"Đại gia" ôtô dỏm
Các Website khác - 02/10/2005

"Đại gia" ôtô dỏm

Tô Phán
Bộ Công nghiệp vừa kết thúc đợt hậu kiểm các "đại gia" ôtô (có vốn đầu tư trong nước) tại phía bắc. Kết quả thật bất ngờ: duy nhất một DN đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp các loại ôtô, một DN đủ điều kiện sản xuất xe khách và một DN đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp xe tải dưới 3,5 tấn. Số "đại gia" còn lại không hề đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Công nghiệp.

Kết quả hậu kiểm trên đây cho thấy một bức tranh hỗn độn của nền công nghiệp sản suất ôtô của Việt Nam hiện nay. Ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được chính thị trường "kiểm định", hiện tại cả nước có 20 dự án sản xuất lắp ráp ôtô có vốn đầu tư trong nước đã được cấp phép, và còn có khoảng vài chục dự án khác đang đề nghị được cấp phép mà chủ yếu là theo công nghệ ôtô Trung Quốc. Như thế có nghĩa là trung bình mỗi tỉnh ít nhất có một dự án... làm ôtô. Đã một thời các tỉnh đua nhau xin làm nhà máy ximăng, nhà máy đường... kết cục là dẫn đến hội chứng bội thực ximăng, đường ăn kém chất lượng, còn Nhà nước phải gánh những khoản lỗ khổng lồ. Bây giờ lại xuất hiện hội chứng sản xuất ôtô kém chất lượng.

Trước đây đã cấp phép - cũng có nghĩa là đã kiểm tra theo tiêu chuẩn quy định - bây giờ qua việc hậu kiểm mới lộ ra hai sự nguỵ tạo nguy hiểm. Một là những người cấp phép trước đây đã rất vô trách nhiệm. Hai là đã và đang có nhiều "đại gia" ôtô dỏm. Cả hai sự nguỵ tạo đều dẫn đến hậu quả khôn lường: đưa môi trường và tai nạn giao thông lên đến mức báo động cao hơn nữa, đồng thời là sự lừa gạt người tiêu dùng và đẩy nền công nghiệp ôtô của nước ta đến chỗ quanh quẩn và bế tắc.

Theo ngôn ngữ đời sống hiện nay, "đại gia" dùng để chỉ các chủ doanh nghiệp làm ăn giỏi và lắm tiền nhiều của. Những người chân chính vừa làm giàu cho chính họ và cho xã hội thì phải được tôn vinh là anh hùng. Nhưng cũng có không ít những người đi lừa thiên hạ theo lối vay và quỵt nợ, dùng tiền chiếm đoạt được của người khác để tiêu xài và đầu tư vào dự án này dự án khác. Những người này đã tự khoác cho mình cái áo "đại gia". Hiện nay có mốt đầu tư vào sản xuất lắp ráp ôtô nên cũng đã nổi lên không ít "đại gia" ôtô. Trong đó có "đại gia" thật, có "đại gia" dỏm. "Dỏm" trong trường hợp này là khái niệm dùng để chỉ những người không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật nhưng vẫn được cấp phép mở các doanh nghiệp sản xuất ôtô, để rồi họ sẽ bán những chiếc ôtô kém chất lượng ra xã hội.

Những kẻ mạo nhận là cán bộ nhà nước để đi lừa gạt dù gây thiệt hại cho xã hội nhưng chỉ ở diện hẹp và đơn lẻ, nhưng những "đại gia" dỏm - trong đó có các "đại gia" ôtô dỏm - sẽ gây hại rất lớn trên diện rộng cho xã hội. Bởi vậy, xin hoan nghênh việc hậu kiểm của Bộ Công nghiệp. Không chỉ là hậu kiểm, tiếp theo các cơ quan chức năng cần phải điều tra những phi vụ nhập ôtô của các "đại gia" ôtô hiện nay để làm trong sạch môi trường xã hội.