Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 4 bậc
Các Website khác - 10/09/2005
1 USD ở Việt Nam
1 USD ở Việt Nam có thể mua được lượng hàng gấp 5 lần ở nước khác.

Việt Nam đang tiến nhanh nhất trong các nước Đông Nam Á (ASEAN) về phát triển con người (HDI), đứng thứ 108 trong danh sách 177 nước xếp hạng của Liên Hợp Quốc, tăng 4 bậc so với năm 2004.

Kết quả trên được nêu ra trong báo cáo Phát triển con người năm 2005 của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) công bố ngày 8/9, dựa trên các chỉ số về tuổi thọ, thu nhập bình quân tính theo đầu người, trình độ học vấn, tỷ lệ nhập học, tỷ lệ biết chữ của mỗi quốc gia.

So sánh về thứ hạng chỉ số phát triển con người (HDI), VN chưa bằng Singapore, Brunei, Thái Lan hay Malaysia, nhưng với chỉ số HDI đạt mức 0,704 trong năm nay thì Việt Nam có kết quả phát triển con người liên tục tăng hằng năm khá cao, (chỉ số này là 0,583 năm 1985 và 0,691 năm 2004). Tuổi thọ trung bình ở Việt Nam từ 68,6 tuổi vào năm 2003 tăng lên 69 tuổi năm 2004, và năm nay số con số này là 70,5 tuổi.

Mức thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua của Việt Nam tăng từ 2.300 USD năm 2004 lên 2.490 USD năm 2005. Thống kê của UNDP cho biết 1 USD ở Việt Nam có thể mua được lượng hàng gấp 5 lần ở nước khác. Do đó, tuy thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn nhiều nước như Nam Phi, Indonesia, Ai Cập, nhưng vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng theo chỉ số HDI lại cao hơn.

Theo báo cáo phát triển con người của UNDP, VN được coi như một ví dụ thành công tiêu biểu cho nhóm các nước đang phát triển về khả năng tương tác cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển con người. Báo cáo của UNDP nêu rõ tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm mạnh. Với mức tăng trưởng kinh tế tương đương và mức thu nhập thấp hơn, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Trong bức tranh không mấy khả quan về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) mà báo cáo của UNDP đưa ra, Việt Nam vẫn được nhắc đến như một quốc gia có nhiều bước tiến đáng kể trong quá trình thực hiện các mục tiêu này. Báo cáo nói rằng những nước có tốc độ tiến tới MDG nhanh vượt bậc lại thường là các nước có thu nhập thấp.

Báo cáo nhận định rằng, đầu tư vào giáo dục, mở cửa dần dần trong thương mại, phát triển đồng đều các khu vực kinh tế, đa dạng hóa thị trường và sự phân chia bình đẳng các nguồn lợi có được từ phát triển kinh tế vào hạ tầng kinh tế - xã hội là những nguyên nhân chính cho sự thành công trong lĩnh vực phát triển con người của Việt Nam.

(Theo TTXVN)