Đác Lắc thực hiện nhiều biện pháp trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số
Các Website khác - 07/10/2005
Ngô lai, cây hàng hóa ở các thôn,
buôn huyện Krông Bông (Đác Lắc).
Ðảng, Nhà nước và các ngành chức năng đã có nhiều hình thức đầu tư, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, Ðác Lắc nói riêng để bà con có điều kiện vươn lên, thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Hiện nay, đời sống của người dân ở nhiều thôn, buôn đã và đang khởi sắc, nhưng vẫn còn không ít nơi cần được tiếp tục trợ giúp.
Nhiều cách làm sinh động

Ðiểm chúng tôi ghé thăm đầu tiên là buôn Năng Trưng (xã Yang Mao), buôn Ðác Tuor, buôn Khanh (xã Cư Pui), buôn Ngô (xã Hòa Phong), buôn Cằm (xã Cư Ðrăm) thuộc vùng căn cứ cách mạng huyện Krông Bông (Ðác Lắc) năm xưa. Gặp già làng Y Gar, (buôn Ðác Tuor), ông phán một câu: "Ðúng là có hòa bình mọi người chung tay xây dựng thôn, buôn ngày một khang trang hơn. Cái được lớn nhất là không còn ai đói, tất cả trẻ đều đến trường, già thấy thế là mừng rồi nhà báo à".

Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư cho vùng căn cứ cách mạng này hàng trăm tỷ đồng. Ngày trước, vào mùa mưa như thế này làm sao vào được đến đây, cứ mưa lớn là "đứt liên lạc", không thì phải đi bộ mấy ngày liền. Ðiều đó minh chứng cho hiệu quả của việc đầu tư giao thông nông thôn. Ðường giao thông đã giúp vùng căn cứ giao lưu với các vùng khác trong tỉnh. Người người đến trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa và mở cho vùng quê cách mạng những nét mới. Có ai ngờ đâu nay toàn vùng có đến 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia. Ngoài giao thông, điện, các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh khác đều phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao mức sống.

Ðiều quan trọng nhất là từ sự đầu tư của Nhà nước đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, thay đổi những tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến từng hộ, chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xây dựng gia đình văn hóa, tất cả con em trong độ tuổi phải đến trường... đem lại hiệu quả rõ nét. Thiết thực, cụ thể cho từng đối tượng, các chương trình đã giúp cho đồng bào từ chỗ thiếu ăn nay không chỉ vươn lên làm ăn khá mà nhiều hộ đã giàu có. Toàn vùng đã sản xuất ra giá trị hàng hóa hằng năm từ 35 đến 40 nghìn tấn ngô, 20 nghìn tấn đậu các loại. Như Ama Pôn, ở buôn Cư Ðrăm (xã Cư Ðrăm) khẳng định: "Cuộc sống nay đã khác xưa, mình đã chứng kiến cảnh thiếu ăn, thiếu mặc của buôn làng. Nay mọi nhà có của ăn, của để. Nếp sống văn minh hơn, mọi người ăn chín, uống sôi và luôn giao lưu văn hóa với các buôn làng khác trong tỉnh. Ðó là nhờ sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước".

Chương trình trợ giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo cải thiện đời sống cũng là một trong những cách làm giúp mọi người xây dựng cuộc sống ổn định hơn. Nói chuyện với H'Rênh, dân tộc Ê Ðê, ở buôn Linh, xã Ea K'Pam (huyện Cư M'ga, Ðác Lắc), chị cho biết: "Trước đây mình chuyên làm rẫy, đến mùa thu hoạch xong không biết làm gì. Nay mình được Hội Phụ nữ cho đi học lớp hỗ trợ chị em nghèo phát triển đời sống, cho vay vốn để mua hàng tạp hóa phục vụ bà con trong buôn, cho nên gia đình có thêm thu nhập, cuộc sống khá dần". Trong một vài năm trở lại đây, Hội Phụ nữ huyện Cư M'ga đã có phương pháp mới trong việc giúp đỡ chị em nghèo. Ngoài việc tín chấp cho vay vốn, Hội còn vận động chị em xây dựng nhóm tiết kiệm và thông qua nhóm này tiết kiệm được hàng tỷ đồng cho chị em vay phát triển sản xuất. Thời gian qua đã có 426 hộ phụ nữ dân tộc được hỗ trợ vốn. Sau khi chị em vay vốn, Hội có trách nhiệm hướng dẫn cách đầu tư vào sản xuất, kinh doanh... Từ hình thức hoạt động đó, hàng chục chị em thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu.

Ðánh giá về chương trình hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo cải thiện đời sống, chị H'Ngăm, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Ðác Lắc, cho biết: Bằng nhiều hình thức khác nhau, chị em ở cơ sở đã linh hoạt áp dụng cho từng hoàn cảnh, cho nên hiệu quả của chương trình rất khá. Nếu như trước đây mỗi chi hội chỉ đầu tư giúp đỡ một hộ thì nay giúp đỡ 3-4 hộ, mà nhận hỗ trợ thì phải giúp sao cho hộ đó khá lên mới thôi. Muốn cho chị em khá lên, tổ chức hội phải cùng các ngành chuyên môn tổ chức học tập về kỹ thuật canh tác, cách thức đầu tư, phương pháp chọn giống cây trồng, vật nuôi... và tổ chức hội đứng ra tín chấp để chị em được vay vốn sản xuất, kinh doanh. Nếu tính bằng tiền thì chỉ trong thời gian ngắn, Hội đã tín chấp vay 32 tỷ đồng, cho 23 nghìn lượt chị em phụ nữ nghèo vay vốn. Qua chương trình này, hàng nghìn lượt chị em dân tộc thiểu số đã vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định.

