Dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng ở các châu lục
Các Website khác - 18/02/2006
Nhiều nước trên thế giới tiếp tục phát hiện có các ổ dịch cúm gia cầm, cho thấy bệnh dịch nguy hiểm này có nguy cơ lan rộng, nếu không có các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả.
Ngày 14-2, các quan chức thú y Iran cho biết, kết quả xét nghiệm 135 con thiên nga bị chết tại tỉnh Gilan cho thấy có phản ứng dương tính với virus H5 gây bệnh cúm gia cầm. Cùng ngày, các quan chức Azerbaizan cũng khẳng định một con thiên nga bị chết vì nhiễm virus H5N1, trong khi sáu con chim di trú bị chết vì nhiễm virus H5. Trước đó, Bộ Nông nghiệp Nga thông báo đã phát hiện các trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 mới ở chim hoang dã tại hai khu vực miền nam nước này là Krasnoda và Daghestan. Bộ Y tế Áo cho biết, xét nghiệm bước đầu virus cúm gia cầm H5N1 ở hai con thiên nga bị chết tại khu vực gần thành phố miền nam Grad đã cho kết quả dương tính. Nếu được khẳng định, thì đó là những trường hợp nhiễm virus H5N1 đầu tiên ở nước này. Ðồng thời, người phát ngôn Bộ Nông nghiệp Ðức thông báo, dịch cúm gia cầm đã có dấu hiệu xuất hiện ở nước này và ngành nông nghiệp Ðức đã phải bàn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây lan tại đây. Virus cúm gia cầm H5N1 cũng tái xuất hiện ở Ru-ma-ni, sau khi được phát hiện những con gia cầm ở một ngôi làng tại khu vực miền đông nam. Ðây là địa phương thứ 31 ở Ru-ma-ni có xuất hiện virus cúm gia cầm kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên hồi tháng 10-2005. Báo chí Slovenia đưa tin, có thêm một số thiên nga chết được tìm thấy ở cùng khu vực. Tại Croatia, người ta cũng đang chờ kết quả xét nghiệm cúm gia cầm đối với tám con thiên nga hoang dã bị chết gần đây.

Tại châu Phi, sau khi phát hiện dịch cúm gia cầm bùng phát ở Nigeria, giới chức nước này đã cho tiêu hủy hàng chục nghìn gia cầm tại trang trại có ổ dịch cúm gia cầm đầu tiên ở lục địa đen, nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng. Dịch cúm gia cầm có dấu hiệu lan nhanh tại các trang trại gia cầm ở bang miền bắc Kano. Ðã có 40 trang trại trong vòng bán kính 60 km ở bang này thông báo có gia cầm chết do nghi nhiễm H5N1. Một ổ bệnh nghi là cúm gia cầm vừa được phát hiện tại một trang trại ở bang Kassina và bang này có thể nhanh chóng trở thành ổ dịch cúm gia cầm thứ tư ở Nigeria. Các bác sĩ Nigeria cũng đang kiểm tra mẫu máu hai em bé nghi nhiễm cúm gia cầm và nếu kết quả xét nghiệm khẳng định chúng nhiễm virus H5N1 thì đây sẽ là những người bệnh cúm gia cầm đầu tiên ở châu Phi.

Số người chết vì cúm gia cầm ở châu Á tiếp tục tăng. Kết quả xét nghiệm từ phòng thí nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Hồng Công xác nhận những người Indonesia chết trong các ngày 9,10 và 12-2 vừa qua là do nhiễm virus H5N1, đưa tổng số người chết do nhiễm virus này ở Indonesia lên 18 trường hợp.

