Khách sạn Hilton Hà Nội đang kín phòng. |
Hàng loạt hãng lữ hành đang lao đao vì không thuê được khách sạn ở Hà Nội. Ngành du lịch thậm chí đã phải tính đến phương án huy động nhà cao cấp phục vụ Hội nghị APEC 2006. VnExpress đã phỏng vấn Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Cao Thị Ngọc Lan xung quanh thực trạng này.
- Thời gian gần đây, các hãng lữ hành ở Hà Nội kêu ca về tình trạng thiếu phòng. Vậy thực tế tình trạng thiếu phòng trầm trọng đến đâu, thưa bà?
- Năm 2004, lượng khách quốc tế đến Hà Nội ước khoảng 1 triệu, tăng gấp đôi so với năm 2000, trong khi 5 năm qua Hà Nội mới chỉ có thêm 1 khách sạn 5 sao. Hiện Hà Nội có khoảng 420 khách sạn với 12.500 phòng đạt tiêu chuẩn nhưng với đà tăng trưởng này, mỗi năm sẽ thiếu khoảng 2.000 phòng.
Thế nhưng, từ nay đến năm 2006, Hà Nội sẽ chỉ có khoảng 700 phòng tiêu chuẩn được xây mới. Đáng kể nhất là khách sạn Kim Liên với 90 phòng khách tiêu chuẩn 3 sao. Không có khách sạn 4-5 sao nào đi vào hoạt động. Tình trạng thiếu phòng chắc chắn sẽ trầm trọng hơn hiện nay.
- Đang có tình trạng, Hà Nội không còn là điểm lưu trú mà chỉ là điểm tham quan của nhiều khách du lịch các hãng lữ hành chỉ đưa khách quốc tế. Ngành du lịch Hà Nội đã tính đến thiệt hại cho vấn đề này chưa thưa bà?
- Những tháng qua, tôi đã nghe thông tin nhiều khách du lịch của các hãng lữ hành không lưu trú ở Hà Nội. Ví dụ tour Hà Nội - Hạ Long, trước đây khách lưu trú, mua sắm, tham quan ở Hà Nội, sau đó thuê xe đi Hạ Long thì nay ngược lại, còn Hà Nội chỉ là điểm tham quan. Thậm chí, một số hãng đã bỏ điểm dừng chân Hà Nội, đưa khách vào thẳng Đà Nẵng, Nha Trang. Nếu tình trạng thiếu phòng không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành du lịch.
- Việc dự báo tăng trưởng, quy hoạch khách sạn là trách nhiệm của Sở Du lịch. Với tình trạng thiếu phòng khách sạn hiện nay, ngành du lịch nghĩ gì về trách nhiệm của mình?
Lượng du khách đến Hà Nội tăng mạnh. Ảnh: Anh Tuấn |
- Sở Du lịch đã có dự báo về khả năng tăng trưởng và đề xuất việc xây dựng các khách sạn cao cấp. Một số dự án đã có thể đi vào hoạt động nếu không có khủng hoảng tài chính năm 1997. Tuy nhiên, cũng thừa nhận thực tế là ngành du lịch đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Chỉ vài năm trước đây, khách sạn cao cấp vào mùa thấp điểm chỉ kín 30-40% số phòng. Mùa cao điểm cũng chỉ đạt 70%.
Các dự án xây khách sạn cao cấp cần vốn quá lớn, thời gian khấu hao dài trong khi các nhà đầu tư lớn không nhiều. Họ nghe ngóng, khảo sát rất kỹ thị trường trước khi quyết định đầu tư. Trong khi, tình trạng quá tải mới diễn ra từ năm ngoái và bắt đầu nghiêm trọng từ năm nay. Tôi nhớ ccách đây vài năm thôi, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội đang thừa khách sạn.
- Một trong những yếu tố đầu tư khách sạn cao cấp là phải có địa điểm đẹp. Trong khi đó, lý do khiến các nhà đầu tư đang e ngại là các mảnh đất có không gian phù hợp, thuận tiện giao thông ở Hà Nội quá khan hiếm. Bà nghĩ thế nào về điều này?
- Phải thừa nhận những địa điểm đẹp ở Hà Nội để xây khách sạn còn rất ít nhưng không có nghĩa là không có. Vừa qua, Sở Du lịch đã tham mưu cho thành phố một số địa điểm đẹp, còn bỏ trống có thể xây khách sạn như khu vực bến xe Ngọc Khánh (cạnh Đại sứ quán Nhật) diện tích ước 1ha, hoặc khu vực sau khách sạn Deawoo (phố Đào Tấn) diện tích trên 2h như bãi để xe.
