Gắn chíp điện tử cho 2.800 con gấu nuôi nhốt
Các Website khác - 15/11/2005

Lần đầu tiên Cục Kiểm lâm và Hội bảo vệ động vật thế giới (WSPA) đã thực hiện dự án gắn chíp điện tử cho gấu nuôi nhốt. Hiện đã có 2.800 gấu trong tổng số trên 4.000 con của cả nước được gắn chíp điện tử. Sáng 15/11, VnExpress có cuộc trao đổi với Cục trưởng Kiểm lâm Hà Công Tuấn về vấn đề này.

- Ông có thể nói rõ hơn về dự án gắn chíp điện tử cho gấu nuôi?

- Dự án gắn chíp điện tử gấu nuôi nhốt và tăng cường nhận thức về bảo vệ gấu đã xong giai đoạn 1 (từ 1/8 đến 10/10) với việc gắn chíp cho 2.400 con tại các 9 tỉnh nuôi nhiều, trong đó có Hà Tây, Hải Phòng, Nghệ An, Bình Dương. Giai đoạn 2 (từ 15/10 đến 31/12) dự kiến sẽ gắn chíp cho khoảng 1.400 con, tiếp tục xử lý nghiêm túc việc mua bán, săn bắt gấu trái phép, cam kết không nuôi gấu sinh sản.

Mỗi con gấu được lập hồ sơ, gắn một chíp điện tử nhỏ bằng hạt gạo vào vùng dưới da phía vai trái. Nó như một "chứng minh thư" của con thú, ghi lại các các thông số chiều cao, cân nặng, giới tính... Mỗi chíp có một số ký hiệu, khi đưa máy đọc vào gần nó sẽ phát sóng và chíp điện tử phản hồi lại cho chúng ta nhận biết.

Kiểm tra gấu nuôi sau khi được gắn chíp. Ảnh: Cục Kiểm lâm

- Gấu là loại động vật hoang dã nằm trong danh mục cấm khai thác và sử dụng. Ông nghĩ sao trước ý kiến cho rằng việc gắn chíp đã hợp thức hoá việc nuôi gấu trái phép?

- Thứ nhất, gắn chíp là nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt với chủ chăn nuôi về hành vi họ được phép ứng xử với gấu. Đây cũng là lời tuyên bố chính thức của Nhà nước rằng sau khi lập hồ sơ gắn chíp thì việc con gấu không có hồ sơ sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật. Các hộ đang nuôi gấu đã được gắn chíp thì phải nuôi đến hết đời, không cho nuôi sinh sản. Hiện nay ta chưa xử lý đúng pháp luật là vì số lượng gấu nuôi quá nhiều.

Thứ hai, gắn chíp cũng đồng nghĩa việc lập hồ sơ pháp lý cho mỗi con gấu. Nếu chủ nuôi vi phạm những điều trong hồ sơ này, hoặc nuôi gấu không có hồ sơ, sẽ bị xử lý. Việc gắn chíp là để quản lý giám sát chính xác, chứ không thể thay việc cấm buôn bán, săn bắt.

- Việc xử lý gấu không được gắn chíp sau ngày 31/12 sẽ tiến hành ra sao?

- Trước tiên sẽ phải ưu tiên tái thả gấu vào rừng tự nhiên. Trường hợp thú bệnh tật, hoặc không bệnh song vườn thú không khả năng tiếp nhận được nữa, thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, có thể phải tiêu hủy để đảm bảo an toàn cho con người, tuyệt đối không mua bán, giết mổ. Đấy là về mặt nguyên tắc, còn việc xử lý cụ thể thế nào đang được nghiên cứu.

- Việc gắn chíp điện tử có gặp phải thái độ phản ứng nào của người dân?

- Sau khi vận động, đa số người dân đồng tình. Bởi trong thực tế, việc gắn chíp không làm con vật thay đổi tính nết, trở nên hung dữ hay hạn chế khả năng tiết mật. Mặt khác, hiện chi phí gắn chíp khoảng 400.000 đồng/con đều do dự án đài thọ.

- Sau khi gắn chíp cho gấu, sắp tới Việt Nam có tiến tới gắn chíp cho những loài vật nào để giám sát, quản lý?

- Mỗi loài có một biện pháp quản lý riêng. Với gấu, số lượng tương đối nhiều, lại là loài thú lớn nên có thể dễ dàng gắn chíp để quản lý. Nhìn rộng ra có thể gắn chíp cho rất nhiều loài thú như voi, hổ báo, khỉ. Trước đó, ta đã gắn chíp điện tử cho đàn voi di dời từ Bình Thuận lên Tây Nguyên.

- Việc xây dựng trung tâm cứu hộ động vật hoang dã được triển khai ra sao?

- Việt Nam hiện có 3 trung tâm cứu hộ ở TP HCM, Cát Tiên (Đồng Nai) và Sóc Sơn (Hà Nội). Các trung tâm này quy mô nhỏ, cơ sở vật chất chỉ cho phép nuôi được số lượng rất hạn chế. Chúng ta đang đàm phán với Hội động vật hoang dã châu Á để xây dựng ở phía Bắc một trung tâm cứu hộ với quy mô khoảng 10 ha, mô hình như của Trung Quốc. Trung tâm này có thể nuôi được hàng nghìn con gấu, kinh phí tới hàng triệu USD. Có vài vị trí đang được lựa chọn, một là Sóc Sơn (Hà Nội), hai là Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Phía đối tác nước ngoài sẽ đầu tư cơ sở vật chất và nuôi trong khoảng 10 năm thì giao lại cho Việt Nam quản lý.

Việt Nam là nơi phân bố của hai loài gấu chó và gấu ngựa. Cả hai đều là động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, thuộc nhóm IB (cấm khai thác và sử dụng). Phương thức nuôi nhốt gấu hiện nay là săn bắt tự nhiên (chủ yếu là bắn chết gấu mẹ) rồi đưa ra thị trường buôn bán, mang về trại gây nuôi sinh trưởng cho lớn để lấy mật. Dần dần, gấu kiệt sức, không còn khả năng lấy mật nữa thì sẽ chết và chủ nuôi tiếp tục mua con khác.

Tình trạng trên có thể đưa loài gấu đến chỗ tuyệt chủng. Ông Nguyễn Hữu Dũng, cán bộ Cục kiểm lâm cho hay, hiện chưa có điều tra nào về gấu trong tự nhiên, tuy nhiên loài vật này đã giảm sút nghiêm trọng. "Cách đây 20 năm, đi vào rừng có thể nhìn thấy gấu, hoặc thấy các dấu chân chúng. Hiện nay thì không thấy và hoặc rất hiếm", ông Dũng nói.

Đến tháng 7, cả nước có 4.012 gấu đang được nuôi nhốt ở 1.088 tổ chức, cá nhân tại 57 tỉnh thành. Trong đó gấu ngựa là 3.598 con và gấu chó 185 con. Địa phương đang nuôi nhốt nhiều là Hà Tây (556 con), Nghệ An (450 con), Hải Phòng (450 con), TP HCM (448 con), Hà Nội (384 con), Đồng Nai (175 con).

Như Trang thực hiện