Trong khi đó, giới y học thế giới tỏ ra lo ngại trước dấu hiệu virus cúm gia cầm có biểu hiện kháng thuốc Tamiflu, loại thuốc duy nhất hiện có để chống virus H5N1. Tamiflu ngăn cản sự tái tạo của virus H5N1, giảm nguy cơ tử vong của các bệnh nhân bị nhiễm loại virus nguy hiểm này. Theo giám đốc viện quốc gia về các bệnh lây cho Nam Phi, giáo sư Xcho-áp, mặc dù sự kháng thuốc này rất hiếm và mang tính cục bộ, nhưng đó là một điều rất đáng lo ngại. Nếu tình trạng kháng thuốc này trở nên phổ biến hơn, thì thế giới sẽ mất loại thuốc duy nhất điều trị hiệu quả cho những người bị nhiễm cúm gia cầm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, các nước vùng Ma-grép có chung đường biên giới, hoặc nằm gần Nigeria như Algeria, Ma-rốc, Mauritania, Lybia và Tunisia đã khẩn cấp đề ra "chương trình hành động chung", theo đó các nước này sẽ tăng cường công tác kiểm tra các đường biên giới phía nam Ma-grép, sử dụng kỹ thuật chẩn đoán bệnh hiện đại tại các cửa khẩu; tăng cường kiểm soát bệnh cúm theo mùa (cúm thông thường) và mở rộng việc tiêm vaccine, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi và buôn bán gia cầm. Các nước cũng sẽ tích cực hợp tác trong các nỗ lực điều tra và phân tích, soạn thảo một chiến lược thông tin chung về bệnh dịch cúm gia cầm.

Các nước châu Âu xác nhận có cúm gia cầm như Hy Lạp, Slovenia và Italy đang khẩn trương triển khai các biện pháp chung của EU phòng chống dịch bệnh này. Ru-ma-ni đã tiêu hủy hơn 120 nghìn gia cầm kể từ khi phát hiện trường hợp cúm gia cầm đầu tiên. Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, sẽ tăng cường các biện pháp phòng ngừa như kéo dài lệnh cấm nuôi gia cầm thả rông nếu cần thiết. Croatia cũng vừa ra lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ các nước châu Âu. Ủy ban An toàn thực phẩm và Bảo vệ sức khỏe động vật của EU dự kiến nhóm họp để bàn biện pháp đối phó cuộc khủng hoảng cúm gia cầm ở châu Âu hiện nay. Hiện nay, ở các quốc gia đã bị nhiễm cúm gia cầm, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu chính phủ các nước EU lập khu vực bảo vệ trong phạm vi ba km, tại đây các đàn gia cầm phải được nhốt trong chuồng và tạo "vành đai theo dõi" 10 km bao quanh các điểm phát hiện có virus H5N1. Ðể thực hiện được việc này, EC nhấn mạnh các quốc gia EU cần hợp tác chặt chẽ với nhau trong một hành động chung.

Trong khi đó, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của LHQ (FAO) đã đánh giá những biện pháp kiểm soát cúm gia cầm của Italy là "rất hiệu quả" và đáng để các nước khác học tập. Ngoài việc khuyến cáo dân chúng không tiếp xúc với các con chim trời bị chết, mở số điện thoại xanh để tiếp nhận thông tin và trả lời các câu hỏi của nhân dân về cúm gia cầm, nhà chức trách Italy còn yêu cầu các trang trại chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các quy định vệ sinh dịch tễ và nhốt gia cầm để chúng không tiếp xúc với các loài chim hoang dã.

Trong bối cảnh virus cúm gia cầm H5N1 đã vượt ra khỏi ranh giới giữa các châu lục, trở thành mối đe dọa toàn cầu, các chuyên gia y tế tham dự Hội nghị chuyên đề về cúm gia cầm ngày 11-2 ở Singapore cho rằng, các bệnh viện cần tăng cường khả năng điều trị, nâng cao trách nhiệm lương y và tổ chức tập huấn để chuẩn bị đối phó nguy cơ xảy ra đại dịch cúm gia cầm ở người. Cùng với việc mua sắm thêm máy hô hấp cấp cứu, trang bị phương tiện bảo hộ cho nhân viên y tế, các bệnh viện cần triển khai thêm các phòng cách ly trong trường hợp khẩn cấp và giải quyết các vấn đề tương tự khác. Các chuyên gia còn cho rằng, đại dịch cúm gia cầm ở người sẽ nguy hiểm hơn dịch viêm đường hô hấp cấp SARS, bởi vì SARS về cơ bản là bệnh phổi, trong khi virus cúm gia cầm tác động đến cả thận và các cơ quan nội tạng khác. Theo giám đốc dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Singapore K.Sacunanathan, mặc dù nhiều quốc gia đang cố gắng tiêu hủy và tiêm phòng vaccine cho gia cầm nhưng virus H5N1 đã "cố thủ" ở châu Á và vì thế sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể diệt trừ tận gốc H5N1 ở khu vực này.