Chị Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội số 2 (tỉnh Hà Tây), rưng rưng nước mắt khi kể về những đứa bé mà các chị thương yêu như con đẻ của mình: bé Rơi, bé Ngô, bé Lúa... Những đứa trẻ ấy, chị và anh em đã nhặt về chăm sóc, nuôi dưỡng. Hầu hết các cháu đều có cha mẹ bị nhiễm HIV. Nhưng đó chỉ là một phần trong công việc hằng ngày của chị Phương và đồng nghiệp ở trung tâm, bởi ở đó còn có 1.000 cô gái đang lao động, chữa bệnh, học tập. Họ còn rất trẻ, có người mới 16, 17 tuổi...
Chuyện của chị Phương chỉ là một trong vô vàn những chuyện vui, buồn mà các đại biểu tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII đã được nghe trong buổi sáng 5-10. Ngồi dưới khán phòng, các đại biểu cùng Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt... không giấu được cảm xúc của mình.
Giành lại cuộc sống
Trung tâm Giáo dục lao động số 2 là nơi tiếp nhận những thành phần được coi là “bất hảo” của xã hội như những con nghiện ma túy, gái mại dâm, người nhiễm HIV... Có đến 90% trong số này mắc bệnh xã hội. Nhiều đại biểu hỏi chị Phương: “Có sợ không khi làm việc trong một môi trường đầy hiểm nguy như vậy?”. Chị thú thật: Lúc đầu rất sợ, nhưng được gia đình, lãnh đạo, đồng nghiệp động viên nên cố gắng làm. Lâu dần thấy hoàn cảnh các em, các cháu thật đáng thương nên xem như con cháu của mình. Và phần thưởng to lớn nhất mà chị nhận được là giành lại cho xã hội những con người lành lặn cả thể chất lẫn tâm hồn. Chính ở nơi đây, nhiều cô gái từng “xem tiền như cỏ rác” đã biết nâng niu, trân trọng những đồng tiền do chính bàn tay mình làm ra, dù đó chỉ là 2.000 đồng/ngày.
Câu chuyện của Thượng tá Phạm Minh Thư (Chỉ huy trưởng sân bay Pleiku) lại khiến nhiều người “dựng tóc gáy” và tự hỏi: Phải chăng có phép lạ khi anh vẫn nguyên vẹn, bình yên sau khi đã lôi 17.549 quả bom, mìn khỏi lòng đất; biến vùng đất chết thành vườn cà phê, hồ tiêu xanh tươi?
Khi được hỏi, vì sao từ một người chuyên làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn bay lại trở thành “chuyên gia gỡ bom, mìn”, anh ngậm ngùi: Chính vì những cái chết thảm khốc của đồng đội và người dân quanh khu vực sân bay Pleiku. Có người chết mà mắt vẫn mở trừng trừng, không hiểu vì sao mình chết; có phụ nữ chết khi sắp đến ngày sinh, đứa bé may mắn được anh và đồng đội mổ xác mẹ cứu sống... Những điều đó như một ám ảnh khiến anh không thể không làm gì.
Trong nhật ký của anh, mọi người không đọc thấy những buồn vui đời thường mà là ngày, tháng và con số bom, mìn đã gỡ. Ngày ít thì 200-300 quả, ngày nhiều thì 400-500 quả. Hơn 10 năm đứng giữa làn ranh mong manh của cái chết và sự sống như vậy, anh vẫn âm thầm giấu vợ con vì sợ những người thân yêu của mình lo lắng. “Hầu hết là làm ngoài giờ và ngày chủ nhật, nên mọi người trong nhà không nghi ngờ gì...” - anh cười vui khi nhớ lại hôm bị vợ phát hiện và cằn nhằn.
