Phát triển kinh tế nội vùng gắn kết với các vùng
Các Website khác - 18/02/2006
Phát triển kinh tế nội vùng, song cần mở rộng quan hệ kinh tế có chiều sâu với ngoại vùng, giữa các vùng. Sự hợp tác, phân công ấy có thể triển khai theo hướng nội bộ từng ngành, hoặc liên ngành, nhưng phải phối hợp có mục tiêu cụ thể.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng, với tiêu đề Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tôi đã phấn khởi tìm đọc và thấy trong phần V một đoạn viết về phát triển kinh tế vùng.

Về vấn đề này, theo tôi, viết như trong Dự thảo là súc tích, thể hiện được bước phát triển mới trong nhận thức và phù hợp một số Nghị quyết gần đây của Ðảng về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Tôi chỉ xin kiến nghị thêm một số ý để làm rõ thêm vấn đề, theo hướng nên phát triển nhanh nội vùng kinh tế gắn với liên kết có chiều sâu giữa các vùng kinh tế.

Miền trung vốn quan trọng, không chỉ đối với chính mình, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện phát triển chung của đất nước. Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới thì vị trí, vai trò ấy càng cần được nâng lên. Bởi vậy, để phát triển được kinh tế vùng theo quan điểm của Ðảng, trước mắt và lâu dài cần giải quyết thật tốt và đồng bộ nhiều phương diện.

Một là, phải nhanh chóng hoàn thiện công tác quy hoạch trên tất cả các lĩnh vực, liên quan trực tiếp và gián tiếp đến phát triển kinh tế. Quy hoạch phải bảo đảm tính khách quan, khoa học, thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác, phân công khai thác các tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực để phát triển. Hiện nay, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền trung; bước đầu các khu kinh tế lớn ở Chân Mây, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội đã hình thành, thu hút được khá nhiều nhà đầu tư, tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh. Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực cần xây dựng quy hoạch thật cụ thể, chi tiết, có tầm dự báo cao cho từng địa phương, từng ngành; sao cho vừa phù hợp, tương thích quy hoạch chung, hỗ trợ được các khu kinh tế tăng trưởng nhanh hơn; vừa phát huy được những ưu thế khác trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Hai là, cần chú trọng hơn nữa thực tế có thể triển khai mạnh sự phân công hợp tác kinh tế giữa các tỉnh, thành phố, giữa các khu công nghiệp trong khu vực miền trung. Vì, các tỉnh miền trung có tiềm năng như nhau, song cũng có những lợi thế khác nhau. Khi hợp tác, phân công đúng, sẽ khai thác tốt và hiệu quả các nguồn lợi trong phát triển. Phải xóa hẳn tư tưởng "mạnh ai, nấy làm", cục bộ địa phương. Chỉ khi làm được như vậy, mới thoát ra khỏi tình trạng đầu tư dàn trải, cạnh tranh thiếu lành mạnh, để từng bước phát triển vững chắc, bền vững, huy động được tổng lực sức mạnh kinh tế - xã hội nội vùng.

Ba là, phát triển nội vùng, song cần mở rộng quan hệ kinh tế có chiều sâu với ngoại vùng, giữa các vùng. Sự hợp tác, phân công ấy có thể triển khai theo hướng nội bộ từng ngành, hoặc liên ngành, nhưng phải phối hợp có mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn: miền trung liên kết với Tây Nguyên trong xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, mở rộng diện tích chuyên canh cây công nghiệp, rau quả thực phẩm, chế biến nông - lâm - thủy sản, đào tạo nguồn nhân lực... Về phát triển du lịch và công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn..., còn có thể mở rộng liên kết, hợp tác với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và một số tỉnh ở miền bắc, Ðông Nam Bộ.

Bốn là, cần có thêm cơ chế, chính sách mới, phù hợp xu thế phát triển kinh tế "coi trọng kinh tế tri thức", "đi tắt, đón đầu"; để kịp nắm bắt những thời cơ phát triển kinh tế của đất nước ta, trực tiếp là cơ hội phát triển kinh tế vùng. Nhìn chung, các tỉnh miền trung còn nghèo, chậm phát triển so với hai đầu đất nước. Trong khi "có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các vùng trong cả nước cùng phát triển, tạo sự liên kết giữa các vùng và trong nội bộ từng vùng", nên có chính sách dành thêm ưu thế phát triển cho miền trung trong việc xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng.

Năm là, với miền trung, để phát triển nội vùng thật sự đi liền với liên kết giữa các vùng kinh tế, điều bức xúc hiện nay là cần tháo gỡ nhanh những ách tắc về thủ tục hành chính. Nếu cải cách thủ tục hành chính mạnh hơn thì nhất định môi trường đầu tư ở miền trung sẽ thông thoáng hơn, mọi sự liên kết về kinh tế với cả nước và nước ngoài cũng sẽ hiệu quả hơn. Có thể đưa thêm ý này - được viết gọn từ góc nhìn kinh tế vào phần phát triển kinh tế vùng trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Ðảng.

PGS, TS PHẠM THANH KHIẾT
(Học viện Chính trị khu vực 3 - Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)