Họ cho biết: "Chúng tôi rất khổ, ngày nào cũng phải đối mặt với nhiều loại chất thải. Cần sớm thay đổi cách thức quản lý, khắc phục sự ô nhiễm để không ảnh hưởng đến hành khách và môi trường chung của cộng đồng. Bởi, xe lửa là một phương tiện được nhiều hành khách đường dài lựa chọn, bởi sức chứa người và hàng rất lớn. Mỗi dịp lễ, Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng gấp bội, do tính tiện lợi của giao thông đường sắt về các mặt như ăn uống và sinh hoạt tại chỗ, phù hợp túi tiền của người dân. Những năm gần đây, ngành đường sắt đã có những cố gắng trong việc cải thiện cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn an ninh trật tự, nâng cao năng lực điều hành rút ngắn thời gian chạy tàu... Theo đó, số lượng chuyến tàu tăng theo mỗi năm, đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Tuy nhiên, nhiều đoạn trên tuyến đường sắt bắc - nam hiện vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Các chất thải như hộp đựng thức ăn, đồ uống, vật liệu bao bọc hàng hóa bằng những chất khó phân hủy vứt bỏ tràn lan dọc theo hành lang đường tàu gây mất mỹ quan và ô nhiễm. Ðiều này khiến cho các nhân viên chuyên làm công tác vệ sinh của ngành mất rất nhiều công sức để thu dọn. Anh Dương Văn Thuật, Trưởng ga Biên Hòa (Ðồng Nai) cho biết: Ngày nào nhân viên của ngành đường sắt cũng phải làm công tác vệ sinh, nhưng không xuể, do các chất thải nằm trên phạm vi lớn. Mỗi ngày có hàng chục nghìn hành khách qua lại, việc tổ chức ăn uống chủ yếu ở trên tàu, cho nên công tác thu gom các chất thải sinh hoạt là rất khó khăn. Ðối với những người đi tàu thông suốt từ ga Hà Nội - Sài Gòn được phục vụ ăn trên tàu từ bốn đến năm bữa/ hành khách, số lượng nước uống đóng chai cho mỗi người cũng tương ứng với suất ăn. Với vị trí chỗ ngồi và bàn ăn hạn hẹp, mỗi khi ăn uống xong hành khách thường phải vứt bỏ bớt một số đồ đựng nước, thực phẩm ngay ra cửa tàu để lấy chỗ nghỉ ngơi.
Chị Lan, người chuyên bám theo tàu để bán hàng rong tại các ga Huế - Ðà Nẵng và ngược lại thổ lộ: Ngày nào không bán được hàng hóa thì vẫn có thu nhập, vì chị Lan còn kết hợp đi lượm vỏ chai đem bán. Nhiều đoạn đường sắt thường xuyên có người sống bằng nghề lượm nhặt một số đồ phế thải; những chất thải không có giá trị tái sử dụng thường được thu gom và đốt tại hai bên hành lang đường sắt, điển hình như đoạn đường tàu ở các tỉnh miền trung. Ðiều đó rất nguy hiểm tới tính mạng cho những người sống bằng các nghề này, nhất là khi tàu chạy mà không kịp phát hiện, có thể gây cháy nổ cho các hộ dân ở vùng lân cận, các khu rừng ở khu vực trong thời điểm mùa khô hanh.
Theo phản ánh của nhiều hành khách, ngành đường sắt cần thiết lập lại kỷ cương, quy định chặt chẽ hơn đối với người đi tàu thực hiện tốt vệ sinh, an toàn. Theo đó, tăng cường kiểm tra số lượng hộp đựng đồ ăn, chai đựng nước phát ra cho hành khách, yêu cầu hành khách khi ăn uống xong phải thu nộp đồ dùng, dụng cụ chứa đồ ăn uống về cho nhân viên đường sắt đúng và đủ số lượng. Mỗi toa cần trang bị thêm túi đựng chất thải và hướng dẫn cụ thể cho mọi người chấp hành tốt quy định. Xây dựng đội ngũ nhân viên ngành đường sắt có đầy đủ trình độ, năng lực, khả năng thuyết phục khách hàng. Ðây là điều cần thiết và chắc chắn sẽ nâng cao ý thức của tất cả người dân đi trên phương tiện xe lửa, nhất là khắc phục được tình trạng mất mỹ quan, môi trường của nhà ga, hành lang đường sắt nói chung như hiện nay.
|