Phải khẩn trương dập tắt dịch rầy nâu!
Các Website khác - 18/02/2006
Tại hội nghị triển khai biện pháp cấp bách phòng trị rầy nâu ngày 16-2 tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, vừa qua miền bắc thất mùa, miền trung bị thiên tai, chính vì vậy Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương phải dốc sức bảo vệ 1,2 triệu ha lúa đông xuân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện đang bị nạn rầy nâu đe dọa.
* Cụ thể dập dịch ra sao khi trong vùng đã có trên 65.000ha bị nhiễm rầy, và theo dự báo của Cục Bảo vệ thực vật sẽ còn có đợt dịch bùng phát vào cuối tháng hai này?

- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Ngay từ chiều 16-2, bộ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long, củng cố các ban chỉ đạo phòng chống dịch ở tỉnh, huyện, xã. Nơi nào có vùng lúa nhiễm rầy cao sẽ lập tổ chống dịch cấp ấp. Vấn đề hiện nay là phải giúp nông dân nhận biết dịch rầy nâu và xử lý hiệu quả.

Bộ sẽ cho in gấp khoảng 1 triệu tờ rơi có nội dung hướng dẫn cụ thể cách phòng trị rầy nâu, và trong năm ngày tờ rơi này phải đến được tay nông dân trong khu vực 1 triệu ha lúa. Ban chỉ đạo tỉnh, huyện, xã phải tổ chức tuyên truyền liên tục vì hiện nay nông dân có kinh nghiệm chống dịch chưa nhiều.

* Trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Trong trường hợp đó bộ sẽ xin Chính phủ cấp thuốc cho nông dân. Bằng mọi cách phải giúp dân cứu lúa! Hiện nay kinh phí phòng trừ dịch vẫn đủ, việc cung ứng thuốc cũng kịp thời, đúng giá, đúng thuốc cho nông dân. Trong tình hình “cơm đã sôi” như hiện nay, mọi người phải xắn tay vào việc thôi.

* Về lâu dài, theo thứ trưởng, ngành nông nghiệp cần phải làm gì để tránh tình trạng rầy nâu bùng phát gây hại lúa?

- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng: Trước mắt trong vụ hè thu bộ sẽ chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại giống lúa cho toàn vùng và cho từng tỉnh. Giảm trồng giống lúa dễ nhiễm rầy, nếu nông dân trồng phải cam kết dùng giống lúa xác nhận và phải áp dụng hiệu quả chương trình "ba giảm ba tăng".

Sử dụng giống lúa xác nhận thì khả năng kháng rầy và cho hiệu quả canh tác mới cao. Hiện nay ở An Giang đã nâng diện tích lúa trồng giống xác nhận lên khá cao, tỷ lệ diện tích áp dụng chương trình "ba giảm ba tăng" cũng trên 60%. Đó là một trong những yếu tố giảm thiểu thiệt hại và phát triển cây lúa bền vững.

* Xin cảm ơn ông!

Diệt rầy nâu bằng thuốc gì hiệu quả nhất?

Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ - khuyến cáo: khi mật độ rầy trên ruộng chưa cao, phát hiện sớm, nông dân nên sử dụng những loại thuốc như Applaud, Butil. Trường hợp mật số rầy phát triển cao, bà con nên sử dụng những loại thuốc có tác dụng diệt rầy nhanh, hiệu quả như: Bassa, Mipsin, Trebon, Admire, Comphai, Confidor, Marshel. Không nên dùng những loại thuốc không đặc trị rầy (trị sâu) để trị rầy, vì có thể giết rầy nhanh nhưng rất nguy hiểm do làm hủy hoại hệ sinh thái của đồng ruộng.

Về liều lượng phun xịt cần phải thực hiện theo “bốn đúng”: đúng lúc, đúng nồng độ, đúng cách, đúng thuốc.


Theo Tuổi trẻ