Thu hút đầu tư nước ngoài gắn với bảo vệ quyền lợi người lao động
Các Website khác - 19/02/2006
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội Ðảng lần thứ X, phần IV, mục 4 "Phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN", về thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, viết: "Cải thiện môi trường kinh tế và pháp lý, đa dạng hóa các hình thức và cơ chế để thu hút mạnh các nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành nghề, các lĩnh vực kinh doanh quan trọng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh thuận lợi như doanh nghiệp Việt Nam".

Ðây là lĩnh vực rất quan trọng được các cấp, các ngành và người lao động quan tâm. Riêng tỉnh Bình Dương, gần 10 năm qua đã có hơn 1.000 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 6 tỷ USD.

Song, nhìn chung các dự án nước ngoài đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm phía nam chủ yếu là dự án vừa và nhỏ, sản xuất gia công các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu theo đơn đặt hàng, chưa có nhiều nhà đầu tư lớn với công nghệ hiện đại, sản xuất các mặt hàng chủ lực, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, chấn hưng công nghệ Việt Nam.

Thực tế chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước tuy còn những bất cập, song đã ngày càng thông thoáng hơn, chỉ cần chính quyền địa phương thực hiện thật tốt, đã làm các nhà đầu tư hài lòng.

Cũng như chính sách về lao động còn nhiều việc phải tiếp tục phấn đấu. Song trên thực tế, các cơ quan quản lý địa phương chưa thực hiện tốt việc giám sát người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ Luật Lao động.

Thực tiễn thu hút đầu tư nước ngoài cần phải đẩy mạnh cả ba khâu quan trọng, một là có lời mời chào hấp dẫn, hai là cách cư xử, ba là cùng chia sẻ, gánh vác trách nhiệm với nhà đầu tư. Trong thu hút đầu tư tức là tiếp thị, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại... làm sao để nhà đầu tư hiểu, biết tới và đến với mình.

Ở Bình Dương gọi là "trải thảm đỏ". Thứ hai là thái độ ứng xử để nhà đầu tư trụ lại địa phương. Bình Dương xếp hàng đầu về khả năng cạnh tranh và tính minh bạch là ở điểm này. Cuối cùng là chia sẻ trách nhiệm, tức là làm thế nào để nhà đầu tư làm ăn phát đạt, đóng góp vào sự phát triển chung.

Quan trọng nhất trong đề mục này là vấn đề cung cấp nhân lực. Tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam có nhiều dự án phía đối tác cần được cung cấp một lúc hàng trăm chuyên gia, cán bộ quản lý cao cấp, hàng nghìn công nhân bậc cao, phía ta không đáp ứng được đành để dự án "trôi xuôi".

Có thể nói, ta thiếu cả chuyên gia kỹ thuật giỏi, nhà quản lý cấp cao và công nhân lành nghề. Trình độ dân trí thấp, nhất là ý thức chấp hành luật lệ giao thông, vệ sinh môi trường, tác phong công nghiệp, văn minh công sở của người dân hạn chế khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Bước đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài quan trọng nhất vẫn là cải cách hành chính. Ðiều mà chúng tôi muốn đặt vấn đề là cải cách hành chính ở tầm vĩ mô. Ðã gọi là chính sách thì vùng nào, tỉnh nào cũng phải chấp hành như nhau.

Không thể để tình trạng một số ngành, địa phương "xé rào", "vận dụng". Cải cách hành chính ở tầm vĩ mô chính là sự chỉ huy thống nhất, trực tiếp của Nhà nước đối với tất cả các địa phương, bộ, ngành, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Hiện tại ta có nhiều luật, nghị định đã ban hành, sau đó lại thiếu sự hướng dẫn thống nhất, nhiều thông tư hướng dẫn còn phải ban hành thêm "công văn lẻ" cho từng việc, rất khó cho các địa phương thực hiện, dẫn đến nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau.

Cần rà soát các chính sách, văn bản pháp quy, bỏ ngay những loại không còn phù hợp, không thống nhất cho việc thực hiện chung của cả nước.

Bước đột phá quan trọng thứ hai là chính sách về lao động. Trước tiên là giáo dục - đào tạo, nếu không có nguồn lao động trình độ cao thì không thể thu hút được các nhà đầu tư lớn.

Trên thực tế, người lao động có trình độ cao tất nhiên sẽ được người sử dụng lao động trọng dụng, quan tâm, ưu đãi. Trong giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nghề, phải chú ý đến giáo dục kiến thức pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường, tác phong lao động công nghiệp, văn minh công sở... để trình độ công nhân Việt Nam tiến kịp trình độ công nhân các nước phát triển.

Vấn đề thứ hai trong chính sách lao động là cần có cơ chế, chế tài buộc người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ Luật Lao động, các chính sách, chế độ về sử dụng lao động mà Nhà nước đã ban hành.

Khuyến khích các địa phương sáng tạo các hình thức chăm lo người lao động như xây dựng nhà cho công nhân thuê, mua trả góp... Ðặc biệt, các địa phương cần nhanh chóng phát triển đào tạo nghề để có nguồn nhân lực được đào tạo tại chỗ. Trong tương lai, các vùng kinh tế trọng điểm rất cần lao động qua đào tạo, nhất là công nhân lành nghề.

LÊ VIỆT DŨNG và NGUYỄN TRỌNG
(Sở Kế hoạch - Ðầu tư tỉnh Bình Dương)