Hanoinet - Hôm qua 29/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri hai quận Cầu Giấy và Ba Đình.
Trongsố hàng chục ý kiến phát biểu của cử tri, lĩnh vực được đề cập nhiều nhất là tình hình quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, lãng phí thất thoát do dự án chậm tiến độ, dự án treo...
Lợi ích của người dân bị lãng quên
Cử tri Nguyễn Lộc, phường Thành Công (quận Ba Đình) đặt câu hỏi: Tại sao số người dân đi khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng ngày càng nhiều? Có phải nguyên nhân là do cơ chế, chính sách của chúng ta có vấn đề hay tại cán bộ thực thi chính sách chưa đúng, chưa nghiêm. Cùng chung suy nghĩ này, cử tri Nguyễn Đình Thi quận Cầu Giấy bức xúc: Chúng ta nói nhiều đến việc bảo đảm lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và người dân khi thu hồi đất nông nghiệp, nhưng thực tế các lợi ích này chưa được bảo đảm hài hòa. Trong suốt thời gian qua, chỉ có lợi ích của doanh nghiệp được chú trọng, còn lợi ích của người dân bị lãng quên. Đây cũng là nguyên nhân gây ra khiếu kiện kéo dài của người dân, gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các cấp chính quyền.. Ông Thi đề nghị Chủ tịch và các đại biểu Quốc hội lưu tâm đừng để dân thiệt thòi quá, vì để có đất nước như ngày hôm nay, nhân dân đã đóng góp rất nhiều.
Thất thoát trong xây dựng cơ bản - Ai chịu trách nhiệm?
Cử tri phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) đề nghị nhà nước thẩm tra kỹ trước khi cấp đất cho các dự án, không nên để các chủ đầu tư lấy đất rồi sau đó bỏ hoang như dự án Thành phố giao lưu từ năm 2002 đến nay vẫn chưa triển khai, dự án Học viện Tư pháp thu hồi đất từ năm 2007 vẫn bỏ hoang hóa..
Về lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, cử tri Nguyễn Lộc đề nghị nhà nước làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để dự án đường vành đai 3 chậm tiến độ. Theo cử tri, khái toán ban đầu của dự án này có 800 tỷ đồng, đến nay sau 8 năm triển khai mới thi công được khoảng 30% vàtổng kinh phí của dự án này đã "đội" lên hơn 3000 tỷ đồng (!) Tiền ngân sách cũng chính là mồ hôi của nhân dân đóng góp, không thể để lãng phí, thất thoát lớn đến như vậy. Đất nước và nhân dân còn nghèo, Đảng và Nhà nước luôn kêu gọi phải tiết kiệm để xây dựng đất nước, nếu dự án nào cũng như dự án đường vành đai 3 thì đất nước sẽ đi đến đâu.
Con nhà nghèo, vùng sâu, vùng xa vẫn thất học
Một lĩnh vực cũng gây bức xúcvà được cử tri quan tâm là vấn đề học phí và các khoản thu của các trường hiện nay. Theo cử tri Vũ Hữu Danh, phường Nguyễn Trung Trực, chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng nhưng quản lý của ngành giáo dục cần phải xem xét. Thứ nhất, các trường dân lập đã được nhà nước ưu ái rất nhiều về đất đai, thuế.., tiền học phí cũng đã thu cao gấp 6-10 lần trường công lập, trong đó có cả tiền xây dựng cơ sở vật chất, nhưng tại sao hằng năm vẫn được thu tiền đóng góp xây dựng trường (?). Các trường công lập cũng vậy, tiền sửa chữa, nâng cấp trường lớp đều bằng tiền ngân sách, vậy khoản thu xây dựng trường mà cha mẹ học sinh đóng hàng năm chi vào việc gì? Đấy là chưa tính tới các khoản thu "tự nguyện". "Tôi cũng từng làm hiệu trưởng, tôi biết, hiệu trưởng nói gì giáo viên, phụ huynh chẳng phải nghe. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, con nhà nghèo, vùng sâu, vùng xa vẫn thất học và lạc hậu"- ông Danh bức xúc.
Về lĩnh vực xây dựng pháp luật, nhiều ý kiến vui mừng vì tiến độ xây dựng luật của Quốc hội đã có đổi mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập phát triển đất nước, nhưng cũng băn khoăn vì luật ra chưa đến được với dân, mới ra đã phải sửa, nhiều luật không có văn bản hướng dẫn thi hành, gây lãng phí, bức xúc trong xã hội. Theo cử tri Nguyễn Đình Thi, việc Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Luật Nhà ở hiện nay là ban hành "cho vui" chứ khó đi vào cuộc sống. Thứ nhất, việc quy định người dân sống ở các chung cư được ngân sách chi 30% kinh phí bảo trì, còn người dân tự xây nhà thì phải tự bảo trì là không công bằng. Một quy định nữa là, những nhà mua sau khi có Luật Nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì cho chủ đầu tư. Đây cũng là điều bất hợp lý vì nếu chủ đầu tư phá sản thì người dân mua nhà sẽ mất số tiền này. Ông kiến nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần tăng cường giám sát việc soạn thảo ban hành các văn bản luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Tại các buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thông báo với cử tri những nét cơ bản của tình hình phát triển kinh tế - xã hội và định hướng, giải pháp lớn của Chính phủ. Theo Chủ tịch, thời gian tới sẽ giám sát chặt chẽ việc quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai. Tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, chăm lo an sinh xã hội và đẩy mạnh việc xây dựng Luật, pháp lệnh, giảm tình trạng Luật ban hành phải chờ hướng dẫn. Về quy hoạch quản lý sử dụng đất đai, Chủ tịch khẳng định "vẫn còn những bất cập cần khắc phục" và đề nghị lãnh đạo thành phố và các quận kiểm tra, giải quyết thoả đáng những vấn đề mà cử tri nêu và có văn bản trả lời cụ thể.