Đầu tư 49.000 tỷ đồng xây nhà xã hội: Người thu nhập thấp hết “khát” nhà ở
Các Website khác - 30/09/2008

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân vừa ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2015. Theo đó, Nhà nước sẽ xây dựng 184.000 căn hộ để tạo chốn an cư cho người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở.

>> Cả đời vẫn không mua được nhà !
>> Công chức khốn khổ vì chốn ở
>> Thí điểm nhà ở xã hội: Tiếp tục thực hiện trên... giấy

700.000 người chưa “an cư”

Kết quả điều tra, thống kê từ Đề án về chính sách nhà ở cho cán bộ, công chức năm 2008 của Ban Tổ chức Trung ương, mới có khoảng 2/3 trong tổng số 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức đã tự lo được nhà ở. Số còn lại phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm...

Đáng chú ý, công chức, cán bộ ở Hà Nội có diện tích ở chật chội nhất (7-7,5m2/người), kế đó là TP Hồ Chí Minh (12m2/người). Ngay cả những người đã được phân phối nhà chung cư trước đây thì hầu hết chất lượng nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời.

Đối tượng gặp khó khăn về nhà ở tập trung vào các hộ gia đình trẻ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là lực lượng lao động chủ lực của đất nước nhưng do thời gian công tác còn ít, khả năng thu nhập còn hạn hẹp, chưa đủ điều kiện tích lũy để mua hoặc thuê nhà ở theo giá thị trường nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhà nước sẽ xây dựng 184.000 căn hộ cho người thu nhập thấp trong giai đoạn 2009-2015

Cũng theo tính toán của Bộ Xây dựng, với mức thu nhập bình quân của một hộ gia đình tại khu vực đô thị khoảng 4-6 triệu đồng/tháng so với giá mua một căn hộ chung cư với mức giá trung bình hiện nay (từ 800-1.000 triệu đồng) thì chỉ số giá nhà ở/thu nhập của Việt Nam ở vào khoảng 15,6-16,6.

Trong khi chỉ số này ở Châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ là 6,59; Châu Phi là 2,21; Nam á  là 6,25; Đông á là 4,15; Mỹ La tinh và Caribê là 2,38. Như vậy, chỉ số giá nhà ở/thu nhập của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực cũng như các nước khác trên thế giới.

Giá nhà quá cao trong khi thu nhập lại thấp chính là nguyên nhân cơ bản làm cho đại bộ phận những người lao động, bao gồm cả những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và những đối tượng làm việc trong các thành phần kinh tế rất khó có điều kiện để tạo lập chỗ ở, nếu không có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng.

Thiếu tiền, thiếu cả quyết tâm

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, cho đến nay, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vẫn chưa có những chuyển biến tích cực. Nguyên nhân cơ bản là do chi phí đầu tư xây dựng các dự án nhà ở đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, muốn tham gia đầu tư thì phải vay với lãi suất cao, nhưng lợi nhuận thu được khi cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội lại rất thấp, thời gian thu hồi vốn dài, nên hầu hết các doanh nghiệp đều không mặn mà.

Đã vậy, do điều kiện ngân sách của các địa phương hạn hẹp, trong khi nhu cầu chi tiêu để đầu tư cho các mục đích an sinh xã hội khác như cải thiện hệ thống giao thông; cấp, thoát nước; đầu tư cho giáo dục, y tế rất lớn nên không đủ khả năng bố trí nguồn vốn dành cho nhà ở xã hội.

Thế nên, gần như 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn ngân sách của địa phương để phát triển quỹ nhà ở xã hội.

Không chỉ doanh nghiệp chưa mặn mà ngay cả chính quyền các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề triển khai thực hiện quy hoạch cũng như tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. ở nhiều địa phương, việc chậm ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi cũng là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng chính sách phát triển nhà ở xã hội chậm được triển khai.

Nhà nước, doanh nghiệp cùng làm

Nhằm giải quyết chỗ ở cho khoảng 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị, tại tờ trình Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đề xuất, trong giai đoạn 2009-2015, cần đầu tư xây dựng khoảng 184.000 căn hộ tương đương 9.580.000m2 sàn (mỗi năm khoảng 26.000 căn, tương đương 1.365.000m2 sàn). Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình khoảng 49.000 tỷ đồng (tính theo mặt bằng giá tại thời điểm quý 3-2008).

Trong đó, nguồn vốn Nhà nước (khoảng 25.600 tỷ đồng) dành để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước để cho thuê, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 11.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 14.600 tỷ đồng và vốn huy động của các thành phần kinh tế (khoảng 23.400 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê hoặc thuê mua.

Cũng theo đề xuất của Bộ Xây dựng, trong năm 2009, sẽ dành 1.200 tỷ đồng đầu tư cho 2 địa phương đã triển khai thí điểm (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) để thực hiện xây dựng công trình theo các dự án thí điểm đã được phê duyệt. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 600 tỷ đồng (Hà Nội: 300 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh: 300 tỷ đồng)...

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009-2015 để các Bộ, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các địa phương có cơ sở bố trí vốn cũng như triển khai kế hoạch thực hiện đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội ngay từ đầu năm 2009.          

Theo Chính Trung
anninhthudo