Xây nhà trên đất nông nghiệp phổ biến ở ven đô Hà Nội
Các Website khác - 10/09/2005
Quây tường bao đất lấn chiếm ở phường Định Công. Ảnh: ĐL

Cánh đồng và ao hồ trước khu dân cư tổ 25, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày càng bị thu hẹp do nhiều hộ dân "nhảy dù" xây dựng nhà ở, nhà tạm, hoặc quây tường bao quanh. Không chỉ phường Định Công, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trên đất nông nghiệp khá phổ biến ở các quận, huyện ven đô.

Người dân tại tổ 25 rất bức xúc vì việc "nhảy dù" lấn chiếm và san lấp hồ, lấp rãnh thoát nước khiến khu dân cư này bị úng ngập triền miên. Ông Lê Phú Nam, tổ phó tổ dân cư 25, phàn nàn, cứ người này theo người kia, họ kéo nhau đến san lấp, làm nhà tạm. Chính quyền đến xử phạt rồi đi, họ lại tiếp tục xây.

Theo quan sát của VnExpress, không chỉ lấp ruộng, lấp hồ để xây dựng nhà ở, nhiều hộ còn quây tường bao xung quanh khu đất. Để phục vụ dân xây dựng, nhiều lán trại buôn bán vật liệu được dựng lên, nhận cả việc san lấp hồ, ao.

Cạnh phường Định Công, những mảnh đất nông nghiệp thuộc phường Thịnh Liệt cũng lố nhố nhà cao tầng. Theo một hộ dân, giá đất nông nghiệp ở khu vực này là 2-3 lượng vàng/m2. Nếu được hợp thức hoá để xây dựng nhà ở, thì giá nhà đất sẽ khoảng 6-7 lượng/m2. Do vậy, nhiều hộ dân tự ý xây dựng để bán kiếm lời, thay vì chuyển nhượng đất nông nghiệp.

Ông Trịnh Thanh Hà, Phó chủ tịch phường Định Công, thừa nhận, khu vực tổ 25 là điểm "nóng" về đất đai. Sắp tới, khu vực này sẽ cưỡng chế một trường hợp đang tiến hành xây nhà kiên cố. Năm 2004, phường đã xử lý 23 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Chỉ 8 tháng đầu năm nay, đã xử lý 14 trường hợp. Hiện nay diện tích đất nông nghiệp của phường hiện đã giảm gần 6ha so với năm 2000.

Một lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp đang bị người dân chiếm dụng và sử dụng sai mục đích, tập trung ở phường Thịnh Liệt, Vĩnh Hưng, Đại Kim, Lĩnh Nam, Hoàng Liệt, Định Công. Trong 9 tháng qua, thanh tra xây dựng quận đã phát hiện gần 60 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, phần lớn trong số đó là nhà trái phép trên đất nông nghiệp.

Vi phạm sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì tập trung tại các xã Ngũ Hiệp, Hữu Hoà, Ngọc Hồi. Đặc biệt, có những trường hợp lấn chiếm đất từ nhiều năm vẫn chưa xử lý được như ở thôn Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng), thông Thượng Phúc (xã Tả Thanh Oai).

Huyện Đông Anh cũng là một điểm "nóng" vi phạm lấn chiếm đất công, tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp ở Hà Nội với 85 vụ được phát hiện trong 9 tháng qua. Điển hình là trường hợp 8 hộ lấn chiếm ao tại xã Nam Hồng, 14 hộ xây dựng trái phép tại xã Liên Hà, 7 hộ xây dựng trên đất canh tác tại xã Vân Hà...

Việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp không những làm thu hẹp diện tích đất sản xuất, mà còn gây khó khăn trong công tác đền bù khi có các dự án sau này. Ông Nguyễn Đình Nhị, Trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện Thanh Trì, cho biết, trên địa bàn có rất nhiều trường hợp đã mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp, người mua xây dựng nhà ở, hoặc chủ hộ xây dựng nhà ở trái phép. Sau đó, khi giải phóng mặt bằng lại đòi hỏi giá đền bù như đất ở. Các trường hợp đó thường gây lúng túng cho cơ quan địa phương.

Ông Trịnh Thanh Hà cho rằng, ngoại trừ một số hộ dân lấn chiếm hoặc sử dụng đất trái phép, còn có nhiều người xây nhà trên diện tích đất kẹt, xen kẽ giữa đất ở. Với các trường hợp này, phường Định Công thường xem xét để chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, việc thẩm định và cấp giấy chậm. Từ đầu năm đến nay, phường này gửi lên quận Hoàng Mai, Sở Tài nguyên Môi trường Nhà đất 1.000 hồ sơ song mới có 140 trường hợp được hoàn tất.

Đoàn Loan