Cúm gia cầm đã lan tới 13 tỉnh thành
Các Website khác - 15/11/2005

Ngày 15/11, bản đồ dịch cúm mở rộng vì sự góp mặt của 3 tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi. Dịch đã lan ra 39 huyện thị của 13 tỉnh thành với tổng số gia cầm tiêu hủy trên 135 nghìn con. Ở nhiều địa phương, gia cầm không có dịch, nhưng bà con vẫn xin tiêu hủy để hưởng hỗ trợ.

Theo Cục Thú y, dịch cúm được phát hiện tại Bắc Ninh vào ngày 14/11, khi 254 con gà và 25 ngan của 4 hộ chăn nuôi tại các huyện Thuận Thành, Gia Bình và Tiên Du bị chết. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5. Tại Vĩnh Phúc, ngày 27/10 dịch tấn công 2 hộ chăn nuôi của xã An Hoà, huyện Tam Dương với 40 gà và 500 chim cút chết. Tiếp đó, ngày 10/11 dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi gà của xã Hưng Đạo huyện Tam Dương.

Như vậy, tại miền Bắc, dịch đã lan tới 8 tỉnh thành, gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.

Tại miền Trung, ngoài Thanh Hoá, Quảng Nam, trong những ngày qua, dịch bùng phát ở Quảng Ngãi. Ngày 6/11 dịch "hỏi thăm" đàn vịt của xã Bình Thanh Tây, huyện Bình Sơn, làm 130 con chết. Tiếp đó, trong các ngày 12-14/11, dịch tái phát ở các xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa), xã Bình Thanh Tây (huyện Bình Sơn) làm hàng trăm con vịt chết.

Tại miền Nam, năm nay dịch có vẻ yên ắng, trái ngược hoàn toàn với 2 năm trước. Hiện dịch chỉ được phát hiện ở tỉnh Đồng Tháp và Bạc Liêu. Sở dĩ có sự thay đổi đó, theo giải thích của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, là nguồn lây nhiễm khác nhau. Năm 2004, dịch bùng phát đầu tiên ở miền Nam do lây nhiễm từ gia cầm ở Thái Lan. Còn năm nay, virus có sẵn trong môi trường, trong đàn thủy cầm, lại thêm thời tiết lạnh "tiếp sức", nên dịch bùng phát mạnh ở đồng bằng sông Hồng.

Nhiều quận Hà Nội lưu luyến với gia cầm

Tại Hà Nội, theo quy định hết ngày 15/11, thành phố không còn gia cầm sống trong nội thành, nội thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Diến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến chiều 15/11, chỉ có 5 quận thực hiện triệt để lệnh cấm, quận mới Long Biên và Hoàng Mai vẫn chưa thực hiện do số lượng gia cầm lớn, nhiều gia đình còn luyến tiếc. Trong 150.000 gia cầm ở nội thành hiện mới tiêu huỷ được gần một nửa. "Có phường gọi điện cho tôi đề nghị được chăn nuôi như ở các xã ngoại thành, nhưng điều đó là không thể. Chúng ta phải nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của thành phố", ông Diến nói.

Nhiều hộ dân luyến tiếc đàn gà chọi, không muốn tiêu hủy. Ảnh: N.T.

Ông Diến cho hay, ngày 17/11, thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, xử lý tiêu huỷ toàn bộ gia cầm đang còn nuôi, cơ sở giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không qua kiểm dịch, kinh doanh không đúng nơi quy định tại các quận nội thành, thị trấn, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị. Đối với hộ chăn nuôi tại huyện ngoại thành, phải bắt buộc thực hiện đăng ký với chính quyền, phải nuôi nhốt và xa khu dân cư. Bất kỳ trường hợp gia cầm thả tự do nào sẽ bị tiêu huỷ.

Riêng với 2.000 chim cảnh của các gia đình trong nội thành, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì không phải tiêu huỷ. Nhưng đối phó với đại dịch lớn, Hà Nội vẫn quyết tâm tiêu huỷ chim cảnh như đối với gia cầm. "Riêng chim quý hiếm, chúng tôi đã đề nghị các quận lập biên bản để báo cáo Ban chỉ đạo thành phố có hướng xử lý. Hiện mới có vườn thú Hà Nội đóng cửa khu vực vào vườn chim", ông Diến nói.

Tự nguyện tiêu hủy gia cầm dù không có dịch

Dù không có lệnh phải tiêu hủy gia cầm sống, song nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn ở ngoại thành đã tự nguyện xin tiêu huỷ gia cầm để được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước. "Thị trường gia cầm đang đóng băng, giá gà rớt thảm hại, chỉ còn 5.000-8.000 đồng/kg. Càng nuôi thì người dân càng lỗ vì phải chi phí cám bã", một lãnh đạo phòng nông nghiệp huyện Thanh Trì phản ánh. Tại huyện này có 178.000 gia cầm, thủy cầm, có xã tất cả hộ chăn nuôi đồng loạt xin tiêu huỷ với số lượng lên đến 60.000 con. Huyện Đông Anh có một hộ nuôi tới 20.000 con cũng xin tiêu huỷ.

Giám đốc Diến cho biết, đã trình thành phố chính sách hỗ trợ những hộ chăn nuôi trên theo hướng đưa vào giết mổ tập trung, rồi đóng hộp tiêu thụ. Nếu họ vẫn muốn tiêu hủy thì sẽ được hưởng hỗ trợ như các hộ chăn nuôi trong nội thành, tức là 15.000 đồng cho một gia cầm thương phẩm, 5.000 đồng cho gia cầm giống và 1.000 đồng đối với chim cút. Dự kiến 1-2 ngày tới, chính sách này sẽ được ban hành.

Toàn thành phố Hà Nội có 5,3 triệu gia cầm, trong đó có 3,2 triệu con thuộc diện tiêm phòng.

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
Kiểm tra phòng dịch 24 quận huyện của TP HCM (12/11)
10 tỉnh thành tái phát dịch cúm gia cầm (12/11)
Cách nhận biết và phòng ngừa cúm gia cầm trên người (12/11)
Lào Cai lập 5 chốt kiểm dịch tại cửa ngõ (12/11)
H5N1 ở Việt Nam đã có nhiều đột biến nguy hiểm (12/11)
Xem tiếp»