Dành 60.000 tỷ đồng vốn vay cho người nghèo
Các Website khác - 19/09/2005
Thu hoạch lúa mùa ở xã Nan Ma,
huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang -
một điển hình của kết quả giảm nghèo
(2001 - 2005)
Ngày 15-9, Bộ LĐ-TB-XH đã báo cáo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 trước Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, có cuộc trả lời phỏng vấn về những mục tiêu, ưu đãi cụ thể đối với người nghèo được đề cập trong Chương trình này.

Mở rộng đầu tư hạ tầng cho các xã nghèo ven biển

- Thưa ông, trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 vấn đề vốn đầu tư được đặt ra như thế nào?

- Nhà nước đã có kế hoạch tăng nguồn vốn đầu tư cho công cuộc giảm nghèo. Cụ thể, sẽ không chỉ đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn mà mở rộng ra các xã nghèo ven biển vì nơi đây vẫn còn rất nghèo, cơ sở hạ tầng còn rất thiếu thốn, vốn sản xuất kinh doanh của bà con cũng còn khó khăn, vì thế Nhà nước sẽ đầu tư mạnh.

Trong những năm tới Nhà nước còn tập trung đầu tư giải quyết bằng được các vấn đề hết sức cơ bản đối với người nghèo như: đất sản xuất, hỗ trợ cho bà con dân tộc có được ngôi nhà có thể sinh sống ổn định. Mục tiêu năm năm tới là sẽ phải xóa được 500.000 căn nhà dột nát...

- Một trong những nguồn lực cơ bản giúp cho các hộ nghèo vươn lên để thoát nghèo là vốn cho sản xuất kinh doanh, vấn đề này được chương trình tính toán ra sao?

- Vốn tín dụng cho người nghèo được thực hiện chủ yếu qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Tinh thần là sẽ mở rộng các loại hình cho vay, không chỉ đáp ứng cho các hộ nghèo về vốn sản xuất mà còn cho vay cả với thành viên trong các hộ nghèo đi xuất khẩu lao động (có thể cho vay đến 20 triệu đồng/người).

Riêng về vốn tín dụng Nhà nước sẽ tăng lên hàng năm, trong 5 năm tới, vốn tín dụng cho người nghèo vay ưu đãi sẽ chiếm đến 58% tổng mức đầu tư cho công tác giảm nghèo (dự kiến 60.000 tỷ đồng).

- Tổng số vốn tín dụng cho người nghèo sẽ tăng lên nhưng hạn mức vay, lãi suất, thời gian trả vốn... có những gì ưu đãi hơn so với hiện nay, thưa ông?

- Sau khi Chính phủ chính thức phê duyệt chương trình thì một số Bộ chức năng và Bộ LĐ-TB-XH sẽ bàn bạc với Ngân hàng Chính sách xã hội một cách cụ thể về vấn đề này.

Theo tôi biết cả hạn mức vay, thời gian vay sẽ nâng lên, lãi suất sẽ giảm đi và đặc biệt là thủ tục cho vay sẽ được cải tiến theo hướng đơn giản.

- Nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về vốn cho người nghèo trong những năm tới họ đang thiếu ít nhất là gần 9.000 tỷ. Đây cũng là số tiền không nhỏ, thưa ông?

- Nhà nước sẽ có kế hoạch bổ sung hàng năm khoảng 500-700 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với số vốn hết chu kỳ vay thu về hàng năm thì vấn đề vốn tín dụng sẽ không đáng lo lắng.

- Thưa ông, thực tế đã xảy ra chuyện có hộ nghèo ở vùng cao được vay vốn tín dụng xóa đói giảm nghèo về nhưng chỉ biết mang tiền cất lên gác bếp, sau đó đến hạn đem trả ngân hàng và chịu lãi suất?

