Ăn ngủ với đá
Quê ở Bắc Giang, theo gia đình vào miền Nam từ nhỏ, thuở đi học, ông Đinh Công Phương và người bạn Nguyễn Hữu Châu (họa sĩ tốt nghiệp thủ khoa Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn) thường hay rủ nhau lang thang đây đó. Có một thời gian dài ông sống bằng nghề khai thác lâm sản. Trong những lần đi rừng, ông Phương đã bắt gặp nhiều hòn đá đẹp mê hồn và đã gom góp chúng lại. Phải lần mò dưới suối, chui vào từng lùm cây, bụi cỏ... ở nhiều vùng quê khác nhau để tìm đá. Năm nào ông cũng bỏ vài tháng đi tìm đá và sẵn sàng bỏ tiền tìm mua những viên đá đẹp.
Quãng thời gian từ năm 2000 - 2004, tại vùng cao nguyên Bảo Lộc, cà-phê rớt giá thê thảm, người dân vùng này không biết làm gì để kiếm sống. Đi đâu, ông cũng thấy cảnh hoang tàn của những vườn cà-phê bị đốn hạ, người người bỏ xứ đi làm thuê. Ông chợt nghĩ ra việc tạo công ăn việc làm bằng cách chỉ cho họ vào suối, vào rừng lấy những hòn đá đẹp, có bao nhiêu đá họ mang về ông mua lại hết. Viên đá nào đẹp ông đem trưng bày, còn viên xấu ông làm kè, lát vỉa hè, lối đi. Ông còn chỉ cho họ cách để nhận biết những hòn đá có giá trị và chưa đầy một năm sau, cả cái làng này trở thành những người sành chơi đá.
Đến "vương quốc" của đá
Sau nhiều năm cất công tìm kiếm, năm 2000, một công viên đá rộng 5 ha được hình thành cạnh cầu Đại Nga (Lộc Nga, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng), cách TP Đà Lạt 100 km và TP Hồ Chí Minh 200 km.
Thả bộ trong công viên, du khách bị choáng ngợp bởi trên 1.200 tác phẩm đá lớn, nhỏ được ông sắp đặt ở tất cả các vị trí tạo nên một không gian tĩnh lặng. Những căn nhà sàn của người dân tộc được ông "đưa từ" ở khắp nơi về. Ở đây còn có những căn nhà mà cột kèo được làm bằng những cây cà-phê mít trên trăm năm tuổi. "Thời kỳ đó hàng trăm ha cà-phê bị đốn hạ, tôi thấy tiếc quá nên mua về, ít ra thì nó cũng được lưu giữ lại như một kỷ niệm" - ông nói. Dẫn chúng tôi đi thăm phía sau công viên, ông Phương cho biết: "Bãi đá này là nơi trước đây các chủ đồn điền người Pháp, người Việt thường tổ chức vui chơi, đãi tiệc ngoài trời. Có lần họ mời được cả vua Bảo Đại tham dự. Bãi đá ấy, bây giờ người ta vẫn gọi là bãi đá Bảo Đại".

Ông Phương còn trang trí thêm bốn chiếc xe hơi cổ, một bộ cánh cửa sắt đẹp nhất Đông Dương khoảng 100 năm tuổi (ông mua được trong một lần chủ nhân phải di dời nhà để mở rộng lộ giới), những chiếc bánh xe ngựa vùng Bảo Lộc, Đà Lạt xưa... cho khu vườn đá thêm cổ kính và thấm đẫm chất Tây Nguyên.
Ông Himito - một du khách Nhật Bản kể: "Tôi đã đi nhiều nơi ở Nhật, Trung Quốc, nhưng chưa thấy nơi nào có Công viên đá thú vị như thế này. Đặc biệt ông chủ rất mến khách , tôi xin được ở lại vài ngày, ông ấy đồng ý ngay. Tôi ở đây đã 3 ngày rồi".
Điều thú vị của khu công viên này là một dòng thác ngày đêm tuôn chảy ngay trên đỉnh đồi, dù vị trí của nó cách xa con sông hơn 100 m. Đây là hiện tượng hiếm thấy ở xứ cao nguyên. Ông lấy mẫu nước mang về xét nghiệm ở TP Hồ Chí Minh cho kết luận: "Đạt tiêu chuẩn nước khoáng đóng chai".
Sắp tới, ông sẽ mời vài hộ người dân tộc về đây cùng hợp tác để làm du lịch. Dự định của ông là sẽ tạo nên một làng ẩm thực giới thiệu các món ăn của người dân tộc "Tôi đang muốn lập một bảo tàng đá. Tôi cũng dự định liên kết xây dựng vườn dưỡng sinh yoga, kết hợp thành lập một trung tâm dinh dưỡng dành cho những người dưỡng bệnh" - ông nói.
Mỗi hòn đá đều tiềm ẩn linh hồn, khi nhìn vào những viên đá, tôi linh cảm tới những sinh linh đang sống hiện hữu trên cõi đời này. Có rất nhiều du khách đến đòi mua lại những viên đá này với giá hàng chục nghìn USD nhưng tôi không bán vì với tôi, chúng quý hơn bất cứ thứ gì.
|
|