Những kẻ quất ngựa truy phong
Anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ tại phường 3, TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, H. - đứa con gái đầu lòng mới 16 tuổi của anh bị một thanh niên tên T., ở xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo, Tiền Giang) làm cho có bầu và sinh con. Lúc đầu, T. thừa nhận đứa bé là con của mình và hứa sau khi sinh nở sẽ rước cả mẹ và con về nuôi. Nhưng sau đó ít hôm thì cả gia đình T. đổi ý, phủ nhận tất cả.
Anh Thanh làm đơn gửi tòa án huyện Chợ Gạo xin truy nhận cha cho cháu ngoại. Dù có nhiều nhân chứng cho mối quan hệ tình cảm giữa H. với T., nhưng T. vẫn kiên quyết không nhận con. Tòa trả hồ sơ, hướng dẫn anh Thanh đưa đứa trẻ đi giám định ADN và gia đình anh tá hỏa khi biết rằng khoản tiền trả cho việc này đến 12 triệu đồng. Nhà nghèo, anh Thanh đành cam chịu nuôi cháu ngoại.
Đến một xóm nhỏ ở phường 6, thị xã Tân An (Long An), chúng tôi gặp đến 6 đứa trẻ không có cha. Phân nửa số này phải nghỉ học vì nhà không tiền, mẹ chúng thì đau khổ, tủi hận do bị người tình phụ bạc. Nguyễn Văn Vịnh, năm nay 12 tuổi mà mới đang theo học lớp 4 và học rất kém bởi không có người chăm sóc, có hôm cháu phải nhịn đói đến lớp. Theo chị Nguyễn Thị L. - mẹ cháu Vinh, cha của nó hiện ở cùng xóm, nhà khá giả nhưng không chịu nhận Vịnh là con. Chị L. cũng nghĩ đến việc truy nhận cha cho con về mặt pháp lý, nhưng không thể đào đâu ra một khoản tiền lớn để giám định AND.
Hoàn cảnh ông Nguyễn Văn Nùng, sống trong cảnh chạy gạo từng lon, nhưng phải cưu mang đến 2 đứa cháu ngoại "vô thừa nhận". Mẹ của chúng là Nguyễn Thị U., bị chậm phát triển trí não nhiều lần bị thanh niên trong xóm dụ dỗ quan hệ tình dục.
Nếu không can thiệp bằng biện pháp y học thì ông Nùng đã nuôi 5, 7 đứa cháu chứ không phải hai như hiện nay. Đứa đầu lòng, chị U. cho biết cha đứa trẻ là một thanh niên trong xóm, nhưng cha mẹ anh này không chịu nhận, ông Nùng cũng đành chào thua vì không có khả năng kiện tụng. Một thời gian sau ở xóm có anh R. từ nơi khác đến định cư và quan hệ tình cảm với chị U., hứa khi có con sẽ nhận nuôi. Nào ngờ khi chị U. mang bầu được 9 tháng thì anh ta đã cuốn gói về quê, gửi lại lời thách thức: "Nó là con tôi đó, nhưng tôi không nhận, ông làm gì tôi?
Giám định gen có phải cách duy nhất?
Nhiều luật sư ở Long An, Tiền Giang cho biết, cái giá giám định ADN không chỉ làm khó những cô gái nghèo nhẹ dạ, mà ngay cả những cô con nhà khá giả cũng phải nuốt lệ. Có nhiều người đến nhờ luật sư đứng ra bảo vệ quyền lợi cho đứa trẻ, nhưng sau đó rút đơn vì cho rằng việc truy nhận cha cho con chẳng khác nào đánh bạc với kẻ bội tín. Bởi lẽ, khi bỏ ra 12 triệu đồng giám định cho kết quả đúng người đàn ông đó, tòa xử buộc anh ta nhận con thì phía người phụ nữ cũng vẫn thiệt thòi trong thi hành án.
Ở Long An có nhiều trường hợp, có kết quả giám định gen và phán quyết của toà án rồi nhưng kẻ "quất ngựa truy phong" lại không có khả năng tài chính. Cuối cùng người đi kiện cũng đành tiền mất, tật mang.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều thẩm phán ở TAND tỉnh Long An cho biết, giám định ADN là cơ sở khoa học để tòa xem xét đưa ra phán quyết đứa trẻ đó là con của ai, cũng như buộc anh ta phải truy nhận con. Tuy nhiên, trong thực tế, khi xét xử không nhất thiết áp dụng một cách máy móc như vậy. Trước hết, cơ quan xét xử có thể căn cứ vào những chứng cứ trực tiếp trong quá trình quan hệ tình cảm giữa người nam và người nữ để phân xử.
Ngoài ra, toà án còn có thể áp dụng phương pháp loại trừ nhằm giảm thiểu tốn kém cho người phụ nữ. Đó là tiến hành thử máu, nếu giữa đứa trẻ và người đàn ông trong vụ án cùng nhóm máu, có dấu hiệu quan hệ huyết thống thì tòa đưa ra hòa giải, động viên phía bị đơn nhận con. Trong trường hợp anh ta không chấp nhận mới tiến hành bước thứ hai là giám định gen.
Theo các thẩm phán, chi phí giám định gen hiện nay quá lớn đối với những phụ nữ nghèo, nhưng tòa án không thể giúp gì cho họ, bởi không có kinh phí ứng trước. Có ý kiến cho rằng các cơ quan bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em nên vận động gây quỹ truy nhận cha cho con để ứng giúp khi cần thiết.
Theo
▪ Một kiểu "ăn chặn" tiền của ngư dân (09/09/2008)
▪ ĐBSCL : Lúa đầy nhà, không tìm ra người để bán (09/09/2008)
▪ "Tái nghèo có xu hướng tăng" (09/09/2008)
▪ Chen nhau đi học lái xe ôtô (09/09/2008)
▪ Hơn 100 cảnh sát chữa cháy tại khu công nghiệp (09/09/2008)
▪ Sắp hoàn tất cắm mốc biên giới đất liền Việt - Trung (06/09/2008)
▪ Công chứng tư: còn nhiều băn khoăn (06/09/2008)
▪ Tài xế xe cứu thương bị hành hung sau tai nạn (06/09/2008)
▪ Lãng phí tiền tỷ vì những công trình siêu ì (06/09/2008)
▪ Kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần (05/09/2008)