Bí thư Thành uỷ Hà Nội - Phạm Quang Nghị tại Hội nghị thường kỳ BCH Đảng bộ TP đã nói rằng, lời than về cán bộ ở cơ sở, xã phường còn nhiều.
Công bộc... của ai?
Chỉ có đoạn đường dài hơn 200 mét ở cuối đường Trung Kính thuộc phường Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội). Nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì không biết bao tai nạn xảy ra vì do nước ngập nên người đi đường không biết đâu là "ổ voi", "ổ trâu" để mà tránh. Nhiều HS ngã lấm bùn đất không thể đến trường đúng giờ học.
Chứng kiến cảnh cụ già trên 80 tuổi bị ngã do con trai chở bằng xe máy sa xuống hố trên đường khiến tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố (TDP) 66 không thể không ra phường báo cáo chính quyền. Do đã kêu quá nhiều về con đường khổ ải này mà chính quyền không hồi âm, buộc cán bộ tổ dân phố phải gọi đến đường dây nóng của báo để mời... chứng kiến.
Ông tổ trưởng, tổ phó đều râu tóc bạc phơ, cùng nhà báo bước vào phòng của phó chủ tịch phường (PCT). Ông PCT hỏi: "Các bác có chuyện gì?". Ông tổ trưởng trình bày sự nguy hiểm của đoạn đường này và mong muốn chính quyền làm sao để có con đường an toàn cho dân đi. Ông PCT hỏi lại: "Ai bảo dân đi đường đấy". Tổ trưởng TDP: "Vậy, xin ông chỉ cho dân một con đường để đi. Thưa ông, đó là con đường duy nhất".
Tôi trình thẻ nhà báo và mời ông PCT cùng đến lội đoạn đường đó để xem dân đi khổ như thế nào thì ông PCT mềm lời ngay và nói: "Chúng tôi sẽ trình với quận, mở ngay "con đường máu" để dân đi". Nói rồi, ông chỉ lên bản đồ cho tôi hay "con đường máu" sẽ mở cho dân.
Đã gần hai năm, "con đường máu" vẫn chưa được mở, cuối cùng thì không một người dân nào trong tổ dám đảm nhận chức danh tổ trưởng, tổ phó. Ba tháng rồi, TDP 66 vẫn không có tổ trưởng, tổ phó TDT. Chính quyền phường không một lần đến gặp dân.
Chủ nhà 706 HH2 khu đô thị Contrexim phản ánh với đường dây nóng: "Trong trận mưa lụt vừa qua, Chủ tịch TP nói, cán bộ chính quyền phải đến với dân để xem dân khó khăn, cần gì. Thế mà tôi đem đơn ra gặp chủ tịch phường trình bày, nhờ sự can thiệp của chính quyền với chủ đầu tư khu đất còn để trống, để các cháu đi nhờ, tránh một đoạn đường ngập khá sâu để an toàn tính mạng.
Ông Hiếu - Chủ tịch phường cầm đơn - nói: "Tôi chỉ cho bác đi đường này...". "Thưa ông chủ tịch - tôi vẫn nhẹ nhàng nói, nếu đi đường đó thì xa mất từ 4 đến 5km, trong khi chính quyền chỉ cần tác động mở một tấm tôn là các cháu đi được". Ông chủ tịch phường: "Bác cứ về đi, tôi cho cán bộ xuống xem". Dân chờ mãi chẳng thấy chính quyền đâu, thôi đành tự đi "đàm phán" để tìm đường an toàn cho con em. Chờ chính quyền biết đến bao giờ?".
Sáng 26.11, đường dây nóng lại nhận được lời kêu cứu của người dân tổ 45 phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội): "Bây giờ chúng tôi không có đường đi". Có mặt tại hiện trường mới thấy người dân phản ánh là đúng. Chính quyền khai thông dòng chảy chống úng ngập, nhưng phá cầu tạm thì cũng phải "khơi thông" đường đi cho dân, chứ không thể bỏ mặc dân sống trong cảnh giữa thủ đô mà không có đường đi lại. Dư luận cũng đã từng lên tiếng có vợ chồng già ở quận Hai Bà Trưng phải bắc thang vượt tường sang nhà hàng xóm để đi nhờ vì bị bịt lối đi mà chính quyền "tắc" mãi không giải quyết nổi.
Người dân ở khu vực nông thôn lại than kiểu khác: Vì cán bộ là người trong làng, trong xóm nên thái độ, lời nói với dân không hống hách, nhưng khổ nỗi để tìm được ông cán bộ để chứng thực, để giải quyết thì không biết tìm các vị ở đâu. Có nơi cán bộ chính quyền cơ sở chỉ làm việc buổi sáng, còn buổi chiều thì... nghỉ để làm việc nhà.
Bà Nguyễn Thị Sáng (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) lại than phiền về trình độ cán bộ cơ sở còn quá hạn chế, không nắm thông chính sách nên "hành" người dân đi hết "cửa" này đến "cửa" khác, đi một vòng mới biết bị cán bộ hướng dẫn sai.
