SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Lê Thanh Phong Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các dự án mía đường, đánh bắt xa bờ, càphê... vừa hoàn thành bản báo cáo với nhận định, nguyên nhân phá sản của tất cả các dự án là do sự chủ quan từ phía quản lý và thực hiện dự án; vì lợi ích cục bộ của ngành, địa phương. Đặc biệt sau khi gây ra thất thoát, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng, nhưng những người đứng đầu trong việc thực hiện các dự án "làm nghèo" đất nước đó vẫn cứ vững vàng như bàn thạch, leo lên những chức vụ cao hơn hoặc hạ cánh an toàn. Dự án mía đường được duyệt, cả nước đua nhau "chạy", tỉnh nào "chạy" giỏi thì được rót tiền xây nhà máy, bất kể địa phương có vùng nguyên liệu, có năng lực quản lý sản xuất, và có năng lực cạnh tranh trên thị trường hay không? Gần 100 nhà máy đường mọc lên, từ các tỉnh Tây Nguyên, miền Bắc, miền Trung, đến ĐBSCL, "có xây có cất" - ai cũng vui vẻ cả. Để rồi sau đó, phần lớn trở thành đống sắt vụn. Còn phong trào ximăng lò đứng, đua nhau xây khoảng trên 60 nhà máy, làm ăn không hiệu quả nên dẹp tiệm hàng loạt. Đến lượt 100 nhà máy lắp ráp xe máy Trung Quốc, chưa kịp lắp bao nhiêu thì rã đám. Rồi chương trình đánh bắt xa bờ, vốn mất, tàu nằm bờ.
Tất cả các dự án này đều ngốn hàng ngàn tỉ đồng. Có những dự án - như xây dựng nhà máy đường - người ta nhắm mắt nhập dây chuyền công nghệ lạc hậu, bất chấp về sau có hoạt động hiệu quả hay không. Một đất nước còn quá nghèo, gần như để thực hiện các dự án kinh tế lớn đều phải đi vay, xây dựng những công trình lớn cũng phải vay. Nhưng một phần không nhỏ của đồng tiền vay mượn khổ sở đó bị lãng phí do quản lý kém, do chui tọt vào túi tham nhũng. Mai sau con cháu chúng ta phải còng lưng làm để trả nợ.
Số tiền thất thoát từ các dự án này thật khổng lồ, hậu quả của nó để lại đến nay vẫn chưa giải quyết được, nhưng không ai chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý. Khi bàn về các chương trình, dự án này, nhiều ý kiến phát biểu rằng, có dự án thất bại, gây ra lãng phí do không biết thì đã đành, nhưng có những dự án thấy rõ trước là lãng phí mà vẫn làm.
Động cơ, mục đích của cái cố làm đó là gì thì ai cũng rõ, nhưng không ai dám tính sổ với những người thực hiện. Chính vì vậy mà báo cáo của Đoàn giám sát - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định trong công tác thanh tra, kiểm tra, những vấn đề trách nhiệm của cơ quan chủ quản, trách nhiệm cá nhân của người ra quyết định, ra chủ trương đầu tư, trách nhiệm người thực hiện dự án trong hệ thống quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và trong từng dự án cụ thể, thường là chưa được làm rõ. Và nếu không ai phải chịu trách nhiệm trước những thất bại của các dự án đó, thì chắc chắn "kịch bản" lợi dụng các chương trình, dự án kinh tế để tham nhũng, móc ruột ngân sách sẽ còn tái diễn. |