Một kiểu "ăn chặn" tiền của ngư dân
Các Website khác - 09/09/2008
 Gần đây, ở Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi xuất hiện một số “cò” chuyên đi làm thủ tục giùm để nhận tiền hỗ trợ cho ngư dân. Tình trạng “đục nước béo cò”, ăn chặn tiền của ngư dân đang gây nhiều bức xúc...

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về chính sách hỗ trợ cho ngư dân theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ, gần đây, ở Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) xuất hiện một số “cò” chuyên đi làm "giùm" thủ tục để nhận tiền hỗ trợ. Tàu nào lâu nay thiếu nhiều thủ tục thì tốn nhiều tiền "cò". Có tàu làm đủ hết mọi thủ tục phải tốn đến hơn chục triệu đồng, trong khi các khoản lệ phí hoặc chi phí thật sự mà chủ tàu phải nộp chỉ bằng nửa chừng ấy.  

Muốn đo tàu nhanh phải chi tiền “bồi dưỡng”

Thôn Định tân, xã Bình Châu có hàng trăm tàu đánh bắt thuỷ sản, điều đáng nói nhiều tàu chỉ đánh bắt gần bờ, hoạt động theo cách truyền thống ra vào cửa biển không trình báo với lực lượng Biên phòng nên không thực hiện đăng ký, đăng kiểm.  

Chính vì vậy mà để nhận hỗ trợ theo QĐ 289 của Chính phủ thì các tàu phải có đầy đủ thủ tục, giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, với nhiều ngư dân ở đây thì “mù” chuyện làm thủ tục. Từ đó tại đây xuất hiện một số “cò” làm thủ tục, kể cả việc đo lại tàu để làm đăng ký, đăng kiểm. Ngư dân nào nhờ “cò” thì được đo tàu rất nhanh, còn tự đi thì còn lâu. Mỗi lần có đoàn cán bộ đăng kiểm trên tỉnh xuống đo ghe, xem máy tàu… để làm các thủ tục, thì những chủ tàu chưa có thủ tục đăng ký, đăng kiểm phải chi tiền “phong bì” mới được làm nhanh, còn không thì phải chầu chực "dài cổ" cũng không xong.  

Tàu, thuyền của ngư dân Bình Châu đợi làm thủ tục dể nhận hỗ trợ theo QĐ 289 (Ảnh: Tr.Giang)

Một ngư dân tên D (xin được giấu tên), ở thôn Định Tân bức xúc: “Lần trước cán bộ trên tỉnh xuống đo, tôi đánh ghe chạy qua nhưng vì chưa biết cái “luật lệ” ấy, nên không đưa tiền, kết quả là “theo đuôi” họ mãi nhưng vẫn không đo được phải đánh ghe về. Lần sau, bọc túi 200 ngàn chạy qua đưa cho một người “cò” nhờ đưa cho họ mới đo được”.  

Còn trường hợp tàu của ông T.H (công suất 30CV) thì đã 3 lần đánh tàu đi đến địa điểm đo, nhưng cũng vì không chi tiền “bồi dưỡng” nên chưa làm được. “Mỗi lần nghe tin đoàn cán bộ làm đăng ký, đăng kiểm trên tỉnh xuống đo ghe, xem máy để làm thủ tục, ngư dân phải cho tàu nghỉ tại bến để chờ được đo, hầu mong làm đủ thủ tục để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.  

Thế nhưng có nhiều trường hợp phải “ngậm bồ hòn” đánh ghe về vì không đo được. Một phần là do lượng tàu ở đây quá đông, và điều quan trọng nữa là người làm công tác đo ghe, xem máy tàu luôn nhiệt tình, ưu tiên làm trước cho những chủ ghe “biết điều”. Nhiều người bức xúc nhưng không biết kêu ai…” - ông T.H nói.

Một kiểu "ăn chặn" của ngư dân

Điều đáng nói là Nghị định 289 của Chính Phủ được ban hành, thế nhưng rất ít chủ tàu và ngư dân hiểu rõ những lợi ích của Nghị định này như thế nào. Và đương nhiên phần lớn các chủ tàu nơi đây không am hiểu đầy đủ việc làm thủ tục để được nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ, có trường hợp còn không tin chuyện hỗ trợ này là có thật!  

Thậm chí nhiều ngư dân còn trông chờ những trường hợp làm trước xem có được nhận tiền hỗ trợ không rồi mới làm cho mình. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết các chủ tàu ở đây thông qua "cò". Tàu nào thiếu nhiều thủ tục như đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm, giấy phép khai thác thuỷ sản… thì tốn nhiều tiền và ngược lại. Đồng thời giá cả làm thủ tục cho mỗi tàu cũng được các “cò” đưa ra rất khác nhau một cách vô chừng.

Chúng tôi đến nhà ông Bùi Cương, người có con tàu công suất 250 CV vừa làm xong các thủ tục đăng ký, đăng kiểm và mua bảo hiểm, thông qua một “cò”. Ông Cương cho biết, con tàu vừa làm thủ tục của ông được đóng mới cách đây 3 năm, với tổng số tiền 420 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đóng xong ông đã đưa vào hoạt động chứ không làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm…  

Mới đây, sau khi nghe tin Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền, thế là có một người (bà con) đứng ra làm giùm tất cả các thủ tục, với chi phí khoảng 8 triệu đồng (đương nhiên làm chung với mấy người trên tỉnh-ông Cương nói). Riêng tiền mua bảo hiểm, gia đình ông phải bỏ tiền ra mua (780 ngàn đồng). Hiện tại, ông đã đưa cho người làm giùm ấy nửa số tiền. Ông Cương còn cho biết, nghe nói sau khi làm thủ tục xong, ông phải chi khoảng 3 triệu nữa để nhận giấy dầu (thủ tục nhận tiền hỗ trợ dầu-PV?)

Có thể nói, QĐ 289 của Chính Phủ là chính sách của nhà nước nhằm hỗ trợ , giúp giảm bớt những gánh nặng cho ngư dân, nhất là trong thời buổi xăng dầu tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, việc lợi dụng ngư dân thiếu thông tin để "ăn chặn" tiền của dân là một điều đáng lên án. Không ai dám chắc trường hợp này chỉ có duy nhất ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

 Theo Trà Giang
vietnamnet