Người “tuyên chiến” với đói nghèo, lạc hậu
Ngồi dưới hàng ghế khán giả, Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Nguyễn Văn Lạng tỏ ra thích thú trước những câu trả lời của chị H’Bliak Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Tiên, huyện Krông Ana- nhất là những câu trả lời liên quan đến bộ máy chính quyền các cấp của tỉnh. Ở người phụ nữ Ê Đê dễ thương, đôn hậu đó toát lên một tấm lòng chân thật, một tình yêu thương hết sức sâu sắc với đồng bào mình.
Chị kể: Tám năm trước, dân Ea Tiên sống trong đói nghèo, dốt nát, bệnh tật cùng những hủ tục. Nhận chức chủ tịch xã, chị quyết tâm “tuyên chiến” với đói nghèo, lạc hậu. Đến nay, xã đã có một nhà trẻ khang trang, tám trường học với hơn 6.000 con em các dân tộc được đến trường. Từ một xã với 30% hộ nghèo, đói đến nay chỉ còn 10%, thu ngân sách bạc tỷ.
Mọi người hỏi chị: Vì sao một trong những quan tâm hàng đầu của chị là giao đất cho dân? Chị nói ngay: “Phải để dân làm chủ mảnh đất của mình thì họ mới làm thiệt tình; nếu không thì sẽ làm tới đâu hay tới đó như cũ”. Bên dưới hàng ghế khán giả, ông Nguyễn Văn Lạng lại xúc động khi nghe chị nói: “Tôi được dân thương như con cháu vì gần gũi, sâu sát với dân; lúc nào dân cần, bất kể đêm ngày tôi đều có mặt. Rồi từ ăn mặc, đi đứng, nói năng tôi đều hòa đồng với dân chứ không tỏ ra mình là quan”.
Thắp lên niềm hy vọng...
Câu chuyện “dân thương như con” của chị H’Bliak Niê chưa kịp lắng đọng thì mọi người lại được gặp gỡ, lắng nghe câu chuyện của những “mẹ hiền” đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương. Đó là PGS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện và bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc bệnh viện. Họ được ví như những “ông bụt” đã mang phép màu đến cho các bệnh nhi. Và câu chuyện của họ về hai ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới cho ngành ghép tạng trong nước vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Họ đã chắt chiu, góp nhặt từng chiếc máy, từng con dao mổ, đi xin từng đồng... để có đủ phương tiện và chi phí cho ca mổ lên đến hơn 700 triệu đồng.
GS-TS Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, người khai sinh ngành ghép tạng Việt Nam, tự hào nói về những người đồng nghiệp của mình: “Nếu ví ghép thận là sản xuất một chiếc xe mô tô thì ghép gan được ví như sản xuất một chiếc ô tô, mà là ô tô xịn”. Song, điều quan trọng hơn là sự thành công này đã mở ra hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân có nhu cầu ghép gan mỗi năm.
Làm rạng danh đất Tiền Giang
Một điều khá thú vị là hai người mở đầu và kết thúc buổi giao lưu đều là những người con của đất Tiền Giang: Chị Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Sông Tiền và Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân. Một người lo phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, đổi đời cho cả một vùng đất; còn người kia dốc sức, dốc lòng chăm lo sự bình yên cho nhân dân.
Giờ đây, cả nước biết đến “ông Tư Bốn”- tên gọi thân thương của tướng Nguyễn Việt Thành, như một con người của chính nghĩa. Nhiều người hỏi vị tướng đã ba lần tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc: “Ông có sợ bọn tội phạm ám hại không?”. Ông trả lời ngay: “Không! Bọn tội phạm phải sợ tôi chớ làm sao tôi lại sợ chúng? Có lần anh em sợ tôi bị mưu sát nên bảo đổi xe, tôi từ chối vì Nhà nước đã cấp xe cho tôi thì tôi phải đi chiếc xe đó, sao lại phải sợ mà đổi?”.
Sự lan tỏa của cái đẹp
Gương mặt cuối cùng mà chúng tôi muốn đề cập đến là Giám đốc Nhà máy Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) - ông Trần Quang Vũ. Ông là người đã biến một nhà máy xập xệ, chỉ có thể đóng được sà lan và mang trên vai gánh nặng của món nợ hơn 30 tỷ đồng thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đóng tàu cả nước với đội ngũ công nhân lành nghề.
