Công tác cai nghiện gặp ‘khó’ về thể chế
Báo Tiếng chuông - 18/04/2017
Hiện nay các văn bản hướng dẫn việc quản lý người nghiện ma tuý và cai nghiện ma tuý đã được ban hành tương đối đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn những nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc thực hiện ở các địa phương không thống nhất.

 

Điều trị cho học viên cai nghiện ma tuý tại một trung tâm cai nghiện

 

Theo Văn phòng Chính phủ, năm 2016, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định trong lĩnh vực cai nghiện ma tuý, đó là: Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử ký hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (thay thế Nghị định số 96/2012/NĐ-CP). 

Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản trên đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện tại địa phương, rút ngắn thời gian, đơn giản hoá thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; quy định cụ thể việc chấm dứt giáo dục tại xã, phường; giảm thủ tục, điều kiện thành lập cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc methadone; giảm thủ tục hành chính trong đăng ký điều trị methadone…

Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma tuý vẫn còn một số khó khăn, tồn tại về thể chế. Cụ thể, về Luật, đó là việc cai nghiện cho người nghiện ma tuý từ 12 đến dưới 18 tuổi và công tác quản lý sau cai nghiện.

Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 quy định: “Người nghiện ma tuý từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đã cai nghiện tại gia đình cộng đồng mà vẫn còn nghiện thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và không coi là biện pháp xử lý hành chính”. Trong kho Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cai nghiện bắt buộc cho người nghiện trên 18 tuổi…Do vậy, có áp dụng biện pháp đưa người dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nữa hay không đến nay còn có ý khiến khác nhau giữa các cơ quan gây khó khăn cho địa phương.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma tuý quy định áp dụng biện pháp quản lý sau cai đối với người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính không đề cập đến vấn đề này dẫn đến lung túng trong tổ chức thực hiện.

Về Nghị định, việc xác định người không nơi cư trú ổn định, bàn giao người về nơi cư trú để lập hồ sơ và quản lý người trong thời gian xác định nơi cư trú: Nghị định số 56/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 111 quy định “người không có nơi cư trú ổn định là người không xác định được nơi đăng ký thường trú, nơi đăng ký tạm trú  mà thường xuyên đi lang thang không có nơi ở cố định hoặc xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú nhưng không ở đó mà thường xuyên đi lang thang không có nơi ở cố định”. Trong khi không có tiêu chí cụ thể thế nào là thường xuyên đi lang thang dẫn đến cách hiểu và vận dụng pháp luật khác nhau ở các địa phương.

Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định: trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, Nghị định chưa quy định hình thức chuyển, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chuyển người vi phạm.

Về Thông tư, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, phải có tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy. Tuy nhiên thực tế việc xác định tình trạng nghiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn: Số chất ma túy được quy định (khoảng 250 chất) lớn hơn rất nhiều quy định tại Thông tư 17 (chỉ quy định 2 chất là chất dạng thuốc phiện và chất dạng Amphetamine); tiêu chuẩn xác định nghiện chất dạng Amphetamine và quy trình xác định nghiện ma túy quy định tại Thông tư 17 không phù hợp với thực tiễn, trong đó có việc cần có thời gian để xác định nghiện (48 giờ đối với người xác định nghiện OPIAT và 72 giờ đối với người xác định nghiện ATS).

Do đó, trong thời gian tới, việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực cai nghiện ma tuý là rất quan trọng, đặc biệt là các Bộ, ngành cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma tuý theo hướng bổ sung Chương can thiệp dự phòng nghiện ma tuý theo chuẩn quốc tế, sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện theo hình thức cung cấp dịch vụ, bãi bỏ cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi và quản lý sau cai; sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính; ban hành Nghị định về cai nghiện tự nguyện; ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.