Ngày 11.9, một chiếc sà lan của Ban chỉ huy công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm đã bị người dân sống trong khu vực công trường xây dựng cầu Thủ Thiêm trên địa bàn quận Bình Thạnh ném đá, không cho cập bến. Tình trạng người dân tổ chức ngăn cản không cho thi công đã kéo dài từ một tháng nay.
Công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm phía Q.Bình Thạnh, ngày 11.9 vẫn im lìm |
Ông Lê Toàn - GĐ Khu quản lý giao thông đô thị (chủ đầu tư dự án) - lo lắng cho biết: Chủ đầu tư, nhà thầu đã không ít lần nhờ lực lượng công an hỗ trợ, song đến nay vẫn chưa có kết quả, người dân vẫn cản trở công tác thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Trong khi bên bờ phía Q.2, 100% mặt bằng đã giao cho nhà thầu và hiện việc thi công diễn ra thuận lợi, thì phía địa bàn Q.Bình Thạnh công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn ngổn ngang. Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, trong tháng 4.2005, Q.Bình Thạnh phải hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay chỉ mới có 146/246 hộ của giai đoạn I bàn giao mặt bằng.
Qua tìm hiểu của PV, phần lớn những người dân gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thi công đều thuộc diện không được bồi thường, thay vào đó họ chỉ được nhận tiền trợ cấp di dời. Trước đây (ngày 27.8), tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra thực hiện Luật Đất đai của Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND quận Bình Thạnh cho rằng trong số hơn 200 hộ bị ảnh hưởng phải giải toả để xây dựng cầu Thủ Thiêm, có đến 71 hộ không đủ điều kiện để được bồi thường (chỉ được hưởng tiền hỗ trợ di dời) với lý do đất ở có nguồn gốc lấn chiếm. Hầu hết, hộ dân trong diện này chỉ nhận được số tiền hỗ trợ di dời không quá 20 triệu đồng/hộ, thậm chí có hộ chưa tới 10 triệu đồng. Hơn thế, những hộ dân nằm trong diện này cũng không đủ điều kiện để được hưởng suất tái định cư.
Trong khi đó, theo người dân, khu dân cư họ đang sinh sống đã hình thành từ trước năm 1980, theo quy định của Luật Đất đai 1993, họ đủ điều kiện để được bồi thường và bố trí nơi ở tái định cư. Đây cũng chính là vấn đề mà tại buổi làm việc với UBND quận Bình Thạnh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ đã đề nghị chính quyền địa phương: "Xem xét kỹ hơn đối với các trường hợp Q.Bình Thạnh cho là lấn chiếm, bởi Luật Đất đai 1993 đã quy định, sử dụng đất trước 15.10.1993, nếu không tranh chấp và phù hợp quy hoạch sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Luật Đất đai 1993 đã giải phóng cho người dân ở điểm này, không tính đến nguồn gốc đất...".
Còn theo ông Nguyễn Khải - Trưởng đoàn kiểm tra: "Nhà nước không khuyến khích người dân xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm. Nhưng vấn đề ở đây nếu xử lý thì phải xử lý ngay khi nó mới xảy ra. Nếu đã không xử lý thì phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân từ năm 1993 để đến bây giờ khi giải toả, người dân được hưởng đầy đủ quyền lợi".
Nếu chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan không giải quyết rốt ráo những vướng mắc hiện nay cho thấu tình đạt lý, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cầu Thủ Thiêm, khó có thể hoàn thành cầu đúng thời hạn 14 tháng.
Ngày 11.9, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Lao Động, ông Trần Văn Quang - Trưởng ban Chỉ huy công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm trên địa bàn quận Bình Thạnh - cho biết, hôm nay (thứ hai - 12.9) các bên liên quan sẽ ngồi lại với nhau để xem xét giải quyết vấn đề này.
(Theo Lao Động)
▪ Lính sinh viên tình nguyện (12/09/2005)
▪ Về nơi tiếng trống năm ba mươi còn vang vọng (12/09/2005)
▪ Nhức nhối tình trạng vi phạm an toàn giao thông đường sắt (12/09/2005)
▪ Sục sôi một phong trào cách mạng (12/09/2005)
▪ Kiều bào phát huy truyền thống, hướng về Tổ quốc (12/09/2005)
▪ 30 xe ôtô thoát hiểm nhờ đường cứu nạn (12/09/2005)
▪ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh làm việc tại Bình Dương (12/09/2005)
▪ Tỉnh táo du học (12/09/2005)
▪ Sau 2 ngày súc xả, nước máy đã bớt đục (12/09/2005)
▪ 'Cò' lộng hành ở các bệnh viện (12/09/2005)