sẽ xây dựng 2 khối nhà 6 tầng cùng nhiều công trình công cộng như nhà trẻ, trung tâm thương mại, thể dục thể thao dành cho công nhân. Hiện dự án này vẫn chưa được thành phố giao đất thực hiện.
Điều mà những công nhân ở trọ lo ngại là tình trạng mất trộm liên miên. Tháng trước, chiếc xe đạp mới mua của Nga không cánh mà bay. Một người bạn khác đến chơi cũng bị mất xe máy. Một số phòng thường xuyên bị trộm cậy cửa khi các cô đi vắng. Khu nhà tắm chung lại là địa chỉ ghé thăm thường xuyên của dân nghiện. "Ở đây chúng em luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo lắng nhưng thu nhập thấp nên vẫn đành phải chấp nhận", Thắm bức xúc. Quần áo của công nhân thường xuyên bị mất trộm. Ảnh: Đ.L.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng công an xã Kim Chung, trên địa bàn có khoảng 5.000 công nhân tạm trú. Dân cư đông, tập trung ở thôn Bầu nên tình hình an ninh rất phức tạp. Từ Tết Nguyên đán đến nay rộ lên tình trạng mất xe máy, xe đạp. Song hành với đó là tệ tiêm chích, cờ bạc. Chỉ hơn một tháng, tại đây đã xảy ra gần10 vụ mất xe máy, công an xã đã bắt giữ được 3 kẻ trộm, thu về 3 xe máy. "Phần lớn là người từ các xã lân cận đến trà trộn lấy cắp, còn lại là công nhân đã từng ở trọ thông thuộc địa bàn quay trở lại trộm cắp" ông Tùng cho hay.
Hiện việc quản lý nhân khẩu ở đây rất phức tạp vì 30% hộ dân trong xã có nhà cho thuê không tự giác khai báo tạm trú cho công nhân. Trong khi đó, lực lượng công an xã chỉ vẻn vẹn 9 người. "Lẽ ra phải thêm 5 công an nữa nếu tính tỷ lệ trên số dân. Chúng tôi đã xin thêm người song chưa được cấp trên chấp thuận", ông Tùng nói.
Đoàn Loan
▪ Gặp mặt phụ nữ quốc tế tại Hà Nội (08/03/2006)
▪ Triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (09/03/2006)
▪ Chế độ đối với người bị tai nạn khi thực hiện nghĩa vụ lao động công ích (09/03/2006)
▪ Ẩm thực Việt Nam nổi tiếng khắp châu Á (09/03/2006)
▪ Làng dao kéo lập website, mở tour du lịch (09/03/2006)
▪ Gặp mặt bạn đọc quận Hai Bà Trưng với báo Nhân Dân (08/03/2006)
▪ Quá tải ở Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu (09/03/2006)
▪ Nghĩa tình Trường Sơn (09/03/2006)
▪ Cam kết từ thương trường (09/03/2006)
▪ Huyền bí châu Phi (09/03/2006)