17 cô giáo suốt 10 năm sống cùng nhiễm độc chì
Các Website khác - 20/11/2008

Hàng chục năm nay, 17 cô giáo tại trường Tiểu học Bản Thi, xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn phải sống trong tình trạng sức khoẻ không bảo đảm. Sinh sống và dạy học ngay sát với xưởng tuyển của Xí nghiệp Chì kẽm Chợ Điền và mỏ chì kẽm Bản Thi các cô đều đã biết mình bị nhiễm độc chì nhưng không một sự hỗ trợ nào đáng kể từ phía xí nghiệp. Nguy cơ hàng ngàn người dân lân cận bị nhiễm chì cũng hiển hiện rõ ràng.

Sống cùng bệnh tật

Chúng tôi đến trường Tiểu học Bản Thi vào một buổi sáng trời âm u nhưng cũng có thể thấy rõ thứ bụi trắng xám bám đầy trên cây cỏ xung quanh trường. Người dân bức xúc: Trời nắng, bụi còn rõ hơn, chưa kể mùi cứ thoang thoảng đâu đây. 17 cô giáo có 4 người sống trong khu tập thể, còn lại thì có nhà quanh trường.

Nước xám xịt sau tuyển quặng chảy ra bể lắng lọc. Ảnh: LS
Bà Nông Thị Mai, Hiệu trưởng cho biết: Trường có 17 cô giáo thì tất cả đều bị nhiễm độc chì với nhiều mức độ. Có lẽ các cô cũng không thể biết mình bị nhiễm chì nếu không nhận thấy tình trạng sức khoẻ không bảo đảm nên đã chủ động đề nghị Xí nghiệp Chì kẽm hỗ trợ đưa đi xét nghiệm vào năm 1998. Khi đó, có 18 cô cùng đi đều choáng váng vì biết tất cả đều bị nhiễm độc chì.

Theo bà Mai, nặng nhất là cô Hà Thị Chanh nhiễm mức 18mg/l, nhẹ nhất là cô Ma Thị Thu nhiễm 5,7mg/l, mức trung bình là từ 10- 12mg/l. Danh sách và kết quả xét nghiệm hiện Xí nghiệp Chì kẽm vẫn giữ.

Cô Thu năm nay mới 37 tuổi nhưng đã bị thoái hoá cột sống, viêm khớp cho biết : Hầu như tất cả chúng tôi đều bị thoái hoá cột sống, cô nào cũng thường xuyên bị đau nhức khớp.

Thiếu nước sinh hoạt các cô phải lấy nước từ Bản Cậu cách trường hơn 5km bằng can nhựa về dùng. Ảnh: LS
Trong số này có cô Hà Thị Trang bị nhiễm mức 8mg/l, sau này chuyển ra dạy tại xã Yên Thượng chỉ sau hai năm khi đi xét nghiệm lại đã thấy lượng chì trong cơ thể ở mức bình thường và dần khoẻ mạnh. Điều đáng nói là Xí nghiệp khi đó chỉ hỗ trợ một phần còn giáo viên vẫn phải bỏ tiền túi ra để đi xét nghiệm, sau 10 năm đến giờ không một lần xét nghiệm lại các cô đều lo lắng không biết mình đã bị nhiễm ở mức nào trong khi bệnh tật thì cứ đeo đẳng.

Trong vòng chục năm đã qua các cô đều sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn nước sát với trường học. Cô Vương Thị Ngọc, giáo viên trường Mầm non bức xúc: Nguồn nước trước đây còn trong vắt giờ cứ lờ đờ nước đục nhưng cả trường đều phải sử dụng. Đây là nguồn nước ngầm chảy ra, cách đó không xa là con suối chảy gần xí nghiệp và xưởng tuyển quặng.

ô Trịnh Thị Vy và phim chụp chứng thực mình đã bị thoái hoá cột sống như hàng chục cô giáo khác. Ảnh: LS
Cô Ngọc cho hay, khi cô đi xét nghiệm thì tóc đã bị rụng hết, trong khi các cô khác thì thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt. Cô Trịnh Thị Vy năm nay mới 50 tuổi nhưng gặp cô ai cũng nghĩ cô đã hơn 60 tuổi vì mái tóc đã bạc trắng cả. Gắn bó với trường từ năm 1981, thường xuyên sử dụng nước nguồn này để sinh hoạt, bản thân cô không dám để đứa con mới học lớp 8 học gần nhà mà phải gửi ra tận thị xã Bắc Kạn, chấp nhận cảnh mẹ con xa nhau.

