Ngày 2-10-1945, Nha Kỹ nghệ (sau đổi tên thành Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ) được thành lập chính là tổ chức tiền thân của Cục Ðịa chất và Khoáng sản Việt Nam ngày nay, tuy đội ngũ cán bộ địa chất còn ít ỏi, nhưng công tác địa chất đã góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi hòa bình lập lại ở miền bắc, công tác điều tra cơ bản về địa chất lãnh thổ, công tác tìm kiếm - thăm dò mỏ khoáng sản được triển khai mạnh mẽ, có hệ thống và đồng bộ với tinh thần tự lực, tự cường và sự giúp đỡ, hợp tác có hiệu quả của Liên Xô và các nước XHCN trước đây. Thành tựu nổi bật là bộ bản đồ địa chất quốc gia phần miền bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 do tập thể các chuyên gia Liên Xô và các nhà địa chất Việt Nam thành lập xuất bản vào năm 1963. Bộ bản đồ địa chất cùng tỷ lệ cho miền nam do các nhà địa chất Việt Nam chủ trì đã được hoàn thành vào năm 1980 và ngay sau đó được tổng hợp thành bản đồ địa chất thống nhất cả nước (1982)- là dấu mốc quan trọng làm cơ sở cho việc quy hoạch, định hướng điều tra địa chất khoáng sản tiếp theo.
Cụm công trình bản đồ địa chất Việt Nam, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 của tập thể tác giả: Trần Ðức Lương, Nguyễn Xuân Bao, Lê Văn Trảo và Trần Phú Thành chủ biên đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005. Kế theo bộ bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1/500.000, bộ Bản đồ địa chất 1/200.000 cũng đã được hoàn thành vào năm 1994 là thành tựu mới trong công tác điều tra địa chất lãnh thổ với nhiều phát hiện mới về khoáng sản có giá trị, nhất là ở phần lãnh thổ phía nam Tổ quốc.
Công tác điều tra địa chất thủy văn - địa chất công trình (địa chấtTV-địa chấtCT), điều tra địa vật lý khu vực cũng được triển khai một cách đồng bộ và có hệ thống từ những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 1983 đã hoàn thành bộ bản đồ địa chấtTV-địa chấtCT toàn quốc, tỷ lệ 1/500.000. Ðến nay, hơn 70% diện tích cả nước đã được đo vẽ lập bản đồ địa chấtTV-địa chấtCT tỷ lệ 1/200.000. Toàn bộ lãnh thổ nước ta đã được bay đo từ tỷ lệ 1/200.000; đo trọng lực và đo phóng xạ mặt đất tỷ lệ 1/500.000. Các vùng có triển vọng khoáng sản đã đo từ - phổ gamma hàng không tỷ lệ 1/50.000 - 1/25.000, đo trọng lực tỷ lệ 1/100.000 - 1/50.000.
Công tác đánh giá, thăm dò mỏ khoáng sản luôn được coi là nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu, được dành tỷ trọng đầu tư lớn nhất. Về khoáng sản năng lượng. Công tác tìm kiếm, thăm dò được tập trung trước hết và nhiều nhất ở bể than Quảng Ninh, nơi có trữ lượng than lớn nhất của nước ta với tổng tài nguyên than anthracit được đánh giá hơn 6,5 tỷ tấn, trong đó trữ lượng đã tính là 3,5 tỷ tấn. Than mỡ ở tây Bắc Bộ có tổng tài nguyên 26 triệu tấn, trong đó trữ lượng đạt 16 triệu tấn. Việc tìm kiếm, thăm dò dầu mỏ, khí đốt sớm được đặt ra ở vùng trũng Hà Nội và nhất là ở thềm lục địa phía nam Tổ quốc từ sau năm 1975. Ðến nay, kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong nước đã xác định được trữ lượng tiềm năng về dầu khí của Việt Nam ước đạt 4 - 4,5 tỷ m3 quy dầu. Trong đó trữ lượng tiềm năng về khí thiên nhiên chiếm khoảng 55 - 60%, trữ lượng dầu khí xác minh đạt hơn 1,5 tỷ m3 quy dầu tại hơn 60 cấu tạo chứa dầu khí.
Thành tựu nổi bật của ngành địa chất là đã phát hiện và nhanh chóng tìm kiếm, thăm dò mỏ sắt Quý Xa và Thạch Khê. Ðây là hai mỏ quặng sắt lớn nhất nước ta, là cơ sở nguyên liệu quan trọng cho các dự án luyện gang thép công suất lớn trong thời gian tới. Vùng mỏ quặng bô-xít ở Tây Nguyên được đánh giá là có triển vọng đang được các công ty lớn trong nước và nước ngoài quan tâm đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến. Mỏ đồng Sin Quyền đã được phát hiện thăm dò với trữ lượng lớn nhất Việt Nam. Ngoài hai mỏ vàng nổi tiếng là Bồng Miêu, Pắc Lạng được người Pháp khai thác, từ sau năm 1990 nhiều vùng quặng vàng mới đã được các nhà địa chất phát hiện và đánh giá như Trà Năng (Lâm Ðồng), Phước Thành (Quảng Nam), A Vao - A Pey (Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế), Minh Lương, Sa Phìn (Lào Cai) góp phần tăng đáng kể tổng trữ lượng và tài nguyên vàng.
Về khoáng sản làm vật liệu xây dựng đã tìm kiếm, thăm dò đá vôi xi-măng xác định được 84 mỏ với trữ lượng đạt 13.676 triệu tấn, 58 mỏ sét với trữ lượng hơn 1.180 triệu tấn là cơ sở cho phát triển bền vững công nghiệp xi-măng đến năm 2020 và những thập kỷ tiếp theo.
