SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Cục bộ và quốc gia
Lưu Quang
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, truyền hình - vũ khí truyền thông phổ cập nhất - đang từng bước được xã hội hoá (từ khâu tiếp thị, quảng cáo cho đến sản xuất chương trình, truyền dẫn, phát sóng...). Đây là một quá trình tất yếu mà trong đó, dù muốn hay không sẽ xuất hiện những sự việc mới đòi hỏi chúng ta phải phân tích, rút kinh nghiệm thấu đáo. Vụ FPT "qua mặt" VTV một cách ngoạn mục trong thương vụ mua bản quyền World Cup 2006 là ví dụ mới nhất.
Về phía VTV, đây là một bài học xương máu. Bài học này cho thấy trong hoàn cảnh hiện tại, nếu không năng động, nếu vẫn giữ cung cách làm việc chậm chạp như của thời bao cấp, anh sẽ thua thiệt. Dù có là một "người khổng lồ", nhưng vẫn có thể bị thua những người "nhỡ nhỡ". Trong trường hợp VTV, việc không có bản quyền sẽ vừa gây thua thiệt về kinh tế, vừa không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó.
Còn về phía FPT, đây là một thương vụ thành công thấy rõ. Bởi cho dù sắp tới còn phải lo chạy đủ quảng cáo khoảng 700 triệu đồng/trận cho 64 trận đấu kéo dài ròng rã hơn một tháng trời, nhưng với một thị trường 83 triệu người VN hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, với một nền kinh tế VN đang tăng trưởng rất tốt, có cơ sở để tin rằng đây là một "nhiệm vụ khả thi". Chưa kể FPT sẽ còn thu được một lợi nhuận vô hình khác - đó là thương hiệu được quảng bá, uy tín được nâng lên, qua đó mở ra những cơ hội làm ăn mới trong tương lai. Thật đúng là lợi đơn lợi kép.
Vậy thì ai thiệt? Hiện nay trong tay chúng tôi chưa có thông tin về giá mà các nước lân cận (như Thái Lan, Indonesia...) mua bản quyền World Cup 2006. Nhưng nếu so sánh với World Cup 2002 (và trước đó nữa là World Cup 1998), thì giá mua bản quyền lần này đã vượt cả triệu USD. Số tiền triệu đó có thể đã không chảy ra khỏi biên giới quốc gia, có thể đã được dùng vào những mục đích tốt đẹp hơn (như đưa truyền hình đến vùng sâu, vùng xa, hay phát triển những trung tâm bóng đá trẻ...).
Trong kinh doanh, lợi nhuận là quan trọng nhất, nhưng không phải là tất cả. Trong kinh doanh còn có những khái niệm như "đạo đức kinh doanh" và "lợi ích quốc gia" (đối với những vụ việc lớn và nhạy cảm như bản quyền World cup). Từ trước đến nay, cộng đồng doanh nghiệp gốc Trung Quốc nổi tiếng khắp nơi vì luôn biết đoàn kết, bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau. Trong một khu chợ có nhiều sạp hàng của người Hoa, bạn rất khó có thể tìm được một sạp hàng chịu bán giá rẻ hơn giá mà các chủ sạp đã quy ước. Tiếc thay, cái "quy ước" đó dường như lại là phẩm chất mà các doanh nghiệp chúng ta hay thiếu. Vì lợi ích cục bộ - thay vì tập trung trí tuệ cạnh tranh với bên ngoài - chúng ta lại chỉ hay nhăm nhăm dìm giá lẫn nhau. Thay vì hợp tác để có một kết quả đàm phán tốt đẹp nhất, chúng ta lại hay "thọc dao" vào lưng nhau. Phải chăng đó chính là một trong những lý do khiến trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn cả trên sân nhà lẫn trên "sân khách". |