Các chỉ tiêu chủ yếu hướng đến trong giai đoạn 2006 - 2010

- Thu nhập của nhóm nghèo tăng 1,45 lần so với 2005
- Các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu
- 6 triệu lượt hộ nghèo được vay tín dụng ưu đãi
- 4,2 triệu lượt hộ nghèo tập huấn về khuyến nông lâm ngư
- 1,5 triệu người được miễn giảm phí học nghề
- 15 triệu người được khám chữa bệnh miễn phí khi đau ốm
- 19 triệu lượt học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, tiền xây dựng trường
- 500 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm

(Nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo
2006 - 2010)


- Trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo 2006-2010, một trong những mục tiêu hàng đầu là hướng dẫn cho bà con cách thức sử dụng đồng vốn. Để tránh xảy ra rủi ro về vốn tín dụng cho bà con, chúng tôi dự kiến sẽ áp dụng cách thức mà một số nước đã làm kiểu như bà con cần mua con bò thì cứ mua với người bán, Nhà nước sẽ đứng ra thanh toán.

Có thêm ưu đãi trong những dịch vụ cơ bản

- Các chuyên gia của các tổ chức quốc tế khuyến cáo chúng ta rằng để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo cần phải tạo điều kiện cho họ được tiếp cận các dịch vụ cơ bản nhất, ông nghĩ gì về khuyến cáo này?

- Chúng ta đang thực hiện theo hướng này. Thí dụ như hai dịch vụ cơ bản nhất là giáo dục và y tế thì hiện nay ốm đau người nghèo được khám chữa bệnh với hai cơ chế là cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và cứ đến khám nhà nước sẽ thanh toán.

Trong chương trình mục tiêu, sắp tới Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các cơ sở y tế gần và sát dân hơn để đáp ứng nhu cầu của dân. Về giáo dục, con em hộ nghèo được đến trường, được cung cấp sách giáo khoa, được miễn hoặc giảm các khoản đóng góp.

- Sắp tới những ưu đãi cho người nghèo về hai dịch vụ cơ bản là giáo dục và y tế có được tăng lên không, thưa ông?

- Có thể tăng lên. Nếu mức sống xã hội tăng lên thì mức ưu đãi cũng sẽ được điều chỉnh tăng tương ứng. Thí dụ tháng 10-2005 chúng ta thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu thì các ưu đãi cũng phải tăng theo.

Bên cạnh đó, nếu từ ngày 1-1-2006 khi chúng ta áp dụng chuẩn nghèo mới (200.000 đồng/người/tháng đối với nông thôn và 260.000 đồng với khu vực thành thị) thì số hộ nghèo sẽ tăng từ 8% hiện nay lên khoảng 27% và do đó diện được hưởng ưu đãi cũng rộng hơn. Điều này khiến cho đời sống xã hội được nâng lên và việc giảm nghèo sẽ bền vững hơn.

Ưu đãi nhưng không phải bằng bao cấp

- Thưa ông, tuy chúng ta đã dũng cảm điều chỉnh chuẩn nghèo lên một mức mới nhưng so với chuẩn nghèo của khu vực và thế giới thì chuẩn nghèo của ta vẫn còn rất thấp?

- Không nên so sánh theo tỷ giá hối đoái mà phải so sánh giá trị hàng hóa chuyển đổi. Hiện nay thế giới tính thu nhập dưới 2 USD/người/ngày là mức nghèo khổ nhưng với nước ta nếu có thu nhập như thế lại có cuộc sống khá sung túc do hàng hóa của chúng ta rẻ.

Ngân hàng Thế giới ước tính về sức mua, 1 USD chỉ tương đương với 2.800 đồng. Như thế, thì với chuẩn nghèo mới, thu nhập của mỗi người nghèo nước ta là trên 2,2 USD/ người/ ngày.

- Xin được hỏi câu cuối, điều mà ông kỳ vọng nhất ở Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 là gì?

- Tôi khẳng định đất nước ta và từng địa phương còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng do chúng ta chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để đáp ứng đúng cái mà người nghèo cần. Nếu đáp ứng được điều này công tác giảm nghèo của chúng ta sẽ tiến triển rất nhanh.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Tiền phong