Dân bầu trực tiếp chủ tịch thành phố: “Đây là một ý tưởng tốt”
Các Website khác - 26/11/2008

 

Ảnh: Võ Văn Thành

Đó là ý kiến của ông Trần Ngọc Vinh (ảnh) - ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - trao đổi với Tuổi Trẻ về việc TP Đà Nẵng xin thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch Tp.

Ông Vinh nói:- Tôi được biết đây mới chỉ là một ý tưởng, mọi việc đang ở giai đoạn khởi động. Chưa rõ đề án để dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND TP, mà báo Tuổi Trẻ đưa tin là ông bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã giao Ban tổ chức Thành ủy soạn thảo, sẽ có “hình hài” như thế nào. Nhưng trước hết tôi cho rằng đây là một ý tưởng tốt. Tất nhiên những ý tưởng tốt không phải luôn khả thi, đặc biệt trong bối cảnh đề án dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã trình Quốc hội vừa được quyết định lùi lại để nghiên cứu thêm.

* Về mặt pháp luật, việc để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND TP có vướng mắc gì không, thưa ông?

- Cũng như việc dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã, nếu để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND TP thì cũng có những điểm chưa phù hợp với hiến pháp và một số văn bản pháp luật có liên quan.

Đơn cử theo quy định pháp luật hiện hành, HĐND TP là cơ quan bầu ra chủ tịch UBND TP. Tất nhiên đề án của Đà Nẵng phải xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và trong trường hợp được chấp thuận thì có thể tiến hành thí điểm. Quốc hội vừa quyết định thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, tinh thần là thí điểm xong mà thấy mô hình hiệu quả sẽ xem xét sửa đổi bổ sung hiến pháp để triển khai toàn quốc.

* Thông tin ban đầu về đề án cho biết lộ trình bầu chủ tịch UBND TP sẽ có ít nhất ba ứng cử viên tham gia tranh cử, ông nghĩ sao?

- Tôi ủng hộ xu thế mở rộng dân chủ trực tiếp, nhưng đây là câu chuyện liên quan đến cả hệ thống chính trị. Dù có bao nhiêu ứng cử viên tham gia tranh cử, mục tiêu cuối cùng là chọn được người có tâm, có tài và vì dân.

Tuy nhiên nếu chúng ta không làm rõ quy trình sẽ không tránh khỏi luẩn quẩn và đi vào hình thức. Cần lưu ý rằng lâu nay chúng ta thực hiện dân bầu trực tiếp trưởng thôn, nhưng thôn không phải là một cấp chính quyền, với một tổ chức chính quyền thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.

Mở rộng dân chủ trực tiếp là để tăng cường vai trò của người dân trong việc xây dựng và giám sát bộ máy nhà nước, nếu quy trình không tốt sẽ không đảm bảo được mục tiêu này. Ví dụ: khi ứng viên ra tranh cử sẽ hứa hẹn rất nhiều, trúng cử rồi thì không làm việc vì lợi ích lâu dài mà chiều theo lợi ích trước mắt của một bộ phận người dân để đạt được mục đích của mình, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm?

VÕ VĂN THÀNH thực hiện