Làm cho quan hệ đạo đời tốt đẹp mãi
Các Website khác - 20/11/2008

Dù ở vị trí linh mục hay chỉ là những giáo dân bình thường, đồng bào Công giáo đã thể hiện tốt tư cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa. Bên lề Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V, PV Báo SGGP ghi nhận ý kiến một số đại diện.

  • Linh mục Nguyễn Đức Trung, Giáo xứ Tân Thạnh Đông, Phó ban Đoàn kết Công giáo huyện Củ Chi, TPHCM: “Chúng ta đều là người Việt Nam, đều có mong muốn phục vụ nhân dân tốt hơn”
 

Củ Chi có gần 12.000 đồng bào Công giáo, tuy không đông nhưng những gì mà bà con giáo dân đóng góp rất thiết thực, nhất là về đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, từ thiện. Trong 5 năm qua, bà con giáo dân Củ Chi đã đóng góp trên 5 tỷ đồng cho công tác từ thiện. Củ Chi có hàng loạt địa chỉ từ thiện của giáo dân như Trung tâm Nuôi dạy trẻ bị chất độc da cam Thiên Phước; Trung tâm Hỗ trợ bệnh nhân AIDS Mai Hòa; Nhà dưỡng lão tình thương của Giáo xứ Tân Thông... Cuộc sống của đồng bào Công giáo Củ Chi tốt đẹp là nhờ quan hệ “đạo - đời” được vun đắp, mà cụ thể là quan hệ giữa chính quyền - mặt trận - bà con giáo dân. Tất cả đã trên tinh thần thân thiện, tình cảm, hiểu biết lẫn nhau. Tại Củ Chi, tôi và linh mục Phạm Văn Hòa đã tập hợp, đoàn kết bà con giáo dân và triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước. Đóng góp của bà con được chính quyền, cộng đồng ghi nhận.

Tôi cũng thấy rằng, công lao của mặt trận là rất lớn khi đã làm tròn vai trò cầu nối giữa bà con và chính quyền. Tôi vẫn cho rằng, trong mọi trường hợp, kể cả khi có bất đồng, chỉ cần có tình cảm, thấu hiểu thì mọi người sẽ ngồi lại với nhau được, cùng tháo gỡ mọi sự. Vì thế, thời gian tới cần tăng cường đối thoại giữa chính quyền, mặt trận và bà con giáo dân. Chúng ta đều là người Việt Nam, đều có mong muốn phục vụ nhân dân tốt hơn.

  • Bác sĩ Nguyễn Văn Hanh, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: “Thực thi bác ái” như lời Chúa răn

Lớn lên từ Giáo xứ Trung Nghĩa, nay là xã Bình Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Hanh đã trở thành người Công giáo đầu tiên của vùng này đi học đại học. Sau 6 năm học ở Đại học Y Hà Nội, năm 1983 anh về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An. Một lần nữa anh trở thành người đầu tiên ở Nghệ An đi học chuyên ngành y học cổ truyền.

Từ đó anh trở thành Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật, Chủ tịch Hội đông y, rồi Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện. Từ năm 1994 đến nay, anh kiêm thêm chức danh Trưởng ban Đoàn kết Công giáo của TP Vinh, Nghệ An.

Trong suốt quá trình phấn đấu của mình, anh Hanh luôn tâm niệm phải sống “tốt đời đẹp đạo”. Vì thế, từ năm 1991, anh đã lập phòng mạch lấy tên An Tôn (tôn trọng sự an lành) để có điều kiện cùng các bác sĩ của bệnh viện “thực thi bác ái” như lời Chúa răn. Đây là phòng mạch tư gần như được mở ra đầu tiên ở Nghệ An hồi bấy giờ. Từ đó, anh và các đồng nghiệp đã thường xuyên tổ chức các đợt thăm tặng quà cho người tàn tật; các cháu bị bệnh hiểm nghèo; các cháu là trẻ mồ côi..

Anh cũng đã tổ chức nhiều đợt khám chữa bệnh từ thiện cho các giáo xứ, cho các cán bộ lão thành cách mạng, người neo đơn; mổ mắt miễn phí cho đồng bào nghèo. Dù làm được nhiều việc thiện như vậy, nhưng anh Hanh vẫn không ngừng nuôi dưỡng tâm nguyện được phụng sự đất nước và nhân dân nhiều hơn nữa.

Phan Thảo