Giới khoa học kêu gọi sản xuất thêm thuốc mới chống cúm gia cầm
Các Website khác - 17/10/2005
Có thể những loài chim
di cư đã mang virus
H5N1 tới châu Âu.
Dịch cúm gia cầm đã lan tới rìa châu Âu, khiến các chính phủ cảnh giác hơn và tăng lượng thuốc Tamiflu dự trữ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc phải phụ thuộc quá nhiều vào một loại thuốc đặc hiệu khi bệnh dịch xảy ra sẽ là một sai lầm lớn.
Gần đây, người ta đã xác định được virus cúm gia cầm H5N1, loại đã giết chết 60 người tại khu vực Đông Nam Á chính là nguyên nhân làm chết hơn 1.000 con gia cầm ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia người Anh cũng đã phân tích các mẫu bệnh phẩm lấy từ xác những con chim hoang dã được gửi đến từ Romania và kết luận rằng H5N1 cũng chính là thủ phạm làm chết những con chim này. Ở cả hai quốc gia này, hàng nghìn con gia cầm đã bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lan rộng hơn của virus.

Phát biểu trước một ủy ban điều tra về nguy cơ bùng phát một dịch cúm gia cầm tại Thượng viện Anh, ông Jan Slingenberg, một quan chức của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho rằng “virus cúm gia cầm H5N1 giờ đây đã xâm nhập vào châu Âu”.

Ngay lập tức, các quốc gia đã tăng cường dự trữ thuốc Tamiflu, loại thuốc chống virus cúm gia cầm chính mà Tổ chức Y tế thế giới giới thiệu. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche Holding AG cung cấp ngay 500 nghìn hộp thuốc. Romania cũng cho biết đang triển khai dự trữ hàng chục nghìn liều thuốc này. Số thuốc dự trữ này sẽ được đem ra sử dụng trong trường hợp virus H5N1 biến đổi gene và có khả năng lây từ người sang người.

Tamiflu hiện là loại thuốc điều trị chống virus H5N1 trên người rất hữu hiệu, nhưng một nghiên cứu mới được công bố trên tờ Nature lại cho thấy tình hình có thể thay đổi. Việc phân tích virus H5N1 từ một bệnh nhân Việt Nam đã được điều trị bằng Tamiflu cho thấy một số virus đã có khả năng kháng lại phần nào đối với loại thuốc này. Bệnh nhân này đã hồi phục sau khi được điều trị bằng Tamiflu liều cao, và việc virus xuất hiện khả năng kháng thuốc một phần là điều không có gì ngạc nhiên. Nhưng nghiên cứu còn chỉ ra rằng khả năng kháng thuốc này có thể sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta cần phải xem xét cẩn thận hơn.

Ông Yoshihiro Kawaoka, một nhà virus học thuộc ĐH Tokyo (Nhật Bản) và là người phụ trách nhóm nghiên cứu nói: “Chúng ta không biết được kiểu đột biến gene này xuất hiện thường xuyên tới mức độ nào. Chúng ta đang quá phụ thuộc vào Tamiflu; chúng ta cần thêm các loại thuốc khác”.

Theo ông, lý tưởng nhất là các quốc gia nên tiếp tục dự trữ Tamiflu. Nhưng nên có nhiều loại thuốc khác nữa để chống lại virus cúm gia cầm, như một phòng tuyến thứ hai. Ngoài Tamiflu, người ta còn biết đến một loại thuốc khác có thể tiêu diệt được loại virus đã xuất hiện khả năng kháng thuốc phần nào là thuốc Relenza. Tuy nhiên, hiện có rất ít quốc gia dự trữ loại thuốc này. Hiện mới chỉ có Đức là dự trữ loại thuốc này với số lượng lớn, ngoài ra còn một số nước châu Âu khác và Mỹ là có dự trữ một ít.

Ông Albert Osterhaus, một nhà virus học tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan), cũng đồng ý rằng các công ty thuốc đã chậm trễ trong việc phát triển các loại thuốc chống virus có thể điều trị cúm gia cầm. Ông cũng lưu ý rằng mặc dù có khả năng thay thế tốt cho Tamiflu nhưng Relenza cũng có những hạn chế. Ông nói: “Tamiflu có thể được lưu trữ với số lượng lớn và trong thời gian dài, nhưng Relenza rất khó dự trữ”. Loại thuốc này được sử dụng bằng một bình xịt, khiến cho nó không phù hợp với trẻ nhỏ cũng như các bệnh nhân nặng. Nhưng ông Kawaoka và Osterhaus cũng đồng ý rằng cần phải phát triển thêm các loại thuốc khác.

Còn ông James Robertson, một nhà virus học thuộc Viện tiêu chuẩn sinh học và Kiểm soát quốc gia Anh đồng ý rằng virus H5N1 kháng Tamiflu rất có thể sẽ trở thành một vấn đề lớn. “Điều này sẽ xảy ra. Một khi bạn bắt đầu sử dụng Tamiflu với số lượng lớn thì việc kháng thuốc sẽ xuất hiện”.

Nhưng ông cũng nói thêm rằng những nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng virus kháng thuốc một phần trong trường hợp này không nguy hiểm như virus H5N1 thông thường. Ông cho biết: “Những virus kháng thuốc dường như là những virus yếu hơn; chúng cũng không sinh sản”. Nhưng một virus kháng thuốc có thể có lần đột biến thứ hai và khi đó chúng sẽ có thể mạnh hơn.

Việc sử dụng thuốc không đúng đắn cũng có thể tạo ra các virus kháng thuốc. Ông Kawaoka nói rằng Tamiflu có thể làm nhẹ các triệu chứng cúm gia cầm ở người chỉ trong hai ngày, khiến cho người ta ngừng dùng thuốc; và điều này sẽ giúp phát triển các virus kháng thuốc. Ông nói: “Để giảm khả năng kháng thuốc của virus, cần phải thực hiện đầy đủ một đợt điều trị kéo dài năm ngày”.

Theo Theo Nature