Trên đây chỉ là vài trường hợp được trích dẫn làm ví dụ. Đường dây nóng - Báo Lao Động tiếp nhận được quá nhiều phản ánh của nhân dân than phiền về "công bộc" cấp cơ sở, chủ yếu là thái độ, lời nói thiếu tôn trọng nhân dân, nhất là thái độ với người lớn tuổi. Đồng thời, cán bộ chính quyền phường, xã bây giờ ít đến với dân quá.
Ông Nguyễn Đức Bách - cán bộ hưu trí than phiền: "Tiếp dân mà cán bộ bây giờ lại tiết kiệm lời nói đến thế, mặt thì lạnh tanh, dân hỏi trả lời cứ ậm ừ, gật và lắc. Nhiều người dân cố hỏi cho ra vấn đề thì lập tức gắt gỏng, nói trống không. Nghĩ mà thấy buồn cho lớp cán bộ trẻ của cấp chính quyền. Họ không được đào tạo văn hoá công sở - nhất là khi ở cơ quan chính quyền gần dân nhất. Dân mất dần niềm tin chính là những cán bộ không thực sự là công bộc của dân. Nhiều vụ việc đơn giản, nhưng do năng lực và trình độ, quan liêu của cán bộ chính quyền cơ sở nên đã trở thành điểm nóng".
 |
Minh họa: Choai. |
Nguyên nhân: Trình độ, năng lực?
Một cán bộ công tác lâu năm tại một phường ở trung tâm thủ đô than thở: Thử hỏi, có mấy người trẻ tốt nghiệp ĐH mà lại chịu về làm cán bộ phường. Họ có nhiều lựa chọn tốt hơn là làm việc ở cái cấp phải chịu cả sức ép từ trên xuống (quận, TP) cũng nhiều, mà từ dưới lên (phía người dân) cũng không ít. Đồng lương thì hạn chế. Đa phần những người làm việc tại phường, nếu không phải là những cán bộ lớn tuổi đã thôi công tác tại đơn vị, cơ quan như tôi, về tham gia để đỡ nhớ công việc thì cũng là những anh chị thanh niên mà việc học tập lỡ dở, làng nhàng, hoặc là con em của cán bộ phường...
Thực trạng nhiều cán bộ phường mới chỉ có bằng tốt nghiệp THPT hoặc thậm chí mới tốt nghiệp bổ túc, không qua đào tạo chuyên môn, nhưng vào làm những vị trí đòi hỏi chuyên môn, sau đó tự đào tạo lại hoặc học hỏi qua thực tế, đang tồn tại ở nhiều phường. Nói tóm lại, khâu "đầu vào" của cán bộ phường vẫn khá dễ dàng về mặt bằng cấp so với các cơ quan, đơn vị khác, đương nhiên dẫn tới trình độ chuyên môn cũng có hạn chế, đặc biệt là trong những lĩnh vực hết sức nhạy cảm hiện nay như địa chính...
Nói về năng lực chuyên môn của cán bộ phường là một câu chuyện dài không có hồi kết và cũng là vấn đề khá nhạy cảm. Khá nhiều lãnh đạo các phường trên địa bàn HN đã từ chối khi chúng tôi tìm hiểu về vấn đề đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phường. Nhưng cũng có cán bộ thẳng thắn: Năng lực chuyên môn thì mọi người phải tự đào tạo thôi. Nếu cử đi học nâng cao thì lấy ai ra tiếp dân?
Có cán bộ phường cho biết phần lớn bây giờ công tác đào tạo lại phải dựa vào những khoá tập huấn chuyên môn do TP, quận tổ chức. Thế nhưng những khoá đào tạo này không có nhiều, mà kết quả thực sự thu được từ những khoá đào tạo như vậy ra sao cũng còn là điều đáng bàn. Một điều quan trọng nữa là cán bộ xã, phường ngày nay ít rèn luyện, tu dưỡng. Chính vì vậy, họ quan liêu, xa dân cũng là chuyện thường ngày.
Ông Nguyễn Chí Mậu - Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức): Năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn của cả cán bộ chuyên trách dân cử lẫn cán bộ công chức hiện vẫn còn yếu. Cán bộ công chức tại địa phương về cơ bản đã được chuẩn hoá. Các cán bộ công chức cũ thì hầu hết được đào tạo lại với các hệ tại chức đại học là chủ yếu. Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc tới nghịch lý: Cán bộ công chức cũ hạn chế về trình độ, nhưng lại có bề dày kinh nghiệm; các cán bộ công chức mới qua thi tuyển, trình độ có thể hơn, nhưng kinh nghiệm lại thiếu...
Ông Nguyễn Trọng Tỵ - Chủ tịch UBND xã Cát Quế (huyện Hoài Đức): Trong cơ chế hiện nay, chúng tôi đang phải tiếp nhận, xử lý một khối lượng công việc rất nặng nề, thuộc rất nhiều mảng khác nhau. Tuy nhiên, chính cơ chế này cũng tồn tại rất nhiều bất cập. Cán bộ địa phương không được đào tạo bài bản; nhiều chính sách thay đổi liên tục song chúng tôi lại ít được bồi dưỡng nghiệp vụ, việc nắm bắt thông tin chậm dẫn tới thiếu nhanh nhạy trong xử lý công việc; chế độ đãi ngộ còn thấp. Đa phần cán bộ có bằng cấp trung cấp, bằng đại học đếm trên đầu ngón tay... Giang Hải ghi
|