Nói về chuyển giao kỹ thuật, Ama Kim, Phó Chủ tịch HÐND xã Ea Drông, huyện Cư M'ga (Ðác Lắc), bộc bạch: Vùng Ea Drông này có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng đồng bào vẫn nghèo, lạc hậu vì cứ canh tác theo "truyền thống". Việc chuyển giao kỹ thuật đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải khác. Ðó là áp dụng hình thức "cầm tay chỉ việc", "tai nghe mắt thấy" thông qua những mô hình trình diễn thì đồng bào mới làm được. Bằng cách đó, nay bà con trong xã đã biết áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất. Là một cán bộ xã, Ama Kim rất lo cho dân, ngoài công tác hành chính, anh còn tích cực đi học các lớp khuyến nông trên tỉnh, trên huyện để về truyền lại cho bà con và lấy ngay rẫy, vườn nhà mình mà áp dụng hướng dẫn bà con.

Cần những giải pháp hữu hiệu

Nền kinh tế Ðác Lắc chủ yếu là nông nghiệp, chiếm 75% trong GDP, toàn tỉnh có 43.646 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 322 nghìn khẩu, hiện đang sản xuất ổn định trên 72.395 ha, bằng 16% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh, nếu chia bình quân thì mỗi khẩu có 0,22 ha đất sản xuất. Qua khảo sát, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn, buôn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo chiếm 30% trong tổng số hộ đồng bào dân tộc tại chỗ, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính, trong khi khả năng đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống của bà con còn chậm, sản xuất còn mang tính thủ công. Ðó là chưa kể nhiều hộ còn thiếu đất sản xuất, đất ở. Cơ sở vật chất phục vụ đời sống còn nghèo nàn...

Nguyên nhân của tình trạng này là một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của thôn buôn, nhất là trong đầu tư để giúp cho thôn, buôn phát triển và xem đây là cơ sở cho sự bảo đảm ổn định an ninh - chính trị bền vững. Cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở chưa thật sự gần dân, gắn bó với dân, thậm chí có nơi chưa hiểu, chưa nắm chắc phong tục, tập quán, tâm tư nguyện vọng của dân để từ đó đề ra những biện pháp cụ thể phù hợp thực tế. Cho dù có đưa tiến bộ kỹ thuật về tận nơi nhưng chưa được thường xuyên, chưa kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của từng nơi, từng lúc; đầu tư còn dàn trải, đầu tư gián tiếp còn nhiều, trong khi đó trực tiếp đến người dân còn ít nên hiệu quả chưa cao.

Sau khi phân tích, đề ra các chỉ tiêu đầu tư và mức phấn đấu, Ðảng bộ và chính quyền Ðác Lắc đề ra giải pháp giúp thôn, buôn phát triển kinh tế - xã hội một cách tích cực nhất. Cụ thể là hằng năm hỗ trợ đầu tư sản xuất theo mô hình tiên tiến, ít nhất mỗi xã có từ một đến hai mô hình, quy mô từ ba đến năm ha đối với trồng trọt. Mô hình này đầu tư trong ba năm về giống, phân bón, vật tư và mức độ đầu tư như sau: đối với hộ khó khăn ở buôn vùng 3 thì năm đầu không thu tiền, năm thứ 2 hỗ trợ 70%, năm thứ 3 hỗ trợ 50%; theo đó các hộ khó khăn ở vùng 2, vùng 1 đều có chế độ đầu tư ưu tiên. Có chính sách, chủ trương cụ thể để xây dựng đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm ở các buôn, phấn đấu mỗi thôn, buôn có một cán bộ khuyến nông - lâm vào năm 2010. Xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho hộ, nhóm hộ hoặc từng buôn để quản lý, bảo vệ và hưởng nguồn lợi từ rừng; mỗi hộ nhận ít nhất 10 ha trở lên, tỉnh hỗ trợ một phần ngân sách để có giống trồng cây phân tán trong vườn, trong rẫy của đồng bào. Từng bước xây dựng kế hoạch nhựa hóa, bê-tông hóa đường liên buôn, đường nội bộ buôn; sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn.

Hiện nay, 365 buôn, thuộc 72 xã cần đầu tư đường dây trung áp là 702 km, đường hạ thế 962 km và trạm biến áp để đưa điện về phục vụ đồng bào. Ngoài ra, còn phải chăm lo việc vay vốn, đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng... và để giúp thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội cần phải huy động mọi nguồn lực, trong đó huy động nội lực, sự đóng góp của xã hội là phương châm xuyên suốt.

Ðầu tư, hỗ trợ giúp thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở Ðác Lắc nói riêng, Tây Nguyên nói chung là nhiệm vụ bức thiết và lâu dài. Nếu xác định và đề ra hướng đi đúng thì các thôn, buôn sẽ phát triển bền vững, đời sống của đồng bào sẽ được cải thiện. Ðây là nhiệm vụ của Ðảng bộ, chính quyền tỉnh Ðác Lắc cũng như các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên vẫn rất cần sự đầu tư nhiều hơn từ T.Ư để giải quyết tốt hơn nữa những khó khăn đang gặp phải ở cơ sở.

NGUYỄN HỒNG