Cô Vy đưa cho chúng tôi xem sổ khám bệnh, đơn thuốc với các bệnh thoái hoá cột sống, rối loạn tuần hoàn não… Đau đớn vì bệnh tật nhưng cô cũng như những cô giáo còn lại chưa đi xét nghiệm lại lần nào. Đến giờ không ai còn dám sử dụng nguồn nước đó nữa thay vào đó cứ 3 ngày các cô lại phải đèo nước từ tận Bản Cậu, xã Yên Thịnh về đổ vào lọc nước để dùng.

Biết nhưng... quên?

Không khó để thấy nguyên nhân khiến các cô giáo bị nhiễm độc chì khi mỏ khai thác nằm gần trường, trong khi xưởng tuyển quặng dùng công nghệ thuỷ luyện đặt trên núi cách đó cũng không xa. Xưởng tuyển thường xuyên dùng nhiều hoá chất để lọc tuyển lấy tinh quặng chì kẽm, nước xả ra được cho qua bể lắng trên đỉnh núi rồi chảy thẳng xuống nguồn nước về phía trường học và các hộ dân sinh sống.

Khi chúng tôi đến gần khu vực này, cảm nhận đầu tiên đó là mùi hoá chất, chì kẽm nồng nặc và nguồn nước xám xịt có thể nhận thấy bằng mắt thường.

Được biết, đây là mỏ chì kẽm lớn nhất Việt Nam, lượng quặng khai thác được và tuyển lấy tinh quặng một năm là rất lớn nên cũng không ai rõ có bao nhiều lượng chì độc hại đã được khuếch tán vào không khí và nguồn nước.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó giám đốc Xí nghiệp cho biết: Hàng năm công nhân đều được kiểm tra, xét nghiệm xem ai nhiễm độc chì thì đưa đi tẩy chì để bảo đảm sức khoẻ, được nhận bồi dưỡng độc hại.

Chỉ có điều, mặc dù Xí nghiệp thừa nhận độc hại và việc công nhân bị nhiễm chì nhưng có lẽ đã quên mất những cô giáo và người dân sống chung quanh.

Ông Phương cũng cho rằng: Việc hỗ trợ người dân hay các cô giáo xét nghiệm và tẩy độc cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và có lộ trình chứ không thể nói là làm ngay được?!

Hàng trăm hộ dân có nguy cơ nhiễm chì?

Lãnh đạo xã Bản Thi cho biết đã nhiều lần ý kiến với Xí nghiệp Chì kẽm nhưng vẫn chưa có sự phản hồi tích cực nào đáng kể. Khu vực lân cận xưởng tuyển và các mỏ khai thác có hơn 400 hộ dân với hơn 1.000 khẩu, trong đó đa phần sinh sống ngay cạnh trường Tiểu học của xã.

Những em nhỏ này có bị nhiễm chì hay không cũng chưa ai rõ?
Ảnh: LS
Từ đó tới nay cũng chỉ có 18 cô giáo đi xét nghiệm mới biết mình nhiễm độc chì, còn người dân thì chấp nhận “ vô tư” sống vì không có điều kiện đi khám. Có những trường hợp ốm liệt giường cận kề với cái chết mới đi xét nghiệm tẩy độc chì là lại khoẻ lại.

Trong số 18 cô giáo đã đi xét nghiệm thì cũng chỉ có 3 người bị nhiễm nặng nhất được Xí nghiệp đưa đi tẩy độc tại Quất Lâm (Nam Định), số còn lại được cho là vẫn trong mức nhiễm bảo đảm. Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, không thể nói là điều bình thường khi trong số các cô có ít nhất 15 người bị thoái hoá cột sống rồi các bệnh về xương khớp.

Cô Mai, Hiệu trưởng bức xúc: Chúng tôi chỉ mong muốn được đi khám định kỳ và tẩy chì như những công nhân đang làm trong xí nghiệp để bảo đảm sức khoẻ. Có lẽ đó là một ước nguyện chính đáng với 17 cô giáo dạy học ở mái trường có tới 5 điểm trường xa xôi như Kéo Nàng, Khuổi Kẹn…

Người dân sinh sống tại đây đa phần đều tiến hành đào giếng sâu từ 20- 30m để lấy nước sinh hoạt nhưng cũng không ai dám khẳng định nguồn nước đó có thực sự trong lành. Câu hỏi mức độ nhiễm chì của người dân cũng như các cô giáo nơi đây đến đâu vẫn chưa có lời giải đáp trong khi những căn bệnh liên quan cứ rình rập họ hàng ngày.

  • Linh Sơn