Một số đường mới của thủ đô có vị trí thuận lợi như Trần Duy Hưng, cũng nên dành một vài ha cho đầu tư xây dựng khách sạn. Thời gian tới, một số nhà máy sắp phải di dời khỏi nội thành, những địa điểm ấy cũng có thể để xây khách sạn cao cấp.
- Những khách sạn 3 sao không đòi hỏi diện tích quá lớn, vốn quá nhiều. Tại sao Hà Nội cũng trống vắng các dự án khách sạn 3 sao thời gian qua?
-
Tôi xin nói lại là việc cháy phòng mới chỉ trong 1 năm trở lại đây thôi, mà cũng chỉ kín ở những khách sạn cao cấp, có vị trí đẹp. Không phải khách sạn 3 sao nào cũng đạt công suất sử dụng phòng cao. Nhiều khách sạn, nhà khách thuộc các bộ, ban ngành ở vị trí đẹp nhưng chưa được quan tâm. Nếu cải tạo, thì đây sẽ là điểm lưu trú cao cấp thu hút khách du lịch.Tôi cho rằng, muốn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn, ngoài vấn đề địa điểm thì thành phố cần có những cơ chế hợp lý. Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Kế hoạch Đầu tư lập phương án về cơ chế ưu đãi cho các chủ đầu tư khách sạn. Ví dụ như tạo điều kiện xây dựng hạ tầng cơ sở đến chân công trình, tương tự như với một số dự án công nghiệp. Hiện nay, thành phố đang xem xét dự án xây dựng khách sạn tại khu vực Hồ Tây. Nhưng cho dù dự án này có tiến hành thì cũng không thể kịp trước APEC.
- Từ nay đến Hội nghị APEC 2006, Hà Nội sẽ không có một khách sạn cao cấp mới được đưa vào sử dung. Vậy bài toán thiếu phòng sẽ được giải quyết ra sao?
- Hiện, Sở Du lịch Hà Nội mới chỉ nhận được công văn của Tổng cục Du lịch đề nghị các khách sạn dành phòng phục vụ APEC. Trừ Hội nghị thượng đỉnh, sẽ có các hội nghị liên quan diễn ra trong cả năm. Tuy nhiên, chúng tôi chưa hề nhận được thông báo lượng khách cụ thể là bao nhiêu, phân bố vào thời điểm nào nên không thể khẳng định là thiếu bao nhiêu phòng. Tổng cục du lịch và thành phố Hà Nội đã tính đến phương án sử dụng các chung cư cao cấp để phục vụ quan chức tham dự APEC 2006
- Cùng với việc khan hiếm phòng một số khách sạn đang đội giá thuê phòng lên quá cao. Sở Du lịch có biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi của du khách?
- Đúng là có thực trạng này nhưng Sở Du lịch không thể can thiệp trực tiếp vào việc xây dựng giá của các khách sạn. Chúng tôi chỉ có thể giúp các hãng lữ hành và khách sạn ngồi lại với nhau, hướng tới quyền lợi chung. Nếu giá phòng quá cao, sẽ đến lúc khách sẽ không đến Hà Nội,
Năm ngoái, tại Đà Lạt đã xảy ra tình trạng sốt phòng ảo. Sau khi báo chí thông tin giá thuê ở khu du lịch này quá cao, nhiều khách đã e ngại và chuyển đến điểm du lịch khác. Kết quả, các khách sạn tại đã ế phòng ngay trong mùa du lịch..
Hôm nay, Melia Hà Nội đã bắt đầu từ chối các đơn đặt phòng dịp cuối năm. Lượng phòng khách sạn được thuê trong tháng 10-11 đạt 89%. Giá thuê phòng cao hơn năm ngoái 10-20USD nhưng Daewoo, Hilton Opera cũng có lượng khách đăng ký cao kỷ lục. Giám đốc kinh doanh Melia Hà Nội Nguyễn Đức Quỳnh cho biết, đây là năm kinh doanh tốt nhất của khách sạn từ trước đến nay. |
Việt Anh thực hiện
▪ Việt Nam đã làm được những việc mà nhiều nước giàu chưa làm được (10/09/2005)
▪ Ghép tạng - có thể và không thể (10/09/2005)
▪ Xây nhà trên đất nông nghiệp phổ biến ở ven đô Hà Nội (10/09/2005)
▪ Có dấu hiệu rút ruột một công trình thoát nước (10/09/2005)
▪ Nước máy ở TP HCM bẩn là do cặn lắng (10/09/2005)
▪ Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 4 bậc (10/09/2005)
▪ Tàu hàng đâm vào trụ cầu, 200 tấn gạo chìm sông (10/09/2005)
▪ Bùng cháy trái tim - khát vọng VN! (10/09/2005)
▪ Chân dung ông chủ kho báu (03/09/2005)
▪ 11 nghìn căn hộ cho người có thu nhập thấp ở TP Hồ Chí Minh (09/09/2005)