Các mỏ khoáng sản phục vụ công nghiệp phân bón, hóa chất cũng đã được tìm kiếm, thăm dò và đang khai thác như: mỏ a-pa-tít Cam Ðường (Lào Cai), phốt-pho-rít ở Quảng Bình, Thanh Hóa...
Thấy rõ tầm quan trọng của nước dưới đất đối với sản xuất và đời sống của nhân dân, các năm qua ngành địa chất đã đầu tư tìm kiếm, thăm dò nước dưới đất với tỷ trọng từ 15 đến 25% tổng vốn đầu tư cho tìm kiếm, thăm dò khoáng sản. Ðến nay, tổng trữ lượng khai thác nước dưới đất được đánh giá ở 167 vùng khoảng hai triệu m3/ngày cấp A+B; khoảng ba triệu m3/ngày cấp C1 và khoảng 20 triệu m3/ngày cấp C2.
Những ngày đầu mới thành lập, ngành địa chất chỉ có vài nhân viên kỹ thuật. Ngày nay, ngành địa chất có một lực lượng hùng hậu với hàng trăm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, hàng nghìn kỹ sư có trình độ chuyên môn giỏi, dày dạn kinh nghiệm, lực lượng lao động toàn ngành địa chất và khai khoáng trong cả nước hiện có khoảng hơn 200 nghìn người. Thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, lực lượng lao động địa chất đã được tuyển chọn, đào tạo nâng cao và phân bố lại để phù hợp chức năng nhiệm vụ tổ chức mới. Ðồng thời, để hoàn thành nhiệm vụ với yêu cầu chất lượng ngày càng cao, thời gian qua, tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngành địa chất đã từng bước tiến hành đổi mới thiết bị, hiện đại hóa các phòng phân tích thí nghiệm và ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác điều tra cơ bản địa chất, tìm kiếm, phát hiện mỏ như: tin học, viễn thám địa chất, địa vật lý máy bay, địa chất biển, v.v.
Nhiều năm qua, ngành địa chất Việt Nam đã tích cực tham gia và tìm kiếm sự hợp tác, trao đổi với nhiều tổ chức quốc tế, các sở địa chất của nhiều nước trên thế giới với nhiều chương trình nghiên cứu khoa học lớn mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao trình độ cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ và kinh nghiệm tổ chức, quản lý nói chung.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, điều tra địa chất, khoáng sản trong những năm vừa qua không ít hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Ðó là, mức độ điều tra địa chất còn thấp, nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được đánh giá đầy đủ. Lực lượng cán bộ địa chất được đào tạo nhưng chưa có quy hoạch bồi dưỡng thường xuyên có hệ thống cho nên chưa kịp tiếp cận xu hướng mới của khoa học hiện đại, có nguy cơ tạo ra sự hẫng hụt cán bộ trong những năm tới. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nhiều bất cập. Tài nguyên khoáng sản chưa được quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhằm khắc phục những yếu kém nêu trên và để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, nhiệm vụ đặt ra cho ngành địa chất Việt Nam trong thời gian tới là:
Tiếp tục nghiên cứu, điều tra làm rõ cấu trúc, lịch sử phát triển địa chất, cấu trúc sâu, quy luật phân bố khoáng sản, đặc điểm khoáng sản trên lãnh thổ Việt Nam nhằm khoanh định đúng đắn các diện tích có khoáng sản và triển vọng khoáng sản; làm cơ sở cho quy hoạch khoáng sản và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo vùng lãnh thổ và địa phương.
Nghiên cứu, điều tra khoáng sản phát hiện mỏ mới để chuyển giao cho thăm dò tiếp theo. Thăm dò một số mỏ khoáng sản quan trọng nhằm bảo đảm trữ lượng khoáng sản ổn định cho phát triển các ngành công nghiệp then chốt về năng lượng, luyện kim, phân bón hóa chất, vật liệu xây dựng... tạo cơ sở trữ lượng khoáng sản cho dự trữ quốc gia. Các khoáng sản được ưu tiên gồm: đồng, chì, kẽm, thiếc, vonfram, vàng, các khoáng chất công nghiệp, khoáng sản năng lượng, khoáng sản cho sản xuất vật liệu xây dựng, xi-măng.
Ðẩy mạnh công tác điều tra nguồn tài nguyên nước dưới đất, duy trì và từng bước nâng cấp mạng quan trắc quốc gia động thái nước dưới đất hiện có, xây dựng mới một số mạng quan trắc. Ðiều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở các vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng núi phía bắc, Tây Nguyên, ven biển Nam Trung Bộ. Tăng cường đầu tư có trọng điểm cho công tác điều tra địa chất - khoáng sản biển, chú trọng công tác điều tra địa chất môi trường, địa chất công trình, tai biến địa chất bảo đảm cơ sở khoa học cho dự báo, cảnh báo và các biện pháp phòng ngừa kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản của cộng đồng xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, chính sách, cơ chế quản lý nhằm phát triển ngành địa chất đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường vốn đầu tư, đổi mới thiết bị và công nghệ trong nghiên cứu điều tra địa chất - khoáng sản. Ðồng thời quan tâm, chăm lo quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác địa chất, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản có đủ trình độ, nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trong giai đoạn mới.
TRẦN XUÂN HƯỜNG (Cục trưởng Ðịa chất và Khoáng sản Việt Nam)
|