Buổi giao lưu các gương điển hình tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc đã được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp. Chính vì vậy, không chỉ những người có mặt trong khán phòng, mà rất nhiều người trên khắp đất nước đã được thấy, được nghe những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Và một sự cộng hưởng tất yếu của những trái tim cùng chung nhịp đập đã vang lên bằng hàng nghìn câu hỏi, lời nhắn, sự động viên, khích lệ gửi về cho những người “yêu nước nhất” (chữ dùng của Bác Hồ trong lời kêu gọi “Thi đua ái quốc”) đã được truyền đi khắp đất nước: “Họ đã làm lớp trẻ chúng tôi khâm phục”, “Họ xứng đáng được Nhà nước tuyên dương, nhân dân học tập”, “Chúng tôi rất cảm động khi xem chương trình giao lưu”, “Chúng tôi vô cùng xúc động và nể phục các anh chị”, “Nhà nước cần tổ chức thường xuyên hơn những đại hội thi đua như thế này để chúng tôi được học tập, noi gương”...
Cuộc gặp gỡ đã khép lại. Những người lính trên mặt trận chiến đấu và xây dựng lại trở về với công việc thường ngày. Với họ, sống, làm việc hết mình để cống hiến là lẽ thường của những người con yêu Tổ quốc. Như thể “Đã là sông thì phải chảy, đã là cỏ thì phải xanh, đã là người lính thì phải chiến đấu”...
Chuyện bên lề Đại hội Em bé Hà Nội... “đắt sô” NSƯT Lan Hương là đại biểu nghệ sĩ duy nhất được mời tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII, chị cũng là nhân vật được nhiều đại biểu biết vì đã quá “quen mặt” trên màn ảnh và truyền hình, đặc biệt vai Ngọc Hà trong phim Em bé Hà Nội. Chính vì vậy, trong các giờ giải lao, Lan Hương được rất nhiều người đến làm quen và mời đến trước cửa khu triển lãm thành tựu thi đua 5 năm qua (được trang trí khá đẹp) để chụp ảnh lưu niệm. Còn gì hạnh phúc hơn khi được cả nghìn anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến... quý mến như vậy! Mệt nhưng vui Tham gia phục vụ đại hội thi đua lần này có rất nhiều sinh viên tình nguyện đến từ các trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Ngoại thương, ĐH Quốc gia... Không chỉ tiếp đón tại khách sạn, các sinh viên tình nguyện còn chịu trách nhiệm “trên từng cây số” bên cạnh các đại biểu, vì với rất nhiều người, đây là lần đầu đến Hà Nội. Khi các đại biểu lắng nghe báo cáo trong hội trường, thì ngoài sân, các tình nguyện viên ngủ gục trên mặt bàn chờ đến khi tan họp (vì phải đi cùng các đại biểu từ sáng sớm). “Mệt nhưng vui!” - một sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cho biết thế, vì chẳng mấy khi được làm hướng dẫn cho nhiều anh hùng đến thế. Đại hội có nhiều phóng sự truyền hình nhất Chương trình giao lưu trực tiếp của đại biểu thi đua toàn quốc với khán giả cả nước sáng 5-10, có đến... 30 phóng sự truyền hình. Để có những phóng sự này, VTV3 đã huy động toàn bộ phóng viên đi thực hiện khắp mọi miền, nơi sinh sống của những nhân vật được giao lưu. Để tái hiện cảnh thượng tá Phạm Minh Thư rà phá bom mìn, phóng viên Đức Thành đã tổ chức một cuộc rà phá với một quả mìn “xịn” làm đạo cụ. Trước cảnh quay, đoàn làm phim nín thở vì... sợ, nhưng nhân vật chính thì phẩy tay: “Yên tâm đi, anh làm việc này mãi rồi, không nổ được